Dân Việt

Nam sinh xứ Huế giành giải Nhất cuộc thi hùng biện "Nhật Bản - Covid và tôi"

Hồng Minh 04/07/2021 06:21 GMT+7
Lê Viết Tấn Phát tham gia cuộc thi hùng biện "Nhật Bản - Covid và tôi" như một cách mở lòng. Anh giành ngôi vị cao nhất đầy xứng đáng vì sự chân thành trong phần hùng biện.

Lê Viết Tấn Phát đang là sinh viên năm 2 ngành Quan hệ Quốc tế, khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại Học Asia, Tokyo, Nhật Bản.

Tấn Phát là cựu học sinh lớp Chuyên Tiếng Nhật tại trường THPT Chuyên Quốc học Huế. Sớm nung nấu ước mơ du học tại đất nước Mặt trời mọc, nên nam sinh đã cố gắng đăng kí học bổng của Đại học Asia và thành công.

Tuy vậy, sau khi hoàn thành quãng thời gian học tiếng bắt buộc, sự xuất hiện của đại dịch toàn cầu Covid-19 khiến Tấn Phát phải học tập với hình thức online. Bởi vậy, anh chưa từng chính thức đến trường và làm quen bạn bè mới, học tập ở môi trường mới tại nước bạn. Đối với nam sinh gốc Huế, đó là một trải nghiệm lạ kì, mới mẻ nhưng cũng không kém phần áp lực.

Nam sinh xứ Huế giành giải Nhất cuộc thi hùng biện "Nhật Bản - Covid và tôi" - Ảnh 1.

Lê Viết Tấn Phát là cựu học sinh lớp Chuyên Tiếng Nhật tại trường THPT Chuyên Quốc học Huế. Nam sinh đang học năm 2 ngành Quan hệ Quốc tế, khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại Học Asia, Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Hội thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản cung cấp).

"Mặc dù chưa học tập trung nhưng anh đã đến Nhật để làm thêm và quen biết với văn hóa. Nam sinh nhận thấy, mọi thứ bao trùm xung quanh đa số là người Nhật và tiếng Nhật nên có một môi trường luyện tập vốn ngôn ngữ của bản thân một cách thiết thực nhất.

Tuy nhiên, mình cũng có một thời gian dài shock văn hóa đặc biệt là tự ti về bản thân, cảm thấy mình không đủ giỏi, cảm thấy bản thân mình yếu kém so với nhiều người cũng như thường xuyên cảm thấy áp lực khi không sử dụng tiếng Nhật trôi chảy.

Mình làm thêm tại một thương hiệu thời trang, ngành dịch vụ (đặc biệt là ở Nhật), mọi thứ rất nghiêm túc và chuyên nghiệp.

Thời gian đầu, mình thường cảm thấy tủi thân, chọn đi bộ thay vì đi tàu để không về nhà sớm, tránh cảm giác cô đơn. Nhưng khi vượt qua được cú shock văn hóa, mình trở nên có niềm tin vào bản thân hơn, có động lực cố gắng với tất cả mọi thứ cho đến hiện tại.

Mỗi ngày ở Nhật, mỗi trải nghiệm tại nước bạn đối với mình đều là chỗ để học, để phát triển bản thân, vượt ra khỏi vùng an toàn" - Tấn Phát chia sẻ.

Nam sinh xứ Huế giành giải Nhất cuộc thi hùng biện "Nhật Bản - Covid và tôi" - Ảnh 2.

Anh tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Nhật "Nhật Bản - Covid và tôi" để trải lòng và tâm sự, kết nối với nhiều bạn bè hơn. (Ảnh: Hội thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản cung cấp).

Khi được hỏi về quyết định tham gia cuộc thi hùng biện "Nhật bản - Covid-19 và tôi", Tấn Phát cho biết, dù anh rất tự ti về khả năng nói tiếng Nhật, nhưng du học vào thời buổi dịch bệnh, không được đến trường, không được tiếp xúc với nhiều bạn bè nên anh đã chọn cuộc thi này là nơi để mở lòng mình và "tâm sự cùng người lạ".

Cụ thể, cuộc thi gồm vòng sơ loại online và vòng chung kết với 8 thí sinh xuất sắc nhất. Ban tổ chức - Hội thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản đã đưa ra những chủ đề giúp thí sinh chia sẻ những trải nghiệm của mình về cuộc sống ở Nhật, nhất là trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chủ đề của Tấn Phát tại vòng chung kết là "Tóm lại thì Nhật Bản màu gì?", và nam sinh đã khẳng định "Nhật Bản không phải màu hồng đâu"!

Nam sinh xứ Huế giành giải Nhất cuộc thi hùng biện "Nhật Bản - Covid và tôi" - Ảnh 3.

Với đề tài "Nhật Bản màu gì"?, Tấn Phát đã chia sẻ câu chuyện có thật của chính mình và đưa ra quan điểm "Nhật Bản màu cầu vồng". Qua đó, anh giành giải Nhất chung cuộc đầy thuyết phục.

Sau 2 năm đi Nhật, cuối cùng mình có thể khẳng định màu của Nhật Bản là "cầu vồng", đủ mảng sáng tối. Mỗi người có những cách chọn lựa màu sắc riêng cho cuộc sống cá nhân. Mình chỉ muốn mọi người hãy cứ suy nghĩ tích cực, tin vào bản thân, đừng để tâm quá nhiều lời nói xung quanh và hãy cứ đi, cứ trải nghiệm để tự hiểu ra" - Tấn Phát kể lại.

Nam sinh cũng cho biết thêm, anh thấy rất ấn tượng với các đối thủ của mình, vì ai cũng có những quan điểm, câu chuyện riêng và khả năng thuyết trình tiếng Nhật trôi chảy.

Bởi vậy, anh thấy khá may mắn và có chút bất ngờ khi được giải Nhất giữa những người bạn tài năng như vậy. Cuộc thi cũng là cơ hội để Phát kết nối thêm nhiều bạn bè, học hỏi thêm và có thêm động lực, niềm tin vào bản thân.

Đối với nam sinh này, những trải nghiệm như vậy ở nơi đất khách là phần thưởng quý giá nhất, đặc biệt là trong hoàn cảnh "giãn cách xã hội" vì dịch bệnh như hiện nay.

Nam sinh xứ Huế giành giải Nhất cuộc thi hùng biện "Nhật Bản - Covid và tôi" - Ảnh 4.

Ảnh 4: Khi rảnh rỗi, nam sinh gốc Huế thường dành thời gian tìm hiểu nghệ thuật, nhiếp ảnh và thả hồn vào những trang blog để thỏa niềm đam mê viết lách.

"Sau 2 năm, cuối cùng mình cũng trả lời được câu hỏi đó nên muốn chia sẻ nó cho mọi người, đặc biệt là những người sắp qua Nhật.

Nhật Bản đầu tiên trong mình là màu trắng vì lúc mới sang đây, mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm và trống rỗng. Lúc đó, cuộc sống ở Nhật Bản như một tờ giấy trắng.

Rồi sau một năm ở Nhật, tờ giấy trắng đó bắt đầu nhuốm màu xám xịt của sự tự ti về bản thân và nỗi cô độc nơi đất khách. Mọi chuyện không suôn sẻ và nằm ngoài dự đoán cứ ập đến và mình cảm thấy khá áp lực. Nhưng rồi vào ngày sinh nhật của ba, ba đã điện cho mình và trách sao lâu rồi không điện về nhà.

VYSA Speech Contest là cuộc thi hùng biện tiếng Nhật do Hội thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Nhật tổ chức, mong muốn tạo ra một sân chơi để các bạn du học sinh Việt Nam có thể cất lên tiếng nói, suy ngẫm về trải nghiệm của bản thân tại Nhật Bản, từ đó góp phần trở thành cầu nối văn hóa, con người Nhật-Việt.

Đồng thời, đây cũng là một cơ hội cho các bạn thử thách khả năng Tiếng Nhật của mình, minh chứng cho tài năng và sự nỗ lực trong việc phát triển bản thân.

Giây phút nghe ba nói đã qua tuổi 60, mình nghẹn lòng, cảm thấy bản thân còn nhiều thời gian nhưng chắc gì ba đã nhiều thời gian như vậy. Liệu mình cứ mãi tự ti về bản thân và buông xuôi mọi thứ như vậy có xứng đáng với kì vọng của ba mẹ hay không.

Từ đó, mình quyết tâm cố gắng và thay đổi bản thân, từng chút một, cố suy nghĩ tích cực, đặt niềm tin vào bản thân và sẵn sàng đối mặt với mọi thứ.

Nhờ đó, mình bắt đầu nhận được nhiều lời khen từ mọi người xung quanh hơn. Và cuộc sống xám xịt đó cũng dần pha thêm những gam màu tươi sáng tích cực như màu xanh lá đầy niềm tin vào cuộc sống, màu vàng tượng trưng cho hy vọng vào một tương lai tươi sáng ở Nhật.

Nam sinh xứ Huế giành giải Nhất cuộc thi hùng biện "Nhật Bản - Covid và tôi" - Ảnh 6.

Ảnh 5: Tấn Phát cho biết điều tiếc nuối nhất khi du học là chưa thể chính thức đến giảng đường, cũng như trải nghiệm nhịp sống ở đất nước hoa anh đào một cách trọn vẹn do ảnh hưởng của dịch Covid19.

Chia sẻ về tình hình dịch bệnh tại Nhật, Tấn Phát cho biết, điều tiếc nuối nhất là chưa thể chính thức đến giảng đường, cũng như trải nghiệm nhịp sống ở đất nước hoa anh đào một cách trọn vẹn do dịch Covid-19 vẫn khá căng thẳng.

Trong những khung giờ rảnh rỗi, Tấn Phát tìm hiểu nghệ thuật, nhiếp ảnh và thả hồn vào những trang blog để thỏa niềm đam mê viết lách. Nam sinh không giấu niềm hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát và đẩy lùi, để có cơ hội được tìm hiểu, học tập và trải nghiệm hết mình trong thời gian sinh sống tại đất nước "màu cầu vồng" này.

Giải nhất: Số báo danh (SBD) 006 - Lê Viết Tấn Phát - Trường ĐH Asia, Tokyo. Chủ đề: Thông điệp gửi tới các bạn có nguyện vọng du học Nhật Bản. Bài thi: Tóm lại thì Nhật Bản màu gì?

Giải nhì: SBD 002 - Trịnh Thiên Ngân - Trường ĐH Osaka, Osaka. Chủ đề: Thông điệp gửi tới các bạn có nguyện vọng du học Nhật Bản. Bài thi: Nhật Bản có phải là một quốc gia khó sống đối với người Việt?

Giải ba: SBD 004 - Nguyễn Bá Thịnh - Trường ĐH Shinshu, tỉnh Nagano. Chủ đề: Thông điệp gửi tới các bạn có nguyện vọng du học Nhật Bản. Bài thi: Hành trình du học của tôi.