Nội dung số 12 quy định hỗ trợ lao động tự do. Theo đó: "Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. Tuy nhiên mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương".
Trước đó trong buổi họp báo ngày 1/7, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh chăm lo cho nhóm đối tượng lao động tự do vì đây là 1 trong những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu và trực tiếp, cũng là đối tượng khó triển khai nhất.
"Thực tiễn vừa qua khi triển khai gói Nghị quyết 42 gặp rất nhiều khó khăn, có những bác tổ trưởng tổ dân phố còn chia sẻ phải đi đến 8-9 lần mới gặp được người lao động, đến khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ được vì lao động tự do di chuyển thường xuyên, không ổn định nơi cư trú, rồi còn phải lấy xác nhận tại nơi ở, nơi cư trú", ông Dung nói.
Bộ LĐTBXH đã làm việc với TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương đông lực lượng lao động tự do để khảo sát và thấy địa phương có thể ủng hộ được. Chính phủ giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào điều kiện của mình, căn cứ vào khả năng ngân sách của mình chủ động xây dựng kinh phí, xây dựng mức tiền, xác định đối tượng.
Chẳng hạn, trong gói hỗ trợ của TPHCM vừa qua cũng xác định 1 số nhóm đối tượng lao động làm công việc xe ba gác, bốc vác, bán vé số dạo... hay ở Đà Nẵng cũng huy động hỗ trợ cho nhóm đối tượng hướng dẫn viên du lịch được vay tới 100 triệu đồng.
"Chính phủ đưa ra quy định hỗ trợ tối thiểu không dưới 1,5 triệu đồng/tháng và tối thiểu không dưới 50.000 đồng/ngày. Và những địa phương hỗ trợ trên mức đó Chính phủ càng hoan nghênh. Về ngân sách cho gói hỗ trợ đối tượng lao động tự do sẽ do các địa phương cân đối nguồn thu và dự phòng", ông Dung chia sẻ thêm.
Bàn luận về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) cho rằng, nhìn ở góc độ tích cực thì việc Chính phủ giao địa phương triển khai có thể sẽ phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Tuy nhiên theo tôi, Chính phủ cũng cần phải là người "tổng chỉ huy", quy định những sàn chung để địa phương căn cứ vào đó thực hiện, điều chỉnh.
"Khi giao địa phương thực hiện có thể phát sinh nhiều khó khăn. Ví dụ như vấn đề nhận thức; tài chính địa phương (không phải địa phương nào cũng chủ động được ngân sách); khả năng kiểm soát, giám sát; nắm bắt vấn đề về mặt chính sách, cơ chế hỗ trợ... hoặc như cơ chế phối hợp giữa các địa phương có chung lao động với nhau cũng rất hạn chế", bà Giang nói.
Bà Giang cho rằng cần làm nhanh, mạnh, nhưng cũng thận trọng. Nếu không cẩn thận thì vẫn gặp phải những khó khăn trong việc hỗ trợ nhóm lao động tự do như khi thực hiện gói 1. Đây là vấn đề lưu tâm.