Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo 12 tỉnh trên cho biết: Trong thời gian qua, các ca mắc trong khu vực ĐBSCL tăng nhanh, tất cả các tỉnh trong khu vực đều đã ghi nhận bệnh nhân Covid-19. Dịch bệnh đã xuất hiện tại một số bệnh viện, chợ đầu mối, doanh nghiệp…
Một số địa phương có diễn biến dịch phức tạp, đang là “điểm nóng” với hàng trăm ca mắc đã được ghi nhận, buộc phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg với nhiều huyện, thị, thành phố.
Hiện các tỉnh, thành phố đang tập trung kiểm soát chặt đường biên giới và người về từ các địa phương có dịch; giữ sạch những khu vực đang còn an toàn; đẩy mạnh tiến độ truy vết, xét nghiệm, bao vây, khống chế các ổ dịch; chuẩn bị các điều kiện vật chất, nhân lực bảo đảm phục vụ công tác truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19; triển khai các giải pháp ngăn chặn dịch lây vào doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Đồng thời, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ cao (chợ truyền thống, bãi tập kết nông sản,…) để tầm soát, ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các khuyến cáo để phòng, chống dịch bệnh…
Hiện đa số các tỉnh đang gặp khó khăn trong quản lý người về từ các địa phương có dịch (TPHCM, Bình Dương); kiểm soát các tuyến quốc lộ, bảo đảm vận chuyển hàng hoá, nông sản liên tỉnh. Năng lực truy vết, xét nghiệm nhiều địa phương hạn chế; máy xét nghiệm, sinh phẩm, trang thiết bị y tế còn thiếu, cơ bản mới ở mức tối thiểu nhưng khó khăn trong việc mua sắm.
Các cơ sở phục vụ cách ly tập trung F1, điều trị F0, nhất là các bệnh nhân nặng tại một số địa phương dự báo sẽ gặp khó khăn nếu các ca mắc tăng nhanh trong thời gian tới…
Các địa phương đề xuất Trung ương hỗ trợ nhân lực điều trị bệnh nhân nặng; nâng cao khả năng truy vết; máy xét nghiệm, sinh phẩm, tăng cường phân bổ vaccine; gỡ vướng thủ tục mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch; triển khai giải pháp thống nhất, đồng bộ về vận chuyển hàng hoá giữa các tỉnh trong toàn khu vực ĐBSCL.
Riêng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đề nghị sớm có hướng dẫn thực hiện cách ly F1 tại nhà;…
Về công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay, đã có 58/63 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh. Trong thời gian tới, các tỉnh trong khu vực sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca bệnh mới, nhưng cơ bản tình hình vẫn trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, công tác chuẩn bị các điều kiện chống dịch theo tinh thần “4 tại chỗ” của các tỉnh, thành phố ĐBSCL chưa triệt để, “đang chạy theo dịch”.
Dịch bệnh xuất hiện mới bắt đầu quan tâm đến giải pháp về trang thiết bị y tế, nhân lực… Công tác phòng, chống dịch chủ yếu giao cho y tế, công an, quân đội, chưa huy động được cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể vào cuộc…
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị mỗi tỉnh ủy phải ban hành nghị quyết về tăng cường công tác phòng, chống dịch, trong đó phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Về nâng cao năng lực xét nghiệm, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các tỉnh kết hợp hài hòa xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể, xét nghiệm nhanh chỉ dùng để điều tra dịch tễ đánh giá tình hình dịch bệnh ngoài cộng đồng hoặc trong tình huống xuất hiện quá nhiều ca nhiễm cần bóc nhanh các F0 ra khỏi cộng đồng.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các tỉnh, thành cần căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để triển khai lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, ưu tiên sử dụng xét nghiệm RT-PCR kết hợp với xét nghiệm nhanh theo mức độ nguy cơ dịch bệnh ở từng khu vực, bảo đảm chính xác, hiệu quả cũng như nâng cao trình độ đội ngũ làm xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn, mẫu gộp.
“Tuyệt đối tránh tình trạng lấy mẫu về mà không xét nghiệm hết để trả kết quả trong vòng 24 giờ. Các kết quả xét nghiệm phải có đầy đủ thông tin, kể cả nồng độ virus để phục vụ công tác truy vết, điều tra dịch tễ”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian qua, các tỉnh, thành phố ĐBSCL đã quản lý tốt đường biên giới, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập. Tuy nhiên, với việc xuất hiện nhiều ca nhiễm, chuỗi lây nhiễm phức tạp trong cộng đồng do người đi về từ vùng dịch, các tỉnh cần phải nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là.
Các tỉnh cần phát huy vai trò của cơ sở, tăng cường kêu gọi, kiểm soát chặt người về từ vùng dịch. Tất cả người về từ vùng dịch đều phải khai báo y tế, điều tra dịch tễ, xét nghiệm, cách ly phù hợp.
Nhấn mạnh diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL tập trung cao độ trong điều hành trực chiến. Từng tỉnh phải rà soát, nắm lại tình hình, số lượng máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, cơ sở cách ly tập trung, cơ sở điều trị, đội ngũ lấy mẫu, xét nghiệm.
Phó Thủ tướng lưu ý trong thực hiện khoanh vùng, phong tỏa để dập dịch, dù khoanh rộng hay khoanh hẹp thì cũng phải bảo đảm làm thật nghiêm, thật chặt, không được để “ngoài chặt trong lỏng”, dẫn đến lây nhiễm chéo, mất kiểm soát.
Những khu vực còn an toàn phải giữ cho bằng được. Nếu có ca nhiễm phải khoanh ngay lập tức, gọn nhất có thể, trong trường hợp chưa đủ thông tin thì khoanh rộng, khẩn trương truy vết, điều tra dịch tễ để thu gọn lại nhưng “đã khoanh là phải rất chặt, rất nghiêm”, tuyệt đối không được lơi lỏng.
Nhấn mạnh một lần nữa phải giữ an toàn bằng được các bệnh viện, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng tần suất xét nghiệm sàng lọc tại bệnh viện; kích hoạt ngay hệ thống theo dõi, giám sát, nắm bắt thông tin người có triệu chứng, đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm; tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm PCR mẫu gộp…
Về cách ly F1 tại nhà, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “đã làm phải an toàn”, Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT làm các sản phẩm giám sát mang tính công nghệ nhưng công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ, căn bản vẫn là phát huy vai trò giám sát của các tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng y tế, công an địa phương.
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế tổng hợp toàn bộ nhu cầu của các địa phương vùng ĐBSCL về sinh phẩm, máy móc, thiết bị, vật tư y tế, trang thiết bị bảo hộ… để có phương án hỗ trợ tối đa. Các tỉnh đang sử dụng sinh phẩm xét nghiệm của nước ngoài phải chủ động có phương án dự phòng, nếu không đủ thì phải sử dụng sản phẩm trong nước.