Khu vực này bắt đầu bị phong tỏa từ 0h ngày 20/6. Từ đó đến nay, ngành y tế phát hiện 245 ca bệnh Covid-19 trong vùng phong tỏa, nâng tổng số ca bệnh của 3 khu phố này lên 390 bệnh nhân (chiếm 91% ca bệnh của phường An Lạc).
Quận cho biết diễn biến dịch bệnh tại khu vực này những ngày gần đây chưa có chiều hướng giảm, trung bình mỗi ngày tăng 17,5 ca, riêng 3 ngày gần đây nhất tăng 33,33 ca/ngày. Hai ngày đầu tháng 7, quận tiếp tục lấy mẫu lần 2 với 23.424 người và đang chờ kết quả.
Trước tình hình đó, quận quyết định tiếp tục duy trì vùng phong tỏa ở 3 khu phố này trong thời gian 7 ngày từ 0h ngày 4/7 để xét nghiệm tầm soát, truy tìm F0. Tùy vào diễn biến dịch, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của quận sẽ quyết định dỡ bỏ phong tỏa trước thời hạn với những khu vực cụ thể.
Trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa cách ly y tế, người dân ở khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc không tiếp xúc với người khác; không ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa, trừ trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hoặc những trường hợp đặc biệt khác.
Trong trường hợp các hộ dân và cá nhân không tuân thủ yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa cách ly y tế thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. Ban chỉ đạo giao UBND phường An Lạc có trách nhiệm chỉ đạo và phân công lực lượng phường, phối hợp Trung tâm Y tế quận, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện phong tỏa, cách ly y tế đối với Khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc và thực hiện các biện pháp giám sát, phòng chống dịch theo đúng quy định; Thực hiện tuyên truyền trong nhân dân để cùng hiểu và chia sẻ khó khăn chung trước tình hình dịch bệnh.
Làm việc với UBND quận Bình Tân, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu làm rõ những vấn đề kỹ thuật, như việc tổ chức xét nghiệm tầm soát diện rộng, những nội dung cần rút kinh nghiệm trong việc quản lý các khu cách ly tập trung...
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt nhìn nhận, ban đầu có gặp một số lúng túng do số lượng mẫu lấy lớn. Tương tự, việc truy vết cũng gặp khó khăn, nhất là đối với công nhân, tài xế. Những người này, do đặc thù công việc, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người nhưng khai "nhỏ giọt", nhớ đâu khai đó.
Ngoài ra, đặc thù của quận là đông dân cư, có nhiều khu nhà trọ điều kiện sinh sống chật hẹp, dẫn đến một ca lao động tự do mắc Covid-19 thì có thể lây lan bùng thành ổ dịch cho cả khu vực sinh sống, từ đó lan ra nơi làm việc.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm của quận trong thời gian tới như tầm soát có trọng tâm, trọng điểm, trong đó lưu ý các nhóm nguy cơ cao như lực lượng lao động phổ thông, công nhân… và liên tục "chà đi, xát lại" trong việc lấy mẫu để tìm F0 trên địa bàn.
Bí thư Quận ủy Bình Tân Lê Văn Thịnh thông tin thêm về số ca mắc mới ở các khu vực phong tỏa, như ở 3 khu phố của phường An Lạc, trong 13 ngày cách ly, số ca mắc mới ở đây tăng gấp 5 lần so với trước. Ông Thịnh thẳng thắn cho biết, phong tỏa ngăn chặn lây nhiễm ra cộng đồng, nhưng bên trong khu phong tỏa có sự lây nhiễm chéo.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lưu ý về các khu nhà trọ công nhân cư trú hay nơi làm việc của nhiều công ty, xí nghiệp là môi trường thuận lợi để virus lây lan. Trong khi đó, kế hoạch bảo vệ đảm bảo an toàn với dịch bệnh chưa hình dung được hết những phát sinh, dẫn đến bị "thủng lưới", điển hình là chuỗi lây nhiễm ở chung cư Ehome 3.
Bí thư Thành ủy TP.HCM gợi ý việc hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức hoạt động ở từng bộ phận, từng khâu theo từng tổ, nhóm tách biệt trong sinh hoạt và làm việc. Nếu nhóm này mắc, nhóm kia vẫn an toàn và hoạt động của doanh nghiệp không bị đình trệ, giảm thiểu thiệt hại khi có ca mắc Covid-19.