Sáng 9/7, anh Hoàng Minh Công (tạm trú ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) rất bất ngờ khi được Công an phường Mễ Trì mời đến nhận lại chiếc ví bị đánh rơi từ 6 tháng trước, với đầy đủ tài sản, giấy tờ.
Điều đặc biệt đằng sau câu chuyện bình thường này là những tiện ích mà hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia mang lại đầy hiệu quả.
Theo đó, cuối tháng 1 năm 2021, Công an phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận được 1 chiếc ví bị đánh rơi do người dân nhặt được mang đến.
Ngoài tiền mặt, giấy tờ trong ví ghi địa chỉ của người đánh rơi ghi quê quán ở Nam Sách, Hải Dương, nơi thường trú ở Lục Ngạn, Bắc Giang.
Ngay lập tức, Công an phường Mễ Trì đã liên hệ đến công an cơ sở ở 2 địa bàn nói trên để tìm người nhưng không có kết quả bởi câu trả lời đều giống nhau là "người này không ở địa phương".
"Ngay từ khi nhận được chiếc ví, Công an phường đã phân công Trung úy Hoàng Phúc Vĩnh liên hệ với Công an thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang để tìm người. Tuy nhiên thông tin nhận được là anh Công không ở địa phương.
Chúng tôi cũng liên hệ với Công an huyện Nam Sách (Hải Dương) quê quán của anh Công thì cũng nhận được câu trả lời tương tự. Công an phường cũng thông qua các nhóm zalo với cơ sở để gửi ảnh để xem nhân dân có ai quen biết anh Công không nhưng cũng không có câu trả lời", Trung tá Nguyễn Quang Chung - Trưởng Công an phường Mễ Trì nhớ lại.
Cũng kể từ thời điểm đó, chiếc ví được niêm phong, bảo quản cẩn thận tại Công an phường Mễ Trì.
Song, "điểm đột phá" đã đến khi hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia được liên thông vào ngày 1/7 vừa qua. Trung uý Hoàng Phúc Vĩnh đã vào hệ thống, tra cứu các trường thông tin với những tham chiếu cụ thể…
"Kết quả hiện ra thật bất ngờ khi anh Công đang tạm trú ở Tây Mỗ, ngay quận Nam Từ Liêm. Công sức gần 6 tháng của chúng tôi được "trả công" thật xứng đáng với tiện ích của hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia.
Tôi đã liên hệ và mời anh Công đến phường để nhận lại tài sản", trung úy Vĩnh nói và chia sẻ, đây là việc làm bình thường nhưng có sự quyết tâm và trách nhiệm của người chiến sỹ Công an Thủ đô, luôn hết mình phục vụ nhân dân nên bản thân cảm thấy rất vui.
Sáng 9/7, khi nhận lại tài sản, anh Hoàng Minh Công không khỏi ngỡ ngàng. Anh chia sẻ: "Ngày 29/1, tôi có rơi ví trên đoạn đường Đỗ Đức Dục. Trong ví chỉ có hơn 2 triệu đồng nhưng nhiều giấy tờ tùy thân, đăng ký phương tiện... Tôi cũng tìm kiếm nhiều lần nhưng không có kết quả".
"Bản thân tôi và gia đình cũng xác định không thể tìm thấy do gia đình hộ khẩu một nơi nhưng làm ăn sinh sống ở Hà Nội. Ở Hà Nội, tôi cũng chuyển nhà nhiều lần. Việc làm lại các giấy tờ cũng đang vướng mắc do ở địa phương đang có dịch Covid-19, khó đi lại. Sáng nay, khi nhận lại tài sản, tôi thật sự rất bất ngờ và xúc động trước nỗ lực của các đồng chí công an. Xin chân thành cảm ơn các anh", anh Công chia sẻ thêm.
Trung tá Nguyễn Quang Chung - Trưởng Công an phường Mễ Trì khẳng định: "Việc tìm thấy và trả lại tài sản cho anh Công chính là từ 1 trong nhiều tiện ích của hệ thống dự liệu quốc gia về dân cư. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP.Hà Nội, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để mang lại nhiều thuận tiện hơn nữa cho người dân qua hệ thống này".
Được biết, hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an tạo lập với thông tin công dân đầy đủ, chính xác. Mỗi công dân được cấp số định danh duy nhất và với CCCD có bổ sung dữ liệu sinh trắc.
Từ ngày 1/7, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD sẽ chính thức được vận hành, giúp thúc đẩy chính phủ điện tử, chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, Bộ Công an đã thành lập Ban chỉ đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Trong đó xác định việc thực hiện 2 dự án là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, là chiến dịch của toàn lực lượng trong năm 2020 và năm 2021; đồng thời đã xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể kèm theo các mốc thời gian tính theo từng ngày.
Chỉ trong thời gian hơn 1 năm với tinh thần khẩn trương, cấp bách, trải qua 3 giai đoạn với từng bước đi cụ thể, Bộ Công an đã xây dựng thành công 2 dự án vào trước ngày 1/7/2021. Dù là 2 dự án độc lập, Bộ Công an đã chỉ đạo lồng ghép tối đa 2 dự án để bảo đảm đồng bộ tránh lãng phí, qua đó giảm được mức dự toán so với ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng.
Đến nay, đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống hơn 98 triệu nhân khẩu, qua đó đã đồng loạt tiến hành cấp mã số định danh cho công dân trên toàn quốc vào ngày 18/6/2021, đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia…