Ayaidah, bộ tộc thuộc nhóm người Bedouin sống ở tỉnh Ismailia, đông bắc Ai Cập, vẫn còn lưu giữ tập tục kiểm tra nói dối cổ xưa nhất thế giới, theo Odd. Nghi lễ đó mang tên bisha'h, có nguồn gốc từ vùng Lưỡng Hà nhưng một số tài liệu chỉ ra rằng nó bắt nguồn từ Ai Cập. Hiện chỉ có những người Ayaidah còn thực hiện điều này.
Khi muốn xác định xem người nào đó có tội hay không, đại diện bộ tộc sẽ bắt nghi phạm thực hiện một bài kiểm tra. Người này sẽ phải liếm một cái muỗng hoặc que sắt nung đỏ trước sự chứng kiến của cả bộ tộc. Người dân tin rằng nếu ai nói dối, miệng sẽ khô và lưỡi bị đốt cháy. Nếu vô tội, họ sẽ không bị căng thẳng và nước bọt trên lưỡi sẽ được tiết ra bình thường, giúp họ thoát được cái nóng của lửa.
Những người phải đối mặt với nghi thức này thường mắc phải các tội lỗi như trộm cắp, phá hoại, ngoại tình hay giết người. Đôi khi, những người bị nghi là phù thủy cũng phải đối diện với thử thách trên. Bộ tộc thường dùng đến nghi thức trên khi họ thiếu bằng chứng, nhân chứng. Người đứng ra thực hiện bisha'h thường có quyền cao chức trọng, được mọi người kính nể.
Abu Ghoraba, chuyên gia về di sản các bộ tộc Ai Cập, cho biết khi buổi kiểm tra diễn ra, cả nguyên đơn và bị đơn đều có quyền dẫn theo hai người đến để chứng kiến. Họ sẽ giám sát để nghi thức này diễn ra đúng quy trình. Nếu người bị xét xử không xuất hiện, họ mặc nhiên bị coi là có tội. Và dù có tội thật sự hay không thì tình trạng của lưỡi sẽ quyết định án phạt. Phạm nhân sẽ không thể kháng cáo.
Theo Abu, nghi lễ này diễn ra khi cả hai bên tranh chấp kịch liệt và không thể giải quyết ổn thỏa trong hòa bình. "Trong trường hợp ngộ sát hay giết người, nếu gia đình của người quá cố chấp nhận bồi thường thì nghi lễ này sẽ không được thực hiện", chuyên gia này nói.
Yehia al-Ghoul, người chuyên xử các vụ án tranh chấp theo nghi lễ này ở thành phố Arish (thuộc bán đảo Sinai), bisha'h hiện được thực hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, nó được dùng với mục đích răn đe hơn là xác định đúng, sai.
Từ năm 1976, nghi thức này đã bị cấm ở Jordan. Tại Arab Saudi, bisha'h bị các học giả lên án mạnh mẽ. Tục lệ cũng được cho là hoàn toàn biến mất ở Arab Saudi kể từ năm 1980. Lý do là người cuối cùng biết tường tận về nghi lễ đã qua đời và không truyền lại cho ai. Tại Israel, hành động đó bị coi là bất hợp pháp.
Ngày nay, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cách phân biệt phải trái này. Họ khẳng định đây là biện pháp phản khoa học, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người phải thử, dù họ có tội hay không.