Trong đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 635 ca mắc Covid-19, 1 trường hợp tử vong là nữ, sinh năm 1957 (chưa được Bộ Y tế công bố). Người này điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương được 11 ngày, có bệnh nền như suy tim và rối loạn lo âu, thường xuyên sử dụng thuốc trầm cảm liều cao.
Dịch bệnh đã xuất hiện ở 40 công ty/xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.
Lũy kế tại Bình Dương đã có 681 ca mắc Covid-19, gồm: 32 công dân Việt Nam về từ nước ngoài do Quân khu 7 điều tiết, 7 chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, 641 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 1 ca nhập cảnh trái phép từ Campuchia. Số bệnh nhân đang điều trị là 632 trường hợp, 1 trường hợp tử vong.
Ngành Y tế nhận định, Bình Dương là địa phương có rất nhiều nhà trọ đan xen với nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp. Ca bệnh đã xâm nhập vào nhiều công ty, lây lan ra các khu nhà trọ công nhân và lây sang các công ty khác, do đó rất khó kiểm soát và có thể ca bệnh tăng cao trong thời gian tới nếu không ngăn chặn kịp thời.
Hiện, Bình Dương đang nỗ lực cắt đứt nguồn lây trong các khu, cụm công nghiệp. Địa phương đang gặp khó khăn vì thiếu y, bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19, cũng như nhân viên lấy mẫu xét nghiệm.
Số ca mắc hiện nay trên địa bàn tỉnh tăng rất nhanh, chuyển qua cấp độ 5 (trên 300 ca), do đó báo động dịch lên mức cao nhất để tập trung biện pháp và nguồn lực kịp thời chống dịch.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung nguồn lực để khống chế ổ dịch tại Chi nhánh Xí nghiệp xử lý chất thải Bình Dương (Biwase) và Công ty TNHH House Wares Việt Nam, tổ chức lấy mẫu sàng lọc 1 triệu dân tại các khu vực nguy cơ cao.
Thành lập 100 tổ kiểm tra giám sát, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khu cách ly tập trung, không để lây nhiễm chéo; nâng số giường cách ly lên 20.000 – 30.000 giường.
Bình Dương cần nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, khả năng đáp ứng 1.000 bệnh nhân. Tập trung nâng cao năng lực triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, trước mắt triển khai tiêm 20.000 liều vaccine đợt 4 và lập kế hoạch triển khai tiêm vaccine cho công nhân (khoảng 1 triệu liều).
Mới đây, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã đề nghị Đại học Y Hà Nội hỗ trợ địa phương chống dịch và đã được sự đồng ý. Trong những ngày tới, sẽ có khoảng 350 cán bộ, giáo viên, y bác sĩ của Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lên đường hỗ trợ Bình Dương chống dịch.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, khi đoàn đến địa phương sẽ bố trí chỗ ăn, ở và cùng phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bình Dương luôn trân trọng sự hỗ trợ của tất cả mọi cá nhân, tổ chức đối với công tác phòng chống dịch.