Tại thị xã Tân Uyên, Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam đã vận động gần 500 công nhân ở lại tại nhà máy được hơn 1 tuần nay. Mọi sinh hoạt đều được ban lãnh đạo công ty tạo điều kiện tối đa để công nhân có không gian sống giống như ở nhà của mình.
Còn tại Khu công nghiệp VSIP 2, ở phường Hoà Phú, TP.Thủ Dầu Một, Công ty TNHH Điện tử Foster đang khẩn trương hoàn thiện những hạng mục cuối cùng trong việc sửa sang lại các căn phòng để sắp xếp cho công nhân - lao động ăn ở tại công ty.
Công ty trang bị máy lạnh, mua tặng cho mỗi người lao động 1 bộ mùng, mền, chuẩn bị đầy đủ về vậy chất để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người lao động yên tâm ở lại công ty sau giờ làm việc. Các công nhân khi ở lại công ty sẽ được hỗ trợ chỗ ở có máy lạnh, cơm ăn 3 bữa miễn phí.
Nhiều doanh nghiệp, thậm chí còn đưa ra mức thưởng bằng tiền mặt hậu hĩnh, nếu như công nhân, người lao động đồng ý ở lại nhà máy, xí nghiệp sau giờ tan ca.
Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương - cho biết: Hiện một số nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô dưới 500 công nhân đã có phương án cho công nhân sinh hoạt và làm việc tại nhà máy. Doanh nghiệp tận dụng các khu nhà tập thể hiện có hoặc sử dụng nhà kho, dọn dẹp một phần nhà xưởng, mua thêm lều trại, tự cơi nới để tạo điều kiện cho công nhân nghỉ ngơi.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cách làm này của các doanh nghiệp sẽ giúp người lao động yên tâm hơn, doanh nghiệp giữ được nhịp sản xuất trước tình trạng các khu công nghiệp, nhà máy ở Bình Dương đan xen khu dân cư, nhà trọ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp thực hiện việc này, phải bảo đảm cơ sở vật chất, tiện nghi thiết yếu cho người lao động. Đồng thời, phải đăng ký với chính quyền địa phương về số người lưu trú, dự kiến thời gian lưu trú, bảo đảm về y tế, sức khỏe của người lao động.