Dân Việt

Cà Mau: Nỗ lực hỗ trợ lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tình hình dịch bệnh

Chúc Ly 09/07/2021 10:42 GMT+7
Để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực. Đặc biệt, công tác hỗ trợ cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đang được thực hiện tích cực và hiệu quả.

Trợ cấp thất nghiệp chia sẻ khó khăn cho lao động

Cà Mau được biết đến là tỉnh ven biển ở cực Nam của Việt Nam. Trung bình mỗi năm, Cà Mau tạo việc làm cho khoảng 39.000 lao động, đào tạo nghề cho trên 35.000 người. Thời gian gần đây, tình hình dịch Covid-19 tác động mạnh đến công tác giải quyết việc làm ở Cà Mau.

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 3.600 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định hưởng trợ cấp cho hơn 3.300 trường hợp.

Đối với hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhìn chung tiến độ tăng. Năm 2020 tăng khoảng 30% so với các năm trước. Tuy nhiên, số hồ sơ hiện tại so với cùng kỳ năm 2020 thì không tăng, dự kiến trong cả năm sẽ tiếp nhận tương đương năm 2020, khoảng 9.000 hồ sơ.

Cà Mau nỗ lực hỗ trợ lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tình hình dịch bệnh. (Clip: Chúc Ly)

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Phúc (ngụ phường 7, TP.Cà Mau) cho biết: "Trước đây tôi làm việc cho một công ty tư vấn báo cáo được 1 năm. Do có việc gia đình nên tôi xin nghỉ việc. Trước khi nghỉ việc, với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng, tôi có thể lo được cho gia đình. Tuy nhiên, sau khi nghỉ việc, thu nhập bị mất làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của gia đình, nên tôi đi đăng ký BHTN".

Cà Mau nỗ lực hỗ trợ lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tình hình dịch bệnh - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Minh Phúc (ngụ phường 7, TP.Cà Mau) đến làm thủ tục hưởng BHTN ngày 30/6. Ảnh: Chúc Ly.

"Tình hình chung là dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nhiều gia đình, nhất là trong thời điểm lao động nghỉ việc không có lương như tôi. Việc có được trợ cấp thất nghiệp hỗ trợ một phần, giúp tôi có thể vượt qua thời điểm dịch bệnh khó khăn", anh Phúc cho hay.

Còn chị Nguyễn Hồng Thơm (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước), chia sẻ: "Trước đó, tôi làm công nhân cho công ty thủy sản trên địa bàn Cà Mau. Tôi vừa nghỉ việc hơn 1 tháng, nay tôi đi đăng ký hưởng BHTN. Sau khi nghỉ việc, tôi ra ngoài bán đồ ăn sáng ở nhà. Tuy nhiên, ngay thời điểm dịch bệnh nên việc buôn bán bên cũng rất khó khăn, bữa được bữa không".

"Nhà tôi có 2 người đi làm, ngoài tôi thì có con gái đi làm phục vụ cho quán cà phê. Thời điểm dịch này, con gái tôi cũng bị giảm giờ làm, nên thu nhập rất thấp. Tôi nghĩ rằng, nếu có được trợ cấp thất nghiệp thì cuộc sống của gia đình sẽ bớt khó khăn", chị Thơm cho hay.

Tăng cường giới thiệu việc làm bằng hình thức trực tuyến

Tình trạng mất việc, thiếu việc làm hiện đang là áp lực cho nhiều người lao động. Vì thế, BHTN là chính góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động.

Để triển khai tốt chính sách BHTN, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn liên quan của Sở LĐTBXH, BHXH tỉnh để xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và chi trả trợ cấp thất nghiệp đảm bảo đúng, kịp thời cho người lao động.

Khác với một số tỉnh, Cà Mau thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Cà Mau nỗ lực hỗ trợ lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tình hình dịch bệnh - Ảnh 3.

Mỗi ngày, quầy hỗ trợ thủ tục BHTN của Trung tâm DVVL tỉnh Cà Mau tiếp nhận khoảng 200 người. Ảnh: Chúc Ly.

Chị Phạm Tố Huyên, chuyên viên Trung tâm DVVL tỉnh Cà Mau, cho biết: "Trung tâm DVVL được bố trí quầy số 21 tại Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tính, với 4 viên chức trực phụ trách giải quyết thủ tục về BHTN. Các lao động khi đến giải quyết các thủ tục tại đây đều được xử lý nhanh chóng, tận tình".

Trao đổi với chúng tôi, bà Quách Thanh Thoảng – Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Cà Mau, thông tin: "Công tác tiếp nhận hồ sơ, thời điểm dịch bệnh căng thẳng thì cũng ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, bằng nhiều phương pháp, Trung tâm DVVL và Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính có biện pháp vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa thực hiện chống dịch. Hai đơn vị phối hợp để cho người lao động bốc số hẹn giờ. Chúng tôi cố gắng đáp ứng tiến độ nộp hồ sơ của người lao động, đảm bảo 100% thủ tục liên quan đến BHTN không trễ hẹn theo quy định".

Theo bà Thoảng, để tạo điều kiện cho người lao động tìm được việc làm phù hợp trong điều kiện dịch bệnh, trung tâm lập ra nhiều trang thông tin để họ dễ dàng tiếp cận thông tin việc làm. Trên các thông tin việc làm trung tâm thu thập những tư liệu về các đơn vị sử dụng lao động, khi người lao động vào truy cập và có nhu cầu thì sẽ liên hệ để Trung tâm DVVL kết nối.

"Hiện tại doanh nghiệp tuyển dụng lao động cũng qua hình thức trực tuyến. Trung tâm đang phát triển các trang thông tin trên mạng xã hội, đây là những kênh mà người lao động dễ dàng kết nối tìm việc, nhất là trong tình hình dịch bệnh", bà Thoảng cho hay.