Theo đó, trong vòng 1 giờ sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định mắc Covid-19, hoạt động điều tra nhanh dịch tễ ca F0 phải được tiến hành kết hợp đánh giá thực địa để có cơ sở khoanh vùng phạm vi xử lý, thiết lập khu vực phong tỏa.
Đồng thời, thực hiện khẩn công tác xác định các đối tượng tiếp xúc và xét nghiệm để xem xét phạm vi phong tỏa.
Nếu xét nghiệm lần đầu tất cả đều cho kết quả âm tính và các F1 đều được đưa đi cách ly, thì xem xét thu hẹp phạm vi phong tỏa ngay. Nếu kết quả xét nghiệm lần đầu phát hiện thêm ca bệnh, cần điều tra lại tất cả các ca bệnh này để đánh giá nguy cơ.
Chính quyền địa phương chỉ định khu vực phong tỏa ít nhất 14 ngày hoặc kéo dài thời gian hơn tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
Việc tổ chức lấy mẫu cần được thực hiện theo nhóm đối tượng nguy cơ để tránh lây nhiễm chéo, từng hộ gia đình (bắt đầu từ hộ nguy cơ thấp nhất) lần lượt được mời ra điểm lấy mẫu.
Tại khu vực phong tỏa cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly y tế, hực hiện cách ly tại từng hộ gia đình trong cộng đồng với nguyên tắc nhà cách ly với nhà; đảm bảo từng nhà đóng cửa, không ai được ra khỏi nhà, trừ người có nhiệm vụ hoạt động trong khu vực phong tỏa do Ban chỉ đạo chống dịch phường xã phân công.
Trước nhà để bàn đựng vật phẩm tiếp tế; dưới bàn là chỗ để chất thải và quy định thời gian để chất thải và thu gom chất thải trong vùng.
Đồng thời, những nhà có F1 xa hoặc F2 được chỉ định cách ly tại nhà cần dán bảng thông báo trước cửa nhà để phân biệt với các nhà khác trong khu vực phong tỏa.
Các tổ Covid-19 cộng đồng trong khu vực phong tỏa sẽ được kích hoạt để làm cầu nối giữa người dân trong khu vực phong tỏa với bên ngoài, cũng như ghi nhận tình hình sức khỏe của người dân để báo cáo và kịp thời xử lý.
Tính đến trưa 5/7, TP.HCM đã có 6.724 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Toàn thành phố hiện có 738 điểm phong tỏa.