Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương, trong đợt dịch thứ 4, tính đến 17h ngày 8/7, trên địa bàn tỉnh đã có 1.053 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Theo nhận định của nhà chức trách Bình Dương, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang có nhiều diễn biến phức tạp và có nguy cơ cao lây lan, bùng phát trên diện rộng. Đặc biệt là đối với những đô thị công nghiệp - dịch vụ ở phía Nam của tỉnh như TP.Thuận An, TP.Dĩ An.
Là cửa ngõ phía Nam của tỉnh, giáp ranh với TP.HCM và Đồng Nai, TP.Dĩ An và TP.Thuận An luôn tiềm ẩn nguy cơ khó kiểm soát dịch bệnh, do lượng người dân di chuyển qua lại rất lớn, khiến nhiều khu vực ghi nhận thêm những ca mắc Covid-19 có yếu tố dịch tễ phức tạp.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc khoanh vùng truy vết để dập dịch trở nên khó khăn, khiến dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng dân cư và trong nhà máy, xí nghiệp.
Để công tác phòng, chống và dập dịch phát huy hiệu quả; toàn bộ TP. Dĩ An, TP.Thuận An, TX. Tân Uyên và 4 phường của TP. Thủ Dầu Một đã áp dụng việc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy lùi dịch bệnh.
Thực hiện việc điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng với hàng triệu người dân trên địa bàn và đưa đi cách ly tập trung hàng nghìn công nhân là F1 tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Là các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp phát triển với tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, dịch bệnh cũng đang có xu hướng xâm nhập vào các nhà máy, xí nghiệp. Những ngày qua, TP.Thuận An và TP.Dĩ An đã buộc phải cách ly y tế, phong tỏa tạm thời đối với nhiều công ty, nhà máy sau khi ghi nhận các ca dương tính Covid-19.
Để có thêm công cụ giúp người dân nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã đưa vào hoạt động "Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 tỉnh Bình Dương", tại địa chỉ: bandocovid.binhduong.gov.vn.
Bản đồ cung cấp thông tin về ca dương tính, các F1, cơ sở y tế, điểm dịch tễ, điểm phong tỏa, trạm cấp cứu, vùng cách ly. Đồng thời, người dân cũng có thể tra cứu các thông tin về chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, điểm bán khẩu trang, siêu thị, trạm xăng...
Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 không chỉ giúp người dân theo dõi trực quan thông tin dịch tễ các ca bệnh tại địa phương thông qua mạng Internet, mà còn giúp chính quyền có thêm giải pháp công nghệ số để phục vụ quản lý, điều hành trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Bình Dương đã tiến hành triển khai chỉ thị của Bộ Y tế về việc tiếp nhận người từ TP.HCM về địa phương này, sẽ tiến hành cách ly y tế tại nhà 7 ngày đối với những người từ TP.HCM về địa phương (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành khác đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ).
Đồng thời, ngừng hoạt động kinh doanh vé số trên địa bàn tỉnh trong vòng 15 ngày kể từ ngày 9/7 cho đến hết ngày 23/7.
Dịch bệnh xảy ra khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị đình trệ. Đời sống sinh hoạt của đại bộ phận người dân cũng bị ảnh hưởng không ít. Việc dập dịch nếu chỉ dựa vào sự nỗ lực của lực lượng phòng, chống dịch thôi sẽ là không đủ, mà cần có sự đoàn kết chung tay, góp sức của nhiều lực lượng để bảo đảm nguồn tài lực, vật lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh.