Dân Việt

Cô gái nhét giẻ vào miệng bé trai gây phẫn nộ: Vi phạm nghiêm trọng thì phải loại ra khỏi ngành

Gia Khiêm 30/06/2021 10:29 GMT+7
Trước vụ việc cô gái có hành vi nhét giẻ vào miệng bé trai 12 tháng tuổi ở cơ sở mầm non tại Thái Bình gây phẫn nộ, các chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, các hành vi bạo lực cần phải được loại bỏ ra khỏi ngành giáo dục.

Hành vi bạo lực với trẻ, dù dưới hình thức nào, đều phải được xử lý nghiêm

Hai ngày qua, vụ việc bé trai H.N.N. (12 tháng tuổi, ở phường Bồ Xuyên, TP.Thái Bình) bị một cô gái nhét giẻ vào miệng ở cơ sở mầm non tư thục Sao Việt (có địa chỉ tại tổ 8, phường Tiền Phong, TP.Thái Bình) khiến dư luận phẫn nộ. Qua xác định, cô gái này đang là sinh viên, những ngày qua trông cơ sở mầm non giúp chị gái mình.

Chuyên gia tâm lý giáo dục nói gì vụ cô gái nhét giẻ vào miệng bé trai gây phẫn nộ ở Thái Bình? - Ảnh 1.

Bé trai gào khóc khi bị nhét giẻ vào mồm. Ảnh cắt từ clip V.D.L

Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam nêu rõ, Điều 6 Luật Trẻ em (Luật số 102/2016/QH13) được Quốc Hội khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016 có quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có nội dung cấm bạo lực đối với trẻ em. Việc một cô nuôi dạy trẻ ở Thái Bình như báo đã đưa tin là hành vi vi phạm luật pháp, cần phải được nghiêm khắc lên án và xử lý thật nghiêm theo Luật.

"Trong vài năm gần đây, các vụ bạo lực đối với trẻ mầm non xảy ra khá nhiều, nào là đánh trẻ bằng nhiều thủ đoạn rất tàn nhẫn, dọa trẻ cho trẻ vào máy vặt lông gà, hành hạ trẻ bằng mọi cách dẫn trẻ đến tử vong… Các hành vi bạo lực với trẻ như thế đã hủy hoại tâm hồn trẻ thơ, để lại các sang chấn tâm lý trẻ rất nặng nề, nguy hiểm đối với sự phát triển tiếp theo của trẻ", GS.TS Nguyễn Ngọc Phú chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý giáo dục nói gì vụ cô gái nhét giẻ vào miệng bé trai gây phẫn nộ ở Thái Bình? - Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NVCC

Theo ông Phú, trẻ rất nhạy cảm. Nhìn vào thái độ và biểu hiện cảm xúc của trẻ hàng ngày, mỗi khi trẻ đi học về, ta có thể đoán nhận khá chính xác các sự việc đã xảy ra trong ngày với trẻ.

"Mọi ngày trẻ thích đi học, hôm nay lại không muốn đi đến lớp, thế là đã có chuyện. Là bố mẹ, phải thường xuyên quan tâm đến trẻ, ân cần chăm sóc hỏi han trẻ, nói chuyện thân tình với trẻ. Nếu làm được như vậy, có việc gì ở trường, trẻ sẽ kể hết. Một khi đã phát hiện trẻ bị bạo lực tại các cơ sở mầm non, các bậc bố mẹ phải tìm hiểu rõ nguyên nhân và xử lý ngay.

Chuyên gia tâm lý giáo dục nói gì vụ cô gái nhét giẻ vào miệng bé trai gây phẫn nộ ở Thái Bình? - Ảnh 3.

Cơ sở mầm non Sao Việt hiện đã bị tạm đình chỉ hoạt động. Ảnh: Đặng Thuỷ

Nếu là lỗi do trẻ gây ra thì phải tìm cách hướng dẫn khuyên bảo khéo léo trẻ, để tạo cho các cháu được rèn luyện và biểu hiện các hành vi đúng, chuẩn theo quy tắc đạo đức cần có. Đấy là việc giáo dục trẻ. Gia đình phải dạy các cháu. Không có nhà trường nào dạy cho con người mọi thứ. Tôi cho rằng trong giáo dục trẻ thì phải xếp hạng theo thứ tự quan trọng: GIA ĐÌNH – NHÀ TRƯỜNG – XÃ HỘI", ông Phú nêu.

Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam cho rằng, nếu các cơ sở giáo dục, các cô giáo mầm non có hành vi bạo lực với trẻ thì phải cùng với cơ sở giáo dục này giải quyết dứt điểm. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự, phải có sự vào cuộc của công an, chính quyền sở tại, các cơ quan thực thi pháp luật.

"Các cô giáo mầm non nếu có hành vi bạo lực với trẻ, dù dưới hình thức nào, đều phải được xử lý nghiêm. Nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, thì phải loại khỏi ngành giáo dục. Xã hội ta không chấp nhận có các cô giáo như vậy", ông Phú nêu quan điểm.

"Trẻ nhỏ chăm sóc không hề dễ dàng"

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc quản lý trông trẻ đặc biệt là trẻ nhỏ là điều không hề đơn giản, dễ dàng.

Chuyên gia tâm lý giáo dục nói gì vụ cô gái nhét giẻ vào miệng bé trai gây phẫn nộ ở Thái Bình? - Ảnh 4.

Bé trai hiện đang được bố mẹ chăm sóc. Ảnh: GĐCC

"Đối với một số ngành nghề đặc biệt tiếp xúc với trẻ chúng ta cứ nghĩ rằng trẻ càng nhỏ càng đơn giản nhưng xin lỗi việc này không hề dễ. Rõ ràng càng những năm đầu đời của trẻ nhỏ chúng ta dạy phát triển năng lực, phát triển thông minh phản biện cho trẻ cực kỳ quan trọng. Để làm được điều đó năng lực của người chăm sóc cực kỳ quan trọng, phải là người có kinh nghiệm và chặt chẽ trong cách quản lý", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Theo ông Nam, hiện nhiều cơ sở giáo dục tư thục trông trẻ chưa coi trọng quy trình tuyển chọn người trông nom trẻ có năng lực chăm sóc. Bên cạnh đó, những điều cốt lõi người trông nom trẻ phải có nhân cách, có quá trình rèn và tinh thần yêu trẻ.

"Rõ ràng không ít cơ sở giáo dục mầm non chưa coi trọng việc này, đặc biệt một số cơ sở bộc phát, nhất là khi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động. Chính vì vậy không đảm bảo quy trình tuyển người.

Đôi lúc cá nhân có kỹ năng chăm sóc trẻ nhưng có thể do ảnh hưởng tâm lý, cuộc sống gia đình hay chính việc chăm sóc trẻ nhỏ đã ảnh hưởng tới tính cách. Việc này đòi hỏi cơ sở quản lý phải quan sát thường xuyên và phát hiện, tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc, ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe trẻ nhỏ", ông Nam đưa ra ý kiến.

Trong vụ việc trên, ông Nam cho rằng, cô gái đã không có khả năng kiểm soát cảm xúc. Chính vì vậy chủ cơ sở phải sâu sát, nhìn thấy dấu hiệu của giáo viên, người trông trẻ trong việc tiếp xúc với trẻ nhỏ hàng ngày, tránh xảy ra trường hợp sai phạm đáng tiếc.

Liên quan đến vụ cháu bé bị nhét giẻ vào miệng tại trường mầm non tư thục Sao Việt, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chỉ đạo.

Theo đó, ngay sau khi nắm bắt thông tin về clip trên tại một lớp mầm non độc lập tư thục trên địa bàn TP.Thái Bình, Bộ GD-ĐT đã trao đổi nhanh với lãnh đạo Sở GD-ĐT Thái Bình và yêu cầu Sở này phối hợp với các đơn vị chức năng TP.Thái Bình khẩn trương xác minh, báo cáo vụ việc về Bộ và có hình thức xử lý nghiêm.