Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, ngày 7/7, Vietnam Airlines đã chính thức ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.
Việc các ngân hàng cho Vietnam Airlines vay gói tín dụng 4.000 tỷ đồng đã được tiến hành các thủ tục ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết về gói hỗ trợ vào cuối năm 2020.
Cụ thể, Vietnam Airlines đã làm việc với một số tổ chức tín dụng để tìm kiếm sự chấp thuận cho vay vốn mang tính nguyên tắc từ các ngân hàng trong bối cảnh tình hình tài chính của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
Giải pháp cho vay tái cấp vốn nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 để góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Hiện tại, Vietnam Airlines đang triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý 3/2021.
Bên cạnh gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, trong năm 2020 và 2021, Vietnam Airlines triển khai nhiều giải pháp tự thân nhằm cắt giảm chi phí như tái cơ cấu doanh nghiệp; thu hẹp sản xuất kinh doanh theo quy mô thị trường; tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng tàu bay; đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn Covid-19...
Trong báo cáo trước đó của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày rất chi tiết về "sức khoẻ" của hãng hàng không Vietnam Airlines duy giảm tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán. Tình hình phát triển của Vietnam Airlines đang ở mức cực kỳ báo động với rủi ro đứng bên bờ vực phá sản.
Để duy trì hoạt động hãng hàng không Vietnam Airlines đã phải cắt giảm các chi phí, cắt giảm nhân sự, và cầu "cứu" tới cơ quan quản lý nhà nước giảm các loại thuế phí cho ngành hàng không.
Cùng với đó, Vietnam Airlines đã phải tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế; tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất; điều chỉnh thu nhập; cắt toàn bộ các khoản chi chưa thực sự cấp bách; giãn/hoãn các khoản chi có thể; đàm phán để giảm đơn giá, giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết…
Những điều chỉnh này đã làm cho hàng nghìn người lao động mất việc. Tính đến ngày 31/12/2020, Vietnam Airlines có 19.690 cán bộ nhân viên, giảm 1.476 người so với ngày đầu năm. Chi phí cho nhân công trong kỳ cũng sụt giảm khoảng 50% so với năm 2019, còn xấp xỉ 4.800 tỷ đồng. Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ hơn 11.000 tỷ đồng.