Dân Việt

Chu Nguyên Chương đã tạo cơ hội cho con trai Chu Đệ giết cháu cướp ngôi?

PV 14/07/2021 18:32 GMT+7
Nhân vật này chính là người đã giúp sức rất nhiều cho Chu Đệ hất cẳng cháu trai Chu Doãn Văn để tranh ngôi.

Công nguyên năm 1399, chiến dịch Tĩnh Nan nổ ra. Đây là một cuộc nội chiến trong những năm đầu của triều Minh, giữa Chu Doãn Văn (Minh Huệ Đế) và chú của ông - Yên vương Chu Đệ.

Cuộc chiến kéo dài trong 3 năm. Chiến dịch kết thúc sau khi các lực lượng của Yên vương chiếm được kinh đô Nam Kinh. Sự sụp đổ của Nam Kinh kéo theo sự biến mất của Huệ Đế, và Chu Đệ giành được ngai vàng đăng quang thành Vĩnh Lạc Hoàng Đế.

Để có được thắng lợi huy hoàng như vậy, không chỉ dựa vào việc đối phương tấn công, chống trả mờ nhạt mà còn phải dựa vào Yên Vương Chu Đệ đã nhiều lần lập được kỳ tích.

Trong số đó, phải kể đến chiến tích chỉ với 800 người đã chiếm được Bắc Bình (Bắc Kinh ngày nay), chiến thắng huy hoàng ở Trịnh trấn và đỉnh cao nhất chính là trận chiến Linh Bích.

Song, những trận đánh huy hoàng, truyền kỳ này thực chất đều là sự so tài về binh pháp, về bày binh bố trận.

Ở Đại Ninh, Yên Vương Chu Đệ đã có một cuộc gặp gỡ bất ngờ, chính tại đây, Yên Vương chiêu mộ được một người giúp mình có được đội quân 10 vạn quân. Hơn thế nữa, người này cũng chính là "con cá lọt lưới" khi Chu Nguyên Chương đồ sát các công thần khai quốc nhà Minh, quả thực là sự kỳ diệu và trùng hợp của lịch sử.

Nhân vật này là ai?

Năm Hồng Vũ thứ 5, vương triều Đại Minh về cơ bản đã thái bình, cả nước đón chờ một thời đại trị vì mới. Nhưng, theo cùng sự phát triển của đất nước, Chu Nguyên Chương đã nhanh chóng nhận ra được rằng, kẻ địch từ bên ngoài tuy đã bị tiêu diệt nhưng kẻ thù bên trong lại vẫn đang đe dọa đến chính quyền của ông.

Giết sạch công thần nhưng để sót 1 người này, Chu Nguyên Chương tạo cơ hội cho con trai Chu Đệ giết cháu cướp ngôi - Ảnh 1.

Thù trong này không ai khác mà chính là những chiến hữu đã sát cánh bên Chu Nguyên Chương, cùng ông đoạt thiên hạ, bởi vì những người này cậy vào việc bản thân có chiến công, có quan hệ nên đã lộng quyền, làm xằng bậy khắp nơi, phá vỡ luật pháp, thậm chí còn dám câu kết đảng phái, mưu đoạt lợi ích riêng.

Chính vì thế, bắt đầu từ năm Hồng Vũ thứ 13, Chu Nguyên Chương đã lên kế hoạch để tiêu diệt công thần khai quốc. Cũng chính vào năm ấy, vụ án Hồ Duy Dũng chấn động thiên hạ xảy ra, kéo theo hơn 15.000 quan viên có liên quan, phần lớn trong số đó đều bị xử tội chết.

Đến năm Hồng Vũ thứ 23, Chu Nguyên Chương ra tay với Thái sư Lý Thiện Trường, những người từng một thời là trụ cột quốc gia lần lượt bị ép chết.

Song sự việc vẫn chưa kết thúc tại đó, đến năm Hồng Vũ thứ 26 (1393), Cẩm Y Vệ báo cáo phát hiện Lam Ngọc tạo phản, cho nên vụ án Lam Ngọc đáng sợ lại tiếp diễn. Chu Nguyên Chương lên kế hoạch tiêu diệt Thống binh Đại tướng. Theo sách sử ghi chép, chỉ trong vòng 3 ngày ngắn ngủi, số người liên quan đến vụ án đã lên tới 25.000 người. Những người liên quan trong đó phần lớn là quan viên cao cấp cùng quý tộc, tất cả họ đều bị xử lưu đày hoặc chém đầu.

Theo ghi chép, 3 năm sau khi xảy ra vụ án Lam Ngọc, sau khi Tống Quốc công Phùng Thắng bị xử tử, các thế lực quân sự của Đại Minh đều bị chặt đứt, đến khi nhìn lại, võ tướng đều đã là những gương mặt mới, còn các vị danh tướng hầu như đã chẳng còn lại một ai.

Tuy nhiên, chính trong trận thảm sát tàn khốc chưa từng có trong lịch sử ấy, vẫn còn một người sống sót, người đó chính là Trần Hưởng.

Có lẽ ít người từng nghe đến tên nhân vật này, nhưng trong những ghi chép lịch sử, Trần Hưởng là nhân vật rất tài giỏi.

Theo ghi chép, Trần Hưởng đã theo phò tá Thái Tổ từ thời gian ở Hào Châu, năm ấy cũng đã là chức Thiên hộ Đại nhân. Về sau, ông cùng Chu Nguyên Chương – bấy giờ vẫn là một Đại Tướng quân nam chinh bắc chiến, có thể nói là trải qua hầu hết các trận chiến cùng hoàng đế sáng lập Minh triều.

Giết sạch công thần nhưng để sót 1 người này, Chu Nguyên Chương tạo cơ hội cho con trai Chu Đệ giết cháu cướp ngôi - Ảnh 2.

Mặc dù ghi chép chi tiết về các trận chiến có liên quan đến Trần Hưởng không nhiều nhưng ông được miêu tả là người giỏi dùng binh, từng lập công trong thời gian trấn thủ Đông Xương, chém đầu vô số quân địch, lập được không ít chiến công.

Sau năm Hồng Vũ khai quốc, Trần Hưởng nhận lệnh làm Chỉ huy sứ thành Bắc Bình, trở thành tướng lĩnh quan trọng của vùng phía Bắc. Cũng chính nhờ có chức quan này, nên Trần Hưởng đã trở thành nhân vật quan trọng trong chiến dịch Tĩnh Nan về sau.

Dĩ nhiên, có người sẽ đặt câu hỏi, tại sao khi Thái Tổ giết hại công thần, Trần Hưởng lại có thể an toàn thoát thân?

Đáp án rất đơn giản, bởi vì người mà Chu Nguyên Chương muốn giết chính là những người có quyền lực lớn, có khả năng uy hiếp mình và khi đó, Trần Hưởng chưa đủ điều kiện để được xếp vào hàng ngũ này.

Hơn thế, bấy giờ Trần Hưởng vẫn còn đang giao chiến với nhà Nguyên ở phương Bắc, chính vì thế nên thoát được một kiếp nạn.

Song tuy đã thoát khỏi lưỡi đao của Minh Thái Tổ, cũng từng lập lời thề sẽ phò tá Kiến Văn Đế, thậm chí còn từng tham gia vào trận chiến tiêu diệt Chu Đệ, nhưng tiếc thay về sau, Trần Hưởng không những không trở thành người bảo vệ cho Kiến Văn Đế mà ngược lại còn là nhân vật quan trong góp sức cho Chu Đệ diệt vua.

Cụ thể sự việc

Theo ghi chép, bấy giờ Yên Vương Chu Đệ đã bắt đầu khởi binh, song tổng số binh lực mà Yên Vương có lại chẳng đến 10 vạn người. Hơn thế, ngay khi vừa bắt đầu, Yên Vương đã phải đối mặt với đại quân hơn 5 vạn người do Tông Trung chỉ huy.

Nhưng Minh Thành Tổ Chu Đệ là người rất thông minh, ông đã lôi kéo vợ con, gia đình của những binh sĩ địa phương, khiến lòng quân đối phương đại loạn, nhờ đó nhanh chóng thu phục được đại quân, đồng thời chém đầu viên Chỉ huy sứ.

Giết sạch công thần nhưng để sót 1 người này, Chu Nguyên Chương tạo cơ hội cho con trai Chu Đệ giết cháu cướp ngôi - Ảnh 3.

Ảnh minh họa chiến dịch Tĩnh Nan.

Ngay tiếp sau đó, Chu Đệ phải đối mặt với 30 vạn đại quân của Cảnh Bỉnh Văn. Nhờ là người giỏi binh pháp lại vô cùng dũng mãnh, binh sĩ của ông lại thường xuyên chiến đấu ở phương Bắc, có thể lấy 1 địch 10 nên cuối cùng Yên Vương Chu Đệ đánh bại đại quân 30 vạn, chém đầu tướng lĩnh.

Bị ép đến đường cùng, triều đình buộc phải huy động đại quân 50 vạn quân do Lý Cảnh Long chỉ huy.

Thực tế, Lý Cảnh Long tuy nhậm chức Thống soái nhưng trên thực tế chỉ là một "bao cỏ". Dẫu vậy thì đây cũng là quân đội chính quy hơn 50 vạn người của triều đình, cho nên Yên Vương Chu Đệ cũng cảm thấy nhiều áp lực.

Theo ghi chép trong sách sử, mặc dù Chu Đệ dùng binh dũng mãnh nhưng ông cũng vẫn gặp phải sự áp chế mạnh mẽ từ đội quân đối phương, đặc biệt là danh tướng Nam quân Bốc Vạn. Nhân vật này chiến đấu vô cùng dũng mãnh, tạo nhiều khó khăn cho Chu Đệ, thậm chí còn khiến quân đội của ông chịu thiệt nhiều lần.

Hơn thế nữa, lúc bấy giờ, quân đội của Chu Đệ số lượng cũng có hạn, lương thực cũng rất thiếu thốn, đối chọi với đội quân 50 vạn người có lẽ kết cục cuối cùng sẽ là thất bại. Cho nên, Chu Đệ đã nhắm đến Trần Hưởng.

Theo ghi chép trong sách sử, lúc bấy giờ, Trần Hưởng đang trấn thủ ở Đại Ninh, Chu Đệ cố ý lừa gạt, khiến Trần Hưởng nghi ngờ Bốc Vạn, hai người cũng bởi vì thường xuyên có mâu thuẫn cho nên cuối cùng tranh đấu với nhau, Bốc Vạn sau đó bị Trần Hưởng tống giam vào nhà lao.

Kết quả, Chu Đệ nhân lúc hai người nội chiến, thừa cơ tập kích Đại Ninh, khiến cho quân thủ thành Đại Ninh tiến lui không được, trở thành đạo quân bị cô lập.

Vì thế mới nói, năm ấy Trần Hưởng mang lòng tốt làm chuyện xấu, bất ngờ khiến cho tình hình cứ quân phương Bắc hoàn toàn rối loạn.

Giết sạch công thần nhưng để sót 1 người này, Chu Nguyên Chương tạo cơ hội cho con trai Chu Đệ giết cháu cướp ngôi - Ảnh 4.

Tranh vẽ minh họa.

Đúng thời điểm ấy, Trần Hưởng vừa nhớ lại "lưỡi đao hụt" của Chu Nguyên Chương năm xưa, lại nhớ đến vẻ ôn hòa nhưng đi kèm những thủ đoạn máu lạnh vô tình của Kiến Văn Đế, cho nên cuối cùng ông quyết định chọn đầu hàng Chu Đệ.

Cần biết rằng quyết định đầu hàng của Trần Hưởng cũng không hề đơn giản, bởi vì khi ấy, ông mang theo đội quân 10 vạn người. Hay nói thẳng ra là, chính nhờ có đội quân 10 vạn người này của Trần Hưởng trở thành quân chủ lực, Chu Đệ mới có đủ sức để chống lại đội quân 50 vạn người của triều đình.

Đến đây, hẳn nhiều người sẽ nghĩ, năm xưa Chu Nguyên Chương tha cho Trần Hưởng, thật không ngờ "con cá" lọt lưới ấy góp sức hất chân người kế vị mình, quả là một kết quả không ai có thể ngờ đến.

Có lẽ dưới suối vàng, nếu như Chu Nguyên Chương biết được, chắc cũng sẽ vô cùng hối hận về việc đã để sót nhân vật này.

Trần Hưởng về sau trở thành tướng quân tiên phong của Chu Đệ, khi ra trận rất anh dũng, thiện chiến. Trong trận chiến với 50 vạn đại quân của triều đình, Trần Hưởng nhiều lần lấy ít thắng nhiều, đánh cho đội quân phương Nam tháo chạy tan tác.

Và cuối cùng, trong trận đánh sông Bạch Câu, vì liều chết chiến đấu tới giây phút cuối cùng, Trần Hưởng đã chết trên chiến trường với vô số vết thương trên người.

Nhìn lại cuộc đời của nhân vật này, kết hợp với những dấu vết lịch sử giai đoạn ấy, chúng ta quả thực phải hoài nghi rằng liệu đây phải chăng là sự sắp xếp của số mệnh, hoặc phải nói là quá mức trùng hợp.

Người tính không bằng trời tính, mọi thủ đoạn tàn ác của Chu Nguyên Chương cuối cùng cũng đã không thể bảo vệ được người kế vị mình, chuyện này quả khiến cho người ta phải cảm khái không thôi.