Dân Việt

Khắc phục việc giao, cho thuê đất tràn lan, lãng phí

An Nguyên 08/07/2021 06:00 GMT+7
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mới được đầu tư phát triển dọc tuyến đường Hồ Chí Minh chưa phát huy tác dụng thu hút phát triển công nghiệp, đô thị cho các tỉnh trung du, miền núi để giảm áp lực cho khu vực đồng bằng.

Theo đánh giá của PGS - TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên- môi trường, thời gian qua, thể chế hóa nội dung Nghị quyết 19-NQ/TW, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được kiện toàn, đổi mới, bước đầu khắc phục được các hạn chế, tồn tại trong công tác giao đất, cho thuê đất, tránh tràn lan, lãng phí.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng còn bị phá vỡ

Theo PGS - TS Nguyễn Đình Thọ, việc triển khai Nghị quyết 19-NQ/TW vẫn còn một số tồn tại như: Quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa xem xét đồng bộ; việc bố trí đất đai cho các khu công nghiệp nhiều nơi còn chưa hợp lý; việc phát triển nhanh các khu công nghiệp ở một số địa phương trong thời gian qua đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân khu công nghiệp; quy hoạch một số khu công nghiệp sử dụng nhiều đất canh tác tại khu vực đồng bằng, nhưng đến nay vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư.

Khắc phục việc giao, cho thuê đất tràn lan, lãng phí  - Ảnh 1.

Việc quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa xem xét đồng bộ.

Theo đánh giá của nhiều địa phương, thời gian qua, công tác lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, huyện còn chậm; công tác dự báo nhu cầu còn chưa sát thực tế, các giải pháp thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ, quyết liệt dẫn tới một số chỉ tiêu sử dụng đất còn thấp.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mới được đầu tư phát triển dọc tuyến đường Hồ Chí Minh chưa phát huy tác dụng thu hút phát triển công nghiệp, đô thị cho các tỉnh trung du, miền núi để giảm áp lực cho khu vực đồng bằng. Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh.

Lý giải nguyên nhân này, nhiều địa phương cho rằng, đất đai và các vấn đề sử dụng đất nhạy cảm phức tạp ở địa phương luôn biến động và thay đổi theo từng ngày, trong khi cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai cũng luôn có sự điều chỉnh bổ sung.

Năng lực dự báo của một số cán bộ làm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số địa phương còn hạn chế; chưa sát với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng thực hiện; việc đăng ký nhu cầu sử dụng đất của huyện, thành phố còn thụ động.

Một số dự án sau khi được chấp thuận chưa tập trung tìm giải pháp quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ thực hiện còn chậm làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Tăng cường quyền giám sát

Để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch; quy hoạch đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất đai được triển khai thực hiện tại 3 cấp hành chính là quốc gia, tỉnh, huyện và theo nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất của cấp trên định hướng cho quy hoạch sử dụng đất cấp dưới. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện là cơ sở duy nhất để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Quy định cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ; Quốc hội quyết định các chỉ tiêu sử dụng các loại đất này trong quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và phân bổ đến từng địa phương.

Tùy theo quy mô sử dụng đất mà UBND cấp tỉnh phải trình Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ hoặc trình HĐND cấp tỉnh thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất. Đặc biệt, Quốc hội, HĐND các cấp, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhân dân có quyền giám sát việc quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Thể chế hóa Nghị quyết 19, Luật Đất đai 2013 đã quy định về căn cứ, điều kiện, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Việc tổ chức thực hiện các quy định này đã từng bước sàng lọc được các nhà đầu tư kém năng lực, khắc phục tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng, góp phần quan trọng tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Trong nông nghiệp, đã quy định tăng thời hạn sử dụng đất lên 50 năm cho các loại đất nông nghiệp; cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ đất đai với diện tích không quá 10 lần hạn mức giao đất; bước đầu khuyến khích tích tụ đất đai thông qua cơ chế góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, nhận quyền thuê đất, "dồn điền, đổi thửa", chuyển đổi đất cho nhau, khuyến khích hợp tác, liên kết tập trung ruộng đất sản xuất hàng hóa lớn...