Mã Pì Lèng được nhiều du khách, dân phượt gọi là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.
Đèo Mã Pì Lèng nằm trên Quốc lộ 4C ở vùng đất xã Pải Lủng và Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đây là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng nên được gọi là đèo Mã Pì Lèng. Con đèo là một phần của con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.
Người Mông địa phương gọi nơi đây là Mả Pì Lèng. Đèo được đặt tên theo bản địa Mả Pì Lèng, xã Pải Lủng khi mở đường hồi những năm 1960, trong đó giới chức quản lý cung đường đã sửa đổi "Mả" thành "Mã" để thuận nghe nói trong tiếng phổ thông.
Mã Pì Lèng hay Mã Pí Lèng, Mã Pỉ Lèng đều mang nghĩa "sống mũi con ngựa" theo tiếng của dân tộc Mông. Có ý kiến gán nghĩa bóng cho tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa.
Con đường dài khoảng 20 km chạy qua đèo Mã Pì Lèng được đặt tên là con đường Hạnh Phúc. Đường Hạnh Phúc được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959 - 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng cm để làm trong 11 tháng.
Năm 2009, khu vực Mã Pì Lèng được chính thức công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó, danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng bao gồm: Đèo Mã Pì Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan, khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam, Hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Ai đã qua Mã Pì Lèng một lần đều sẽ bị mê hoặc vì vẻ đẹp hùng vĩ và đầy huyền bí của con đèo nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Gió, nắng, mây mù, khung cảnh nơi đây hoang sơ như thuở khai thiên lập địa.