Nàng Bao Tự là một trong thập đại mỹ nhân Trung Quốc, sánh vai với các người đẹp như Tây Thi, Điêu Thuyền, Triệu Phi Yến, Trương Lệ Hoa, Ngu Cơ...
Nếu như những mỹ nhân kia gắn với những từ "trầm ngư", "lạc nhạn", bế nguyệt", "tu hoa"; thì nàng Bao Tự lại phải gắn vẻ đẹp của mình với 4 chữ "hồng nhan họa thủy" khi nàng được coi là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của triều đại Tây Chu.
Theo "Sử ký" (Tư Mã Thiên) - "Chu bản kỷ" và sách Lã thị Xuân Thu, Bao Tự là vương hậu thứ hai của Chu U vương, vị thiên tử cuối cùng của giai đoạn Tây Chu trong lịch sử Trung Quốc.
Nàng Bao Tự tuy có dung mạo xinh đẹp, quyến rũ hơn người song lại không bao giờ thấy cười, điều này làm U Vương luôn đau đầu nghĩ cách. Chu U vương còn lệnh ai làm cho nàng cười sẽ thưởng nghìn lạng vàng.
Vì để có được một nụ cười của người đẹp, U Vương lệnh cho người châm lửa đốt tháp dầu, đánh trống gọi các chư hầu tới. Các chư hầu nghe thấy tín hiệu, gấp rút đến cứu viện, nào ngờ đến nơi mới biết mình bị U Vương trêu đùa, tức giận bỏ đi. Nàng Bao Tự thấy vậy thì mỉm cười vui sướng.
Ít lâu sau, kinh đô Cảo Kinh của nhà Tây Chu bị quân của người Khuyển Nhung tấn công. U Vương đánh trống gọi chư hầu cứu viện, song chư hầu đều nghĩ rằng đây lại là trò đùa của thiên tử, nên không ai đến ứng cứu. Kết quả, U Vương bị giết ở Ly Sơn, nhà Tây Chu diệt vong.
Câu chuyện trên đã trở thành một điển tích nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, gọi là "phóng hỏa hý chư hầu" (đốt lửa trêu chư hầu), nàng Bao Tự được coi là "hồng nhan họa thủy" (người đẹp là khởi nguồn của tai họa), được liệt vào "tứ đại yêu cơ" (bốn người thiếp là yêu quái nổi tiếng).
Song có một sự thật phải nhấn mạnh ở đây là, những câu chuyện mà các sử gia viết trong các tác phẩm của mình đều được thu thập từ những tư liệu truyền miệng trong dân gian, có sự sai lệch tương đối lớn.
Ngày nay, hậu thế muốn biết chân tướng sự thật, hoàn toàn chỉ có thể dựa vào tư liệu khảo cổ.
Năm 2008, các chuyên gia của Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) đã tiến hành giải mã một loạt các thẻ tre từ thời Chiến Quốc. Trong đó, có một phần nội dung khiến các chuyên gia vô cùng ngạc nhiên.
Trong các thẻ tre này có ghi chép, Chu U Vương chủ động tấn công nước Thân (một nước chư hầu thời Tây Chu, ngày nay là phía bắc của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).
Điều này dẫn tới việc người Khuyển Nhung đến cứu viện nước Thân, hai quân liên hợp, đánh đổ Tây Chu. Từ đầu tới cuối, câu chuyện này hoàn toàn không hề xuất hiện việc "đốt lửa trêu chư hầu", ngay cả việc phóng hỏa cũng không có.
Trong lịch sử, việc nàng Bao Tự có can thiệp vào chuyện triều chính là hoàn toàn có khả năng, song việc nhà Tây Chu diệt vong và nàng có mối quan hệ như thế nào, trước mắt còn chờ các nghiên cứu và các chứng cứ thực tế.
Có một điều rõ ràng là, lịch sử Trung Quốc có vô số người đẹp là cội nguồn diệt vong của cả một triều đại. Bởi vậy, các tác giả dân gian hay sử gia thường cố gắng đưa các câu chuyện "hồng nhan họa thủy" vào trong tác phẩm, nhằm mục đích khuyên răn bậc quân vương tránh xa sắc dục.