Dân Việt

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Đắk Lắk

Hồ Trang 12/07/2021 09:52 GMT+7
Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã trở thành khái niệm quen thuộc, là một chính sách đột phá tại Việt Nam nhằm giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, tạo ra nguồn tài chính ổn định để bảo vệ và phát triển rừng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk là một trong những đơn vị thực hiện có hiệu quả chính sách này.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức cho các chủ rừng cũng như người dân nhận khoán bảo vệ rừng, những năm qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) tỉnh Đắk Lắk đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật có liên quan đến các đơn vị chủ rừng và người dân.

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Đắk Lắk - Ảnh 1.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Lắk trao quà cho các em học sinh trong một chương trình truyền thông về chính sách chi trả DVMTR. Ảnh: P.V

Năm 2020, Quỹ tập trung tuyên truyền các văn bản mới liên quan đến triển khai Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và các Thông tư có liên quan cho các chủ rừng, UBND cấp xã thông qua các đợt chi trả tiền mặt và các cuộc họp tại các thôn, buôn,…

Đồng thời đã phát 1.900 mũ lưỡi trai, 9.300 vở học sinh, 200 bìa kẹp hồ sơ và 120 cặp học sinh cho các chủ rừng, hộ gia đình có nhận khoán bảo vệ rừng, các đơn vị có liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR)… Đây là các sản phẩm truyền thông phục vụ cho Chương trình trồng cây phân tán, Chương trình đồng hành cùng học sinh tới trường năm 2020 của Quỹ và ủng hộ cho các em học sinh tại miền Trung trong đợt bão lũ.

Đặc biệt, năm 2020 Quỹ BVPTR tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện Chương trình "Chính sách chi trả DVMTR đồng hành cùng học sinh đến trường" tại 7 huyện (Krông Năng, Lắk, CưM'gar, Ea Kar, M'Đrắk, Ea H'leo, Krông Bông) với nhiều hoạt động có ý nghĩa như trao tặng vở học sinh, mũ, cặp học sinh, các sản phẩm tuyên truyền và trồng cây xanh trong khuôn viên nhà trường,… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các em học sinh trong việc bảo vệ rừng và phát triển rừng.

Ngoài ra đơn vị còn đăng tải 115 tin bài có nội dung liên quan đến hoạt động chuyên môn và phong trào của đơn vị, gắn với triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR lên Trang thông tin điện tử của Quỹ tỉnh (daklakff.vn) với chất lượng tốt, nội dung thiết thực, rõ ràng, chính xác với hơn 148.000 lượt xem…

Cải thiện sinh kế cho người dân

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Đắk Lắk - Ảnh 2.

Hoạt động truyền thông về chính sách chi trả DVMTR thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Ảnh: P.V

Theo Quỹ BVPTR tỉnh Đắk Lắk, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã có những tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trong lưu vực. Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép đối với các khu rừng cung ứng DVMTR có chiều hướng giảm.

Bên cạnh đó, nguồn tiền DVMTR đã góp phần không nhỏ trong việc giảm gánh nặng của ngân sách nhà nước trong đầu tư bảo vệ và phát triển rừng; giúp các Công ty TNHH MTV, 2TV Lâm nghiệp có kinh phí trả lương cho CBCNVlàm công tác QLBVR và ổn định hoạt động khi nhà nước dừng khai gỗ rừng tự nhiên.

Cũng thông qua chính sách chi trả DVMTR, không những từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng mà còn huy động được một nguồn nhân lực rấtlớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, giảm áp lực phá rừng, lấn chiếm đất rừng.Trong năm 2020, có107.327,85 ha/217.460,57 harừng cung ứng DVMTR được giao khoán cho 4.582 hộ gia đình và 54 cộng đồng, nhóm hộ (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng). Đây là lực lượng đáng kể góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị chủ rừng.

Về phía người dân, việc nhận khoán quản lý bảo vệ rừngcũng đem lại một nguồn thu nhập từ nguồn chi trả DVMTR, góp phần cải thiện sinh kế. Không chỉ nhận thức được vai trò quan trọng của rừng đối với môi trường và cuộc sống, mà còn có thêm thu nhập từ nguồn DVMTR nên người dân làm nghề rừng, sống gần rừng ngày càng tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng.