Ngày 25/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" xảy ra tại Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát.
Liên quan đến vụ án này, cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam, khám xét đối với 7 bị can là Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và nhân viên bán hàng của hai công ty trên.
Cụ thể, từ 18 đến 22/6, Cơ quan công an đã khám xét khẩn cấp hơn 50 địa điểm của đường dây sản xuất và tiêu thụ các loại sách giáo khoa giả trên địa bàn các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa.
Quá trình khám xét, đã tạm giữ nhiều vật chứng trong vụ án gồm, hơn 3,2 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản Giáo dục; 3 hệ thống dây chuyền máy in Offset, nhiều máy gia công sách giả; hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo dục và nhà xuất bản khác; 5 ô tô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách; khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp...
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, có thể nói đây là vụ án triệt phá đường dây sản xuất hàng giả là sách giáo khoa lớn nhất từ trước đến nay, vụ việc tác động lớn đối với xã hội nên cơ quan tố tụng sẽ mở rộng điều tra làm rõ các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo vị luật sư, xuất bản sách là một hoạt động có sự quản lý của nhà nước để đảm bảo quản lý về văn hóa, xã hội, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và trật tự quản lý hành chính. Đối với sách giáo khoa, đây là những ấn phẩm đặc biệt, có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.
Như vậy, hoạt động suất bản sách giáo khoa có tính chất đặc thù, liên quan đến chất lượng giáo dục ngoài các đặc điểm chung của các loại sách báo nên có sự quản lý chặt của nhà nước. Chỉ có các nhà xuất bản được nhà nước cho phép mới được thực hiện các hoạt động xuất bản, phát hành sách giáo khoa.
Tất cả các tổ chức cá nhân không có chức năng, không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các sách giáo khoa đó đều là hàng giả. Việc sản xuất, buôn bán hàng giả là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Cường phân tích, sản xuất sách giáo khoa hợp pháp là phải được in ấn, xuất bản theo đúng luật xuất bản, phải có giấy phép, có sự quản lý của nhà nước; đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về luật sở hữu trí tuệ, luật xuất bản, luật giáo dục và các văn bản pháp luật có liên quan.
Tuy nhiên, các đối tượng đã không tuân thủ các quy định về việc in ấn, xuất bản, lưu hành sách. Hành vi này xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm luật xuất bản, làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và xuất bản, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các tác giả, các nhà xuất bản và tác động xấu, tiêu cực đến xã hội.
Chất lượng các quyển sách này có thể không đạt chuẩn, không đủ tiêu chuẩn để phục vụ cho hoạt động giáo dục cũng như gây ra bất bình đẳng trong xã hội đối với những người sáng tác, các tác giả và với những người lao động chân chính trong lĩnh vực xuất bản.
Như vậy, theo Điều 192 Bộ luật hình sự năm 2015, các bị can trong vụ án có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 7 đến 15 năm, đồng thời còn có thể bị phạt bổ sung từ 20 – 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1 năm đến 5 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Với những bị can được xác định là chủ mưu, cầm đầu, vai trò quan trọng, hưởng lợi lớn sẽ chịu mức chế tài nghiêm khắc. Đối với những bị can có vai trò giúp sức, thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật.