Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Lao động phân tích, kinh tế khó khăn do tác động của dịch Covid-19, cùng với xu hướng chuyển đổi số sẽ khiến cho lượng lao động bị đào thải, mất việc không ngừng tăng lên. Một số lao động có tay nghề có thể nhanh chóng tìm được việc làm mới, nhưng số khác có thể đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.
"Bởi vậy, thật dễ hiểu vì sao số lao động thất nghiệp, đăng ký rút BHXH hưởng 1 lần tăng lên. Trong hoàn cảnh khốn khó, khoản tiền BHXH được xem như là gói cứu trợ giúp họ vượt qua bước đường cùng" - bà Hương nói.
Trong bối cảnh đó, đề xuất giảm mức hưởng BHXH 1 lần được cho là sẽ tạo ra nhiều sự bất công cho lao động. Nhiều khả năng nó sẽ không giúp đạt được mục đích giữ chân người lao động lại với hệ thống BHXH mà có thể còn gây nên những tác động ngược, khiến lao động chán nản, không muốn tham gia BHXH.
"Tôi cho rằng không nhất thiết phải giảm mức hưởng BHXH 1 lần của lao động. Có thể cho người lao động rút BHXH nhưng chỉ cho rút phần mà lao động đóng vào Quỹ BHXH, phần doanh nghiệp đóng BHXH cho lao động vẫn nên giữ nguyên để sau này về già lao động có lương hưu"- bà Lan Hương kiến nghị.
Tuy mức rút có thấp hơn mức hiện hành, nhưng về cơ bản chúng ta vẫn giữ được chân người lao động, lao động lại không mất khoản tiền đó mà về già vẫn có lương hưu, dù ít dù nhiều.
"Quy định số năm đóng BHXH là 20 năm được hưởng 45% tiền lương sau đó mới tăng dần theo thời gian. Nếu rút tiền BHXH, cuối cùng lao động không còn khoản tiền tích cóp sau khi về già, họ dễ trở thành gánh nặng cho bản thân và gia đình. Điều này có thể làm gia tăng gánh nặng lên hệ thống an sinh, trợ cấp của đất nước"- bà Hương phân tích thêm.
Bà Hương cũng tư vấn thêm, có thể tính toán dựa trên số tiền BHXH mà lao động đã đóng, hay tiền lương hưu lao động có thể nhận được sau này để ban hành những chính sách bảo lãnh cho lao động được vay vốn tín dụng. Đây được xem như khoản tài sản cầm cố cho lao động.
Đồng tình với quan điểm của bà Hương, ông Lê Đình Quảng - Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động) cho rằng không nên áp dụng chính sách giảm 50% mức hưởng nếu rút BHXH 1 lần của lao động.
Đề xuất này của Bộ LĐTBXH không phải là giải pháp triệt để điều chỉnh hành vi rút BHXH 1 lần của lao động, đồng thời cũng không giải quyết được tình trạng lao ra khỏi hệ thống BHXH.
"Để tránh việc lao động nhận 1 khoản tiền rồi về già sống leo lắt, tôi đồng tình với việc phải đưa ra nhiều giải pháp giữ chân lao động tham gia BHXH. Có thể tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm mới. Có thể cho lao động rút 1 phần tiền đã đóng vào Quỹ BHXH... nhưng không nên rút hết. Tránh trường hợp như trước đây, lao động về hưu hưởng 1 cục (theo chế độ 176) sau đó không có lương hưu cuộc sống rất khó khăn" - ông Quảng nói.