Theo ông Dương Anh Đức, tuần qua là tuần đặc biệt, thành phố thực hiện hai nhiệm vụ nặng nề. Đó là đối phó với chủng Delta, nguy hiểm, lây lan nhanh và thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, gói gọn trong 1 tuần với hơn 800.000 liều cho người dân. Việc này diễn ra khẩn trương, với thời gian ngắn chỉ 5 ngày chính thức, đến giờ phút này có thể nói đợt tiêm chủng đã thành công.
Ông Đức nhìn nhận, do việc chuẩn bị thời gian ngắn nên cũng có những vấn đề nhất định, sau đó ổn định lại và hoàn thành tiêm an toàn. Chỉ có 2 trường hợp phản ứng độ 4 (ngưng tim) nhưng đã được cấp cứu thành công.
Tính đến 17h, đã có 731.984 người được tiêm, 96.198 người chưa được tiêm sau khám sàng lọc.
Ông Đức cũng nhìn nhận: "Chúng ta nhận được sự hỗ trợ của người dân, do sức hút của vaccine lớn nên bà con nhiệt tình, dù chia giờ, nhưng bà con đến sớm, đông. Khâu tổ chức cũng có yếu kém nhất định, nhìn chung bà con phối hợp tuyệt vời".
Thành phố đã mời đến hơn 900.000 người tuy nhiên có nhiều đối tượng không đến để tiêm, đó là những người từ chối tiêm và nhóm những người yếu thế được ưu tiên tiêm nhưng do dịch, họ đã về quê.
Về công tác phòng chống dịch, ông Dương Anh Đức cho biết, TP vẫn kiên định các phương án do Ban chỉ đạo đề ra, phương châm thần tốc truy vết, sẽ bao phủ trên diện rộng nhưng cách ly trong diện hẹp, tập trung. TP có địa hình phức tạp, đông dân, nhiều tính chất khá nhau nên phải áp dụng linh hoạt để vừa đảm bảo duy trì cuộc sống, sản xuất kinh doanh của bà con vừa đảm bảo chống dịch.
Ông Đức phân tích: Nơi phổ biến áp dụng cơ bản giãn cách theo chỉ thị 15, một số nơi áp dụng cơ bản như chỉ thị 16, một số nơi phong tỏa toàn diện để khoanh vùng những nơi nguy cơ có nhiều F0. Tầm soát test trên diện rộng và test 100% người dân nơi nguy cơ cao. Qua báo cáo của Sở Y tế, đa số các ca phát hiện nằm ở khu cách ly, phong tỏa và các ca tầm soát qua khám bệnh ở các bệnh viện.
Ông Đức cho biết, thời gian tới, TP sẽ phân loại các địa phương theo các mức độ nguy cơ: Nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và có nguy cơ, không để địa bàn nào ở nhóm nguy cơ thấp để có tâm lý chủ quan. Tùy từng loại nguy cơ, TP sẽ có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Cùng với đó, các quận huyện phải đánh giá đến cấp phường và thấp hơn để có đề xuất các biện pháp phù hợp.
"Ví dụ như TP.Thủ Đức có nhiều vùng, sự đánh giá cũng khác nhau. Vùng quận Thủ Đức cũ được đánh giá phức tạp hơn quận 9, quận 2 cũ vì đây có KCN, KCX, giáp ranh Bình Dương, Long An…", ông Đức nói, đồng thời cho biết, tuần này được đánh giá là tuần rất quan trọng. Chủ tịch UBND TP đang họp với Sở Y tế để tổ chức 22 đội đặc biệt hoạt động trên 22 quận huyện.
Sở Y tế cũng sẽ cải tiến hiệu quả công tác tầm soát, lấy mẫu, phân tích kết quả xét nghiệm để có biện pháp thích hợp.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban về công tác phòng, chống dịch sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định, đây là ngày thứ 12 liên tiếp thành phố ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 lên đến 3 con số mỗi ngày.
Thành phố đã triển khai rất nhiều biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, thậm chí áp dụng một số biện pháp cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, số ca nhiễm hàng ngày còn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Hiện nay, các quận huyện có nguy cơ rất cao gồm: Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Tân Phú và một phần của TP.Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ).
Nơi có nguy cơ cao là Gò Vấp, Củ Chi, quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, quận 5, quận 4, quận 12 và một phần của TP.Thủ Đức (quận 2 và quận 9 cũ). Các quận có nguy cơ gồm Cần Giờ, quận 10, quận 11, quận 7 và quận Phú Nhuận.