Sử cũ ghi lại, sau chiến thắng tại trận Xích Bích, Tôn Quyền vì muốn củng cố liên minh Tôn – Lưu nên đã chấp nhận gả em gái của mình cho Lưu Bị.
Điểm đáng nói nằm ở chỗ, Tôn phu nhân khi ấy tuổi đời còn rất trẻ, trong khi Lưu Bị đã bước vào độ tuổi trung niên. Vì vậy, mục đích chính trị của cuộc hôn nhân này là điều mà ai cũng có thể nhìn ra được.
Thế nhưng có một điểm còn kỳ lạ hơn nữa, đó là dù đã chung sống với Lưu Bị với danh nghĩa vợ chồng, nhưng Tôn phu nhân lại không hề có lấy một người con với vị quân chủ này.
Phải chăng phía sau điều kỳ lạ này còn ẩn chứa bí mật nào khác?
Vào cuối thời Đông Hán, thiên hạ rơi vào cảnh đại loạn, quần hùng nổi dậy khắp nơi, Lưu Bị cũng là một trong số đó.
Thế nhưng vận số của vị quân chủ này hết sức truân chuyên, từng phải lang bạt nhiều nơi, nương nhờ không ít thế lực, trải qua muôn vàn khó khăn mới có thể trở thành chư hầu một phương.
Năm 210, Lưu Bị thành thân với Tôn phu nhân, em gái ruột của Tôn Quyền. Năm ấy, ông đã 50, còn Tôn Quyền mới 28 tuổi.
Như vậy, tuổi tác của Tôn phu nhân hẳn còn nhỏ hơn so với Tôn Quyền. Hơn nữa cha của họ là Tôn Kiên đã qua đời từ năm 191, vì thế rất có khả năng vị phu nhân này năm đó không quá 20 tuổi.
Đó là chưa kể tới việc trước khi thành thân với em gái Tôn Quyền, Lưu Bị đã có ba vị phu nhân và mấy người con.
Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất đó chính là vị quân chủ họ Tôn hy vọng có thể thông qua cuộc hôn sự này để tiến thêm một bước củng cố liên minh Tôn – Lưu, do đó đã buộc phải hy sinh hạnh phúc em gái ruột của mình.
Xét trên một phương diện khác, Tôn phu nhân cũng rất có thể là người được phái tới nằm vùng trong tập đoàn chính trị của Lưu Bị, vừa giám sát, vừa thu thập tin tức nội bộ báo cáo về cho Đông Ngô.
Có lẽ cũng bởi cuộc hôn nhân chính trị này có quá nhiều mục đích, cho nên đời sống vợ chồng của Lưu Bị và Tôn phu nhân cũng không lấy làm gì hạnh phúc.
Sinh thời, vị phu nhân này được miêu tả là thông minh mẫn tiệp, tính cách cương trường, rất giỏi kiếm cung, rất giống với 2 người anh trai là Tôn Sách và Tôn Quyền.
Sử cũ cũng đánh giá bà là người hết sức ương ngạnh và có vẻ rất không thích Lưu Bị cùng Thục Hán.
Có lẽ cũng bởi vậy nên sau khi thành thân, Tôn phu nhân cư xử vô cùng phách lối, gây sự khắp nơi, tính cách và thái độ khác một trời một vực so với hai người vợ trước.
Bà dần dần cũng nắm quyền kiểm soát các việc trong nhà và điều khiển cả người con kế nghiệp là Lưu Thiện.
Lưu Bị không còn cách nào khác, đành phải cho Triệu Vân quản lý việc trong cung, vị phu nhân này sau đó mới khiêm nhường hơn một chút.
Không lâu sau, Lưu Bị xây dựng một thành trì riêng biệt, thu xếp cho Tôn phu nhân cùng toàn bộ tùy tùng vào đây ở. Việc làm này chẳng khác giam lỏng là bao.
Từ đó có thể thấy, cuộc sống hôn nhân của Lưu Bị và Tôn phu nhân vốn dĩ "cơm không lành, canh không ngọt". Có lẽ họ không có được với nhau một người con nào cũng phần nào bắt nguồn từ điều này.
Không khó để nhận thấy, mặc dù thành thân với em gái của Tôn Quyền khi đã bước vào độ tuổi trung tuần, nhưng sức khỏe của Lưu Bị vẫn được xem là bình thường.
Bằng chứng là ông đã từng có tới mấy người con cùng với các vị phu nhân trước đó. Vì thế, việc Lưu Bị và Tôn phu nhân không có con cái không phải bắt nguồn từ vấn đề sức khỏe của vị quân chủ này.
Chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi thì cho rằng, việc Tôn phu nhân không có con còn xuất phát từ thái độ đề phòng rất rõ ràng của chồng bà.
Lý do thứ nhất: Việc Tôn Quyền gả em gái cho Lưu Bị ẩn chứa rất nhiều mục đích
Như đã nói ở trên, Tôn Quyền một mặt thì dùng cuộc hôn nhân này làm công cụ để củng cố liên minh kháng Tào, thế nhưng mặt khác lại âm thầm xem em gái như một tình báo.
Theo "Tam Quốc chí", Gia Cát Lượng năm xưa đã nói một câu vạch trần chân tướng:
"Chúa công khi ở Công An, phía bắc úy kỵ Tào công cường mạnh, phía đông lo lắng Tôn Quyền bức bách, ở gần lại sợ Tôn phu nhân sinh biến ngay sát nách. Tình thế lúc ấy, thật là tiến thoái lưỡng nan…".
Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh câu nói này của Khổng Minh quả thực đã ứng nghiệm.
Ngay sau khi Lưu Bị nhập Xuyên, Tôn phu nhân liền lập tức trở về Đông Ngô, hơn nữa còn bắt theo con riêng của chồng là Lưu Thiện đi cùng, khiến cho Khổng Minh phải cử Triệu Vân đi đoạt lại.
Qulishi cũng cho rằng, việc Tôn phu nhân trở về Đông Ngô thực chất đã giảm bớt nỗi lo cho Thục Hán. Bởi thẳng thắn mà nói, Tôn Quyền sở dĩ gả em gái cho một người đứng tuổi như Lưu Bị, mục đích là tiện cho việc cướp lấy Kinh Châu sau này mà thôi.
Lý do thứ hai: Lưu Bị không muốn vị trí kế nghiệp của Lưu Thiện bị lung lay
Giả sử Tôn phu nhân có con với Lưu Bị, hơn nữa lại là con trai, vậy người con này nhất định sẽ nảy sinh uy hiếp đối với vị trí của Lưu Thiện.
Mặc dù Lưu Bị một mực muốn Lưu Thiện trở thành người kế nghiệp, thế nhưng bên phía Đông Ngô nhất định sẽ ủng hộ cho con trai của Tôn phu nhân.
Một khi nảy sinh tình thế như vậy, nội bộ Thục Hán sẽ xuất hiện mâu thuẫn và nhanh chóng chia bè kết phái, thậm chí có khả năng còn xảy ra cảnh ruột thịt tương tàn. Đây chính là điều mà Lưu Bị không muốn thấy hơn cả.
Từ những minh chứng trên đây, có thể thấy Tôn phu nhân không tình cảm với Lưu Bị, hơn nữa bản thân Lưu Bị cũng đề phòng người vợ này. Vì thế, cuộc hôn nhân của họ chẳng khác với câu "đồng sàng dị mộng" là bao.
Đây rất có thể là nguyên nhân khiến cho hai người không có với nhau bất kỳ một người con nào dù đã từng trải qua một khoảng thời gian chung sống bằng danh phận vợ chồng.