Nhưng ít ai biết rằng để có được thành công đó đoàn làm phim đã phải trải qua rất nhiều khó khăn thử thách. Trong quá trình thực hiện Tây du ký, điều làm cho Dương Khiết cảm thấy khó khăn nhất là khâu kỹ xảo. Thời đó phương thức chế tác phim còn thô sơ, lạc hậu. Các diễn viên phải tự mình quay những cảnh có tính nguy hiểm cao đặc biệt là Lục Tiểu Linh Đồng. Dương Khiết lúc ấy không làm được gì nhiều, bà chỉ có thể động viên các thành viên trong đoàn làm phim.
Một trong những cảnh quay để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả, đó là phân cảnh Tôn Ngộ Không bị thiêu trong lò Bát Quái của Thái Thượng Lão Quân là do Ngộ Không gây náo loạn Thiên Cung.
Sau khi được Bồ Đề sư tổ truyền dạy cho 72 phép biến hóa thần thông, Tôn Ngộ Không được mời lên Thiên Đình làm quan. Tuy nhiên, Ngộ Không nhận được không ít những ánh mắt ghen ghét của các vị thần trên Thiên Đình nên chỉ được làm những chức quan rất nhỏ như trông ngựa hay trông coi vườn đào.
Khi Vương Mẫu nương nương mở hội vườn đào, Tôn Ngộ Không không được mời đến dự nên đã quậy phá, ăn hết linh đan của Thái Thượng Lão Quân. Ngọc Hoàng nổi giận phái 10 vạn thiên binh, thiên tướng bày thiên la địa võng thu phục Ngộ Không nhưng không thành. Chỉ đến khi Thái Thượng Lão Quân tung ra vòng kim cô mới khống chế được y.
Tôn Ngộ Không bị Ngọc Hoàng trừng phạt nhưng không hề hấn gì vì đã ăn rất nhiều linh đơn của Thái Thượng Lão Quân và đào tiên của Vương Mẫu nương nương. Sau đó Thái Thượng Lão Quân đã xin Ngọc Hoàng giao Ngộ Không cho ông để nhốt vào lò Bát Quái.
Lò Bát Quái này gồm tám cung của các quẻ: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, chứa đủ mọi loại dị tượng gồm Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ – Lôi – Vũ – Phong. Hỏa ở đây chính là Tam Muội Chân Hỏa.
Thời gian thấm thoắt, chẳng mấy chốc đã được 49 ngày, đủ số ngày luyện. Thái Thượng Lão Quân mở lò, Tôn Ngộ Không khi ấy hai tay đang che mắt, nước mắt giàn giụa, bỗng nghe thấy trên miệng lò có tiếng động, bèn căng mắt nhìn, thấy có ánh sáng, tức thì co người nhảy vút ra ngoài, hét vang một tiếng, đạp đổ lò Bát Quát, rồi chạy vụt đi.
Cảnh quay Tôn Ngộ Không bị thiêu trong lò Bát quái của Thái Thượng Lão Quân. Được thực hiện tại "thiên cung" là studio được dựng trong khu thể thao của trường Dục Anh, Bắc Kinh. Cảnh quay này được đoàn lợi dụng lúc trời tối để tiến hành vì khi đó là thời tiết giữa mùa hè, vừa oi bức lại vô cùng nóng nực.
Đội thiết kế mỹ thuật đã tạo ra một đạo cụ lò bát quái có hình bán cầu, đứng trên bốn chân gần giống một lư hương khổng lồ.
Để chống cháy, một lớp sắt tây được phủ ở bề mặt bên trong của lò. Khi tiến hành quay, để tạo không khí lửa cháy rực rực từ bốn phía, giữa quay phim với diễn viên, các khung lửa được xếp thành nhiều tầng. Thêm vào đó, chuyên gia khói lửa còn bôi một lớp dầy là dầu khô lên bề mặt bên trong lò luyện đan để tạo lửa cháy rừng rực. Ngoài ra, quạt gió được sử dụng để quạt cho lửa cháy thêm mạnh, tạo hiệu ứng lửa thiêu đốt thêm sống động, chân thực.
Lục Tiểu Linh Đồng (người đóng vai Tôn Ngộ Không) đứng ở khu vực diễn ngăn cách với lửa và lăn lộn diễn xuất, tạo cảm giác như đang bị thiêu đốt thật. Với cảnh quay này, đạo diễn Dương Khiết đặc biệt hài lòng và mãn nguyện. Dù thời gian khởi quay cho cảnh này diễn ra vào ban tối, thường được coi là thời điểm mát mẻ và dễ chịu nhất trong ngày nhưng diễn viên như Lục Tiểu Linh Đồng trong vai Mỹ Hầu Vương bị thiêu đốt, tứ phía đều là lửa đốt, lại phải mặc lớp giáp sắt khá dày và nặng nề. Chỉ cần nhìn cũng đủ cảm thấy sự vất vả hy sinh của diễn viên như Lục Tiểu Linh Đồng cho cảnh quay này.
Đợi sau khi cảnh quay hoàn thành, nhân viên hóa trang khi tẩy trang cho Lục Tiểu Linh Đồng mới phát hiện ra rằng, toàn bộ lông trên mặt "anh khỉ" đã bị thiêu cháy rụi vì sức nóng xung quanh, thậm chí cả lông mi cũng bị hơi nóng làm cho xoăn tít. Trong đoàn ai nấy đều cảm thông và khâm phục tình yêu nghề và khả năng chịu đựng của Lục Tiểu Linh Đồng.
Tây du ký 1986 là bộ phim thành công nhất trong tất cả các phiên bản chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Ngô Thừa Ân. Không chỉ ghi tên mình vào danh sách các tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hoa ngữ, sự thành công của bộ phim này đã giúp Dương Khiết trở thành nữ đạo diễn tài danh, huyền thoại, bộ phim còn tạo ra loạt các nhân vật kinh điển, từ dàn diễn viên chính như Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng, Đường Tăng của Từ Thiếu Hoa và Trì Trọng Thuỵ, Trư Bát Giới của Mã Đức Hoa… đến diễn viên phụ thời lượng xuất hiện ít ỏi như Tây Lương nữ vương của Chu Lâm hay Phật tổ Như Lai của Chu Long Quảng...