Sáng 10/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương năm 2021 đã chủ trì phiên họp của Hội đồng.
Các trường hợp, điều kiện để được đặc xá
Xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc ta và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định về đặc xá năm 2021 nhân dịp kỷ niệm 76 năm Quốc khánh 2/9, đồng thời Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2021.
Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã công bố quyết định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 30/6/2021 về việc thành lập Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương năm 2021 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng làm Ủy viên Thường trực, cùng Thứ trưởng và lãnh đạo một số bộ, ngành làm Ủy viên Hội đồng.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công an trình bày kế hoạch và hướng dẫn về công tác đặc xá năm 2021. Thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 31/8/2021. Đối tượng đặc xá bao gồm người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Về điều kiện được đề nghị đặc xá, người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện như: đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí; đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội tham nhũng; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự…
Quyết định cũng quy định các trường hợp không được đề nghị đặc xá như: bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; phạm tội giết người có tổ chức; giết người có tính chất côn đồ; cố ý gây thương tích có tổ chức hoặc có tính chất côn đồ hoặc phạm tội nhiều lần đối với một người hoặc một lần với nhiều người hoặc dùng axit, hóa chất nguy hiểm…
Tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội tương đối thấp
Theo báo cáo, từ năm 2009 đến 2016, thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện 7 đợt đặc xá (riêng năm 2009 có 2 đợt) nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, đặc xá cho 87.111 người.
Số lượng người được đặc xá lớn nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn được đảm bảo, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây nên. Phần lớn người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống và làm ăn lương thiện, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội tương đối thấp (trong 10 năm thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, có 1.024 người trong tổng số 87.111 người được đặc xá tái phạm tội, chiếm 1,18%).
Công tác đặc xá những năm qua đã góp phần thực hiện tốt Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm bảo đảm các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại, được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao.
Trong 10 năm thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, công tác đặc xá đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, nhất là những bất cập giữa một số quy định của Luật Đặc xá năm 2007 với các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau này.
Từ thực tế đó, ngày 19/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đặc xá năm 2018 thay thế Luật Đặc xá năm 2007, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019 đến nay.
Triển khai đặc xá minh bạch, chặt chẽ và đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh để đảm bảo yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, quyết định về đặc xá năm 2021 được ban hành vừa đảm bảo quy định của Luật Đặc xá năm 2018 nhưng vẫn phải chặt chẽ như đặc xá các lần trước đây.
Đợt đặc xá lần này được thực hiện trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, do đó Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu phải phân công cụ thể trách nhiệm để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo an toàn, khách quan, nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra sai sót.
Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Công an (cơ quan thường trực của Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương) thực hiện nghiêm quy định của Luật Đặc xá, quyết định của Chủ tịch nước, các hướng dẫn và chỉ đạo của Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương, đảm bảo công khai, minh bạch, kiên quyết không để người không đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, cũng như không để sót những người có đủ điều kiện mà không được xét đặc xá. Do đó, phải xem xét chặt chẽ từng trường hợp đề nghị đặc xá với quy trình chặt chẽ của Tổ công tác liên ngành.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Công an khẩn trương hoàn thành, sớm ban hành kế hoạch công tác của Hội đồng Tư vấn đặc xá và chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện đặc xá; đôn đốc hướng dẫn các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc xét các trường hợp đặc xá thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng. Tòa án Nhân dân Tối cao có trách nhiệm hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp và Toà án quân sự các cấp thực hiện đặc xá cho người đủ điều kiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin để mọi người dân, phạm nhân hiểu rõ điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá; bảo vệ quyền, lợi ích của người được đặc xá; đối chiếu giám sát hoạt động của cơ quan chức năng trong thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá.
“Bộ Công an chỉ đạo các tổ liên ngành, các trại giam thực hiện hiệu quả phòng chống COVID-19 trong các cơ sở giam giữ, đảm bảo an toàn tuyệt đối các cơ sở giam giữ," Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành thực hiện nghiêm Quyết định của Chủ tịch nước; tổ chức tuyên truyền sâu rộng về đặc xá để các phạm nhân và mọi người dân biết, thực hiện, giám sát. Chính quyền các địa phương cần tiếp tục theo dõi, quản lý, giáo dục, dạy nghề cho người được đặc xá trở về để hạn chế tái phạm.
Những người được đặc xá có hoàn cảnh khó khăn, đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể cho vay vốn, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh phối hợp tốt với các ban, ngành, địa phương quản lý tốt những người được đặc xá trở về, tạo điều kiện, giúp đỡ ổn định cuộc sống, nhất là trong thời điểm khó khăn do dịch COVID-19 hiện nay.
Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình được giao cần nghiêm túc triển khai có hiệu quả công tác đặc xá năm 2021 theo Quyết định của Chủ tịch nước và các quyết định của Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương./.