Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, đối với từng lĩnh vực đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, phải rà soát, sắp xếp dự án theo thứ tự ưu tiên, đề xuất danh mục phù hợp với phân cấp quản lý đầu tư, khả năng cân đối vốn cho từng ngành, lĩnh vực trong tổng thể cân đối chung của TP.
Đồng thời, không chia nhỏ các dự án đầu tư (trừ trường hợp đặc biệt, nhưng phải chứng minh hiệu quả), hạn chế phát sinh đầu mối quản lý, thủ tục đầu tư.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát toàn bộ các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bao gồm cả dự án chuyển tiếp và dự án mới ở từng cấp, bảo đảm không dàn trải; kiên quyết cắt giảm những dự án khởi công mới chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả...
Việc lựa chọn danh mục dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải bảo đảm nguyên tắc quy định tại Điều 57 Luật Đầu tư công; các dự án mới bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm và nhóm C không quá 3 năm.
Trường hợp không đáp ứng thời gian nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương và HĐND cấp TP quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương.
Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ đầu tư, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về việc thực hiện chỉ thị và chất lượng, hiệu quả, tiến độ của việc xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP.
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 2670/QĐ-UBND, giao Sở Giao thông vận tải; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện nhiệm vụ đầu tư một số tuyến đường giao thông khung, công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố, thực hiện đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Cụ thể, Sở GTVT phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội chuẩn bị đầu tư các dự án: Cải tạo nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển; Dự án cải tạo nâng cấp đường 70 đoạn từ Nhổn đến Đại lộ Thăng Long; Dự án xây dựng đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32…
UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cầu Thượng Cát.
Ủy ban nhân dân TP Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các dự án: Xây dựng công trình cầu nối Liên Mạc; Dự án nâng cấp trạm bơm tiêu Đông Mỹ.
UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 1987/UBND-KT về việc chủ động triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất công nghiệp trong bối cảnh dịch có thể bùng phát.
Cụ thể, UBND TP yêu cầu các Sở Y tế, Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp. Chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền chấp thuận được ưu tiên vaccine hoặc được mua vắc xin tiêm cho công nhân.
Ngoài ra, tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp…thực hiện phân vùng các khu vực, bộ phận, phân xưởng sản xuất; điều chỉnh phân ca sản xuất theo địa bàn cư trú người lao động.
Những cơ sở sản xuất không thực hiện các biện pháp phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch theo quy định; hoặc có thực hiện nhưng đánh giá ở mức không đảm bảo an toàn phải tạm dừng hoạt động.
Đặc biệt, UBND TP Hà Nội lưu ý cần chủ động phương án ứng phó với các mức độ diễn biến phức tạp của dịch, duy trì ở mức cao nhất các hoạt động sản xuất công nghiệp, không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất.
Ngày 29/6, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội có quyết định về việc công nhận 21 học sinh trúng tuyển diện tuyển thẳng vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021 - 2022 (đợt 2).
Đây là những học sinh thuộc diện F0 và F1 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có 1 học sinh diện F0, 20 học sinh diện F1. Các học sinh này đều học tại các trường THCS khu vực huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thường Tín...
Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu những học sinh trúng tuyển diện tuyển thẳng hoàn thành thủ tục nhập học tại trường THPT đăng ký tuyển thẳng theo đúng thời gian quy định của Sở là từ ngày 9/7 đến hết ngày 12/7/2021.
Vào đầu tháng 6, Sở GDĐT Hà Nội công nhận trúng tuyển cho 412 học sinh thuộc diện tuyển thẳng vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022, gồm các học sinh diện khuyết tật, học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, thi khoa học kỹ thuật, học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn nghệ, thể dục thể thao và học sinh là người dân tộc ít người.
Trước đó, ngày 2/6, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuật đề xuất của Sở GD&ĐT về việc tuyển thẳng vào lớp 10 THPT công lập với thí sinh thuộc diện F0, F1 và xét tuyển với các thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly. Thời gian phân loại thí sinh được tính đến 17 giờ ngày 11/6/2021.