Dân Việt

Truyện dự thi: Tắm Tết

Nhà văn Nguyễn Hiệp 14/07/2021 07:00 GMT+7
"Đàn bà mà chạy honda từ Sài Gòn xuống tận Đồng Tháp là không vừa đâu". Đó là lời của ai đó nói oang oang trong rạp đám cưới.

- "Chẳng còn chút nữ tính nào! Đàn bà con gái xóm Bần này chỉ có mày…". Ông anh ruột cả năm mới gặp lại bỏ lửng câu nói rồi quay ngoắt đi mang theo luôn cả tiếng thở dài thườn thượt.

Truyện dự thi: Tắm Tết - Ảnh 1.

Người dân đi bắt cá linh. (Ảnh minh họa)

Dứa mở khẩu trang ngoắt lên cái kính chiếu hậu, đưa hai bàn tay vuốt vuốt tóc rồi bước vào đám cưới. Là đám cưới của cháu, con ông anh thứ ba (người miền Nam gọi con đầu là thứ hai nên thứ ba lại là con thứ hai). Thật ra, hôm nay chỉ nhóm họ thôi, trưa mai mới rước dâu. Trong rạp cưới đủ mặt bà con dòng họ, mặt nào cũng căng thẳng vì có chuyện cự cãi chuyện tiền nong gì đó giữa chàng rể và cha vợ. "Nó say mà, tha cho nó đi!"; "Say, người ta nói thật, cũng nên nghĩ lại cặn kẽ mọi chuyện!"; "Chưa cưới đã vậy, sau này sống sao trời?"… 

Trăm người mười ý, nghe mà lùng bùng cái đầu, giờ còn thêm con em gái đi honda từ Sài Gòn xuống, đâu ai biểu nó bán mạng đi đám cưới cháu kiểu đó, lỡ có bề gì ông cũng mang tiếng đời. Bực cái mình nhưng ông phải xua nhanh tất cả ra khỏi đầu vì người bên nhà trai sắp cử người đến xin lỗi chuyện chàng rể cự cãi. Phải thôi, không xin lỗi thì muối mặt sao mà để nó rước dâu, con gái ông đâu phải loại hư thối bỏ đi. Mà trong chuyện đó, thật ra ông cũng đòi hỏi quá sức của thằng rể, ông không có ý vậy, chỉ là để cho được việc, nếu có tiền ông cũng tự lo, đằng này… Đúng là nghèo thì hèn, hèn với cả con cái mình! Ông cũng đã tự trách rồi nên chuyện đại diện nhà trai sang xin lỗi đã vớt vát danh dự.

Ông đứng ở cổng hoa đợi, mắt ngóng ra đường, tâm trí dồn hết cho cuộc gặp. "Anh Ba, ông đại diện vô trong rồi à?"; "Ủa ủa, vô hồi nào?"... Ông quay lại thì thấy một lão đen đúa, da dày màu sắc phong trần, tóc muối tiêu, người lùn đẹt không qua mét rưỡi, chân chữ bát. Hồi nãy ông có bắt tay ở cổng nhưng không để ý, tưởng người làm thuê quanh đây quen đứa nào trong nhà đến ăn cưới.

- "Kính thưa anh! Con dại cái mang, tôi là cậu của thằng rể, nghe tin nó láu với anh nên thay mặt gia đình, tôi sang xin lỗi anh!"

Gã đen đúa ấy rót hai ly rượu rồi cất giọng vang lộng làm cả rạp cưới đang ồn ào chợt lặng im phăng phắc. Ông đưa mắt lướt hết những khuôn mặt bà con dòng tộc mà thấy nhẹ trong lòng, bao nhiêu thắc mắc, căng thẳng tiêu tán hết. Gã đen nói ai cũng nghe mà, công nhận cái giọng nói không cần mic-cờ-rô thiệt hiệu quả. 

Ông nhận ly rượu dốc cạn, "bỏ đi, con với cái..." ông lầm bầm rồi bắt tay ông đại diện thay cho tất cả, giờ, ông nói gì nữa cũng bằng thừa. Chuyện to tát vậy mà lão đen chỉ cần một câu đã xua hết bóng tối ra chừng ấy cái đầu trong rạp cưới này. 

"Ừ thì thôi, xin lỗi là được rồi, đánh kẻ chạy đi ai nỡ đánh người quay lại", trong rạp lại vang lên tiếng nói bình phẩm của ai đó. "Cũng phải đạo! Huề cả làng rồi, uống rượu thôi!". Từ dãy bàn trong của mấy ông bà nội ngoại vai lớn có một giọng rề rề nói vậy thay cho lệnh cuối cùng. Cả rạp cưới lại xôn xao, bước chân nhanh hơn, lăng xăng hơn, tiếng nói to hơn, vui vẻ hơn. "Rót rượu đi Hai!", "Rượu bàn này Tư ơi!"… Trời đất, gã đen đại diện nhà trai uống đến ly rượu thứ ba mới thấy một đoàn năm sáu người nhà trai bước vào rạp. "Sợ anh Ba không cho… chúng tôi cũng không dám vô… đứng ngoài bờ rào nãy giờ chờ cậu nó ra hiệu…". Má chàng rể lắp ba lắp bấp thanh minh mãi mà chưa dám ngồi. Dứa mời đến lần thứ ba bà mới dám đặt người xuống ghế. Thằng rể đi vào mà cứ lúng ta lúng túng nhìn mãi dưới đất như đang tìm gì đó.

Trời ạ, một đám cưới cuối năm vui hết biết! Rượu, thôi rồi là rượu! Cười, thôi rồi là cười! Vọng cổ, thôi rồi là vọng cổ, bốn câu có, sáu câu có, câu nào cũng ngọt lịm, ai xuống xề cũng muốn ngất tim luôn… Dứa chưa từng thấy đám nhóm họ nào mà say cả rạp như thế, tất cả đều say. Tiễn nhau ra về mà ông sui đứng ôm một cọc rào, ông gia đứng ôm một cọc rào, lời tạm biệt nhão nhoẹt nồng nặc mùi rượu.

Chiều đến, người thưa thớt, rạp sân được quét dọn sạch sẽ trở lại. Dứa ra bờ kênh đứng ngóng sang bên kia, tự dưng bước chân lại đưa đẩy thế, rồi tự dưng hai mắt lại cay cay. Dứa chẳng biết mình đã làm gì cuộc đời mình thế này. Tự dưng lại bị bứng ra khỏi quê hương gốc gác, có người mình thương thôi mà cũng không sống chung được với nhau, xa mặt cách lòng hay định mệnh?! Ngày nghe tin người ấy cưới vợ, Dứa như chết đứng tại chỗ, tất cả bỗng chốc tan nát, đất dưới chân như đang lở lói, nứt sụp…

Một bàn tay thô ráp nằng nặng đặt lên vai làm Dứa giật mình quay lại. Anh Ba kéo đầu đứa em gái về phía mình. Hai anh em không nói gì. Dứa lại nghe anh Ba thở ra một hơi thật dài, thật buồn. Trong nhà, chỉ có anh Ba là biết rõ nhất chuyện tình của Dứa.

- "Vô nhà đi em! Có gì bên đó nữa đâu mà ngóng!"

Cả năm, Dứa mới về quê một lần, lần nào cũng xúc cảm đong đầy, nhớ chuyện xưa cũ, nhớ chuyện vừa đây. Nhà ông anh thứ ba cất trên nền nhà cũ của ba má nên không gian này thương thuộc lắm. Mộ ba má cũng vừa xây lại bên góc trái vườn, anh chị Ba nhang khói quanh năm cũng ấm áp. Mỗi lần về quê lên, Dứa luôn bần thần mấy ngày, tình máu mủ ruột thịt, tình quê, tình người luôn ắp đầy. Không thể rưng rưng mãi, rồi cơm áo gạo tiền lại cuốn Dứa đi, lại liền tay liền chân, lại tối mặt tối mày. 

Từ ngày bỏ quê lên phố làm công nhân, Dứa dường như đã quên mất bản thân mình, Dứa vừa là đàn ông vừa là đàn bà trong ngôi nhà chung cư tự mình tậu được bằng mồ hôi của bao ngày gò lưng trong hệ thống dây chuyền công nghiệp của nhà máy. Trong dây chuyền may công nghiệp, Dứa chỉ làm duy nhất một việc lắp cổ cồn vào chiếc áo sơ mi. Việc quen thành dễ nhưng người khác không thay được. Dứa đã từng ba năm liền đoạt giải "Bàn tay vàng" nhờ vào sự khéo léo và nhanh nhẹn khi lắp cổ áo, đến giờ này vẫn chưa có công nhân nào vượt qua Dứa về tốc độ. Chắc cũng nhờ vậy mà anh đốc công quý Dứa ra mặt.

Mới đó mà đã chạm cái mốc ngày cùng tháng tận của năm rồi. Gói gói ghém ghém. Dọn dọn dẹp dẹp. Cứ thời gian này, bao nhiêu năm nay, Dứa không bỏ thói quen tắm Tết của mình, kiểu gì cũng mua bằng được mấy ôm hương nhu để sẵn trên nóc tủ. Năm nay, may là bà bán dạo đã nhớ đến Dứa mang tận nhà. Sau khi dứt khỏi đồng ruộng sông nước, dường như nếp sống đã thay đổi nhiều, có lẽ thói quen tắm Tết là thứ còn lại của Dứa với con người nhà quê ngày nào. Một thói quen quê mùa mà Dứa không thể bỏ được.

***

Tắm Tết. Tắm chiều ba mươi. Tắm đêm trừ tịch. Dứa nghe mấy đứa bạn công nhân nói ngoài Bắc người ta tắm lá mùi, Dứa thì chỉ mê lá hương nhu. Tẩy trần, tẩy bụi bặm trần ai, tẩy cả những phiền muộn lo âu đầy ngập bốn mùa qua cũng bằng hương nhu. Tên của loài cây này thôi đã nói lên hết rồi, nhất là hương nhu tía người dưới quê trồng nhiều.

Giọt giọt thơm nồng bốc lên. Ướp mới, ướp cho tươi sạch da người, tươi sạch tuổi thơ, tươi sạch ký ức, tươi sạch cả con người luốc lem, bầm giập, sân si. Sau chuỗi ngày lao đi lao về như cánh chim, như vó câu, như làn gió mỏng, như thân tâm này, linh hồn này trót trao cho khổ ải, nhịn nhục, hi sinh.

Năm nào cũng vậy, cứ chiều ba mươi Tết là Dứa tắt điện thoại, không làm, không nghĩ, không để một sức ép nào của cuộc sống len vào hồn mình khi nồi nước lá bắt đầu tỏa hương khắp nhà. Nghĩ nhưng chỉ là nghĩ về cái việc tắm Tết này thôi, nhiều lúc mỉm cười một mình, tôi phục tôi quá, sao lại chọn được kiểu hưởng thụ cuộc sống tuyệt vời như vậy. Kỳ thực, chỉ là cái thú truyền đời, chớ Dứa tài cán gì mà nghĩ ra được.

Dứa chập chững vào đời đã thấy má tắm Tết. Cũng giống như má sinh ra đã thấy ngoại tắm Tết. Mà hình như ngoại bập bẹ nói cười đã thấy bà cố tắm Tết. Cuộc tắm truyền đời. Cuộc tắm miên man để giữ cho phận sống dẫu mỏng manh cũng mong, cũng ước, cũng nguyện, cũng giữ cho muôn phần thanh sạch, thơm nguyên.

Năm trước, Dứa mở nồi lá trong buồng tắm, năm nay quyết làm theo đúng cách của ngoại và má. Dứa cởi hết quần áo rồi trùm mền, đầu cúi khom bên nồi nước lá thơm lừng. Tắm bên trong trước, nghĩa là từ từ hít cho lồng ngực căng tràn hương thơm trước khi làm sạch bên ngoài. Cả người ứ tràn tinh dầu lá hương nhu, hương thơm thoát ra lỗ chân lông, đẩy hết những sét gỉ bẩn độc ra khỏi cơ thể. Cái nắp nồi nhích ra từng chút một cho hơi bay lên vừa đủ, vậy mà mồ hôi thơm cũng tuôn ra khắp người. Vừa lau lớp mồ hôi này lớp mồ hôi khác lại tuôn túa. Da dẻ sạch mịn thơm tho thực sự. Dứa thích thú miết một ngón tay từ trên ngực xuống bụng rồi mỉm cười một mình. "Tết này bốn mươi, thành bà cô thiệt rồi, mấy thằng đàn ông mù mắt hết trơn, mà chẳng phải là tại Dứa "nghiêm thấy phát ớn!", hình như có ai đã nói với Dứa thế. Tâm tính trời sinh sao sửa được. Mà cũng chẳng phải, cái chính là bóng hình người đó không phai được, càng cố quên càng nhớ dữ, Dứa chẳng bụng dạ đâu mà yêu thương người khác.

Nồi nước lá nguội, Dứa còn tiếc quá bày ra thêm cuộc "tắm mót", đổ hòa hết vào bồn nước ấm rồi vào nằm ngâm cho đã. Hai mắt lim dim. Giờ đây, mọi chuyện với Dứa dường như không có gì quan trọng nữa cả, trừ chuyện người ấy. Điền là người cùng quê, cách nhà Dứa một dòng kênh. Chuyện của hai người có gì đó như là định mệnh, không cãi ông trời được, mà cũng chẳng phải, nó như một thứ hệ lụy của thời cuộc, của sự ồ ạt bỏ ruộng, bỏ đồng về phố bất đắc dĩ của hàng ngàn, hàng triệu người, chứ không riêng gì Dứa.

***

Trên sân thượng tòa nhà chung cư cao tầng ở thành phố phồn hoa, Dứa ngồi bần thần. Một cảm giác chơi vơi giữa trời chiếm lấy tâm hồn Dứa. Một mình giữa trời, một mình giữa cái sân rộng trên cao, nhiều lúc, sau khi làm hết mọi việc cho con cháu, Dứa thường ra đây đứng ngắm nghía và luôn là cái cảm giác ấy. Một mình giữa trời, Dứa thường thì thầm với chính mình như vậy.

Nhìn cảnh phố xá lung linh ánh điện, mắt Dứa dán chặt vào con đường lớn với nhiều chấm sáng di chuyển. Con đường dẫn hút đi đâu? Những chấm sáng lao về đâu? Dứa tự hỏi và chợt nhớ bầy đom đóm trong những đêm tĩnh mịch ở quê nhà, nỗi nhớ cào cấu ruột Dứa nghe xót đắng. Những ngày đầu mới lên thành phố cái mặc cảm như người thiểu năng ám rất chặt trong người, Dứa ngơ ngác và không dám tự tin đi đứng nói làm bất cứ chuyện gì. Ngay cả trong công ty, Dứa cũng rón rén làm quen với những vật dụng bóng lộn, lạ lẫm, không dám động vào thứ gì mình thấy lần đầu. 

Thời gian trôi qua, tưởng không còn gì bí mật với mình nữa thì cái mà Dứa thấy khó nắm bắt nhất chính là những gì bên trong mình, làm như thân xác ở phố mà tâm hồn còn để quên lại dưới quê, nơi ắp đầy những kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ. Tất cả đã trôi đi rồi, trôi thật xa rồi. Có một miền xanh thẳm chỉ còn trong ký ức, nơi ấy có gia đình Dứa, có bờ ao mọc đầy bình bát, có những bãi cỏ năng ngút ngàn, có đường nước trong veo ngoằn ngoèo dẫn về vùng thứ U Minh, có mùa bắt cá linh, những con cá linh lớn nhanh như thổi và mãi mãi mắc lại trong những cái vũng ký ức lung linh ánh bạc của tâm hồn Dứa. Kỷ niệm tràn về ngập ứ người, nó hiển hiện như mới nói mới cười, mới giận mới hờn, mới thương yêu da diết đây thôi, một cái chớp mắt trong cuộc đời mà tất cả giờ chỉ là kỷ niệm, giờ chỉ là quá khứ, giờ chỉ như một đóm sáng lao hút vào khoảng không nhập nhòa. Bốn mươi năm, riêng tuổi của vùng kỷ niệm này đã quá nửa đời người.

***

… Dứa hốt thêm bụm trấu rắc đều, chồm tay lấy hai bó sậy chọt chọt vào cái khạp da bò đầy nhóc cá linh. Thụt cá. Người dân miệt sông nước gọi tên công việc làm cho trốc vảy cá này là thụt cá trước khi đem muối. Cái tên việc nghe đến mắc cười, mỗi lần nhắc đến là đôi má Dứa hồng rực lên. Thụt cá không cực lắm nhưng phải kiên trì nên từ lâu đương nhiên nó là việc của đàn bà con gái. Mới thêm trấu một lần mà mồ hôi đã lấm tấm trên vầng trán. Dứa dừng lại quệt tay áo mấy lần cho mồ hôi không chảy xuống mắt. Mệt nhưng vui. Mỗi năm khi mùa bắt cá đến, già trẻ gái trai trong cái xóm Bần này đều bận tay bận chân, lòng rộn lên, vui như đi coi hội. Từ mờ sáng, những chiếc xuồng ba lá nối nhau luồn lách trong đám năng bạt ngàn, họ đi về phía vùng thứ U Minh, đi về phía rừng tràm, về phía các con nước giao nhau, các ngã ba, ngã năm, ngã bảy trên đồng nước, đi về phía của những món quà thơm thảo mà thiên nhiên đã ban tặng cho những con người chân lấm tay bùn.

Mới hôm mùng năm tháng năm âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về, cá linh theo về, con chỉ bằng que tăm, rồi nó lớn rất nhanh, tháng sau, gió bấc chớm lạnh đã phổng phao lấp lánh ánh bạc. Nước từ các cánh đồng ngập lũ rút nhanh, những đàn cá chạy theo con nước không kịp nên mắc lại. Vô vàn vũng nước đọng to bằng cái nia, cái thúng trong rừng tràm này lúc nhúc các loại cá, nhiều nhất là cá linh. Cá tràn cả ra sình ngóc đầu hớp khí, đợi người đến bắt. Cả đi cả về trong ngày, chỉ cần dùng rổ rá vớt, thậm chí dùng hai bàn tay bụm lại cũng hốt được đầy khẳm nhóc chiếc xuồng ba lá nhỏ nhắn này rồi, tức là phải được vài dạ cá, mỗi dạ gần hai chục ký chứ ít sao. Cứ mùa cá linh là lu khạp đều đầy nhóc cá muối, muối nước mắm có, muối làm mắm kho cũng có. 

Chiếc xuồng ba lá này cha Dứa từ trong Cứ đã bí mật về nhà ban đêm hì hụi, lục đục đóng, trét mấy đợt mới xong cho Dứa. Nó nhỏ lắm, ba lá ván tạo nên nó cũng không rộng không dài mấy, thuyền chỉ tum gọn trước sau rộng dài hơn cơ thể của Dứa mấy mươi phân. Với chiếc xuồng ba lá này, Dứa muốn chèo dằm cũng được, gặp chỗ nước cạn dùng chân chống đi cũng xong. Chiếc xuồng ba lá từ đó gắn bó với Dứa như một người bạn thân thiết. Bao nhiêu là kỷ niệm gắn bó nói ra một lần không hết được. Với bạn bè ríu rít trò chuyện cũng gắn với nó. Một mình ủ rũ mặt mày cũng trên nó. Chòng chành nước lên. Lặng yên nước rút. Nó như đôi chân nối dài của Dứa suốt một thời gian dài. Mãi sau này Dứa mới thay chiếc xuồng ba lá lớn hơn. Ngày giã từ nó, Dứa đã rơm rơm nước mắt, một tình cảm đặc biệt kéo trĩu con tim, Dứa như thấy đang từ giã một người bạn thương thiết.

Truyện dự thi: Tắm Tết - Ảnh 2.

Mùa cá linh. (Ảnh minh họa cho truyện dự thi: Tắm Tết)

Ngày ấy, mùa cá linh là mùa rộn ràng nhất với cả mọi người, từ già đến trẻ, nhóm xóm Bần của Dứa do Điền dẫn đầu, mỗi người một chiếc xuồng ba lá nối đuôi nhau tiến về miệt Thứ. Muốn đến được những khu rừng tràm nước đang rút ra để lộ những trũng, những ao, những ngã ba, ngã bảy, họ phải băng qua các cánh đồng mênh mông cỏ năng, cỏ lác.

Muốn ăn bông súng mắm kho

Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm…

Ai đó đã hát lên như thế, mọi người đồng thanh hát theo, tiếng hát vang vang từng hồi xáo động. Lời ca trao tình nối nhau trườn đi, trườn đi mãi theo những con sóng gợn trên đồng cỏ năng, cỏ lác mênh mông mỗi khi có những cơn gió rượt đuổi nhau.

Dứa ham cá linh nhưng lại chậm nhất trong đám bạn. Điền nói để san cá qua cho mà về cùng chúng bạn, Dứa không chịu, phải tự tay xúc đầy cá mới về, bảo: "Mọi người về trước đi, Dứa sẽ theo sau liền". Sợ Dứa lạc đường, Điền đã cẩn thận bó từng bụi năng lại thành những cây ruồi dẫn đường.

Khi lòng xuồng đầy ắp cá linh, Dứa nhìn lên thì trời đã chập choạng tối, quýnh quíu chèo xuống qua cây ruồi thứ chín thì bị lạc thật. Mò mẫm lòng vòng mãi trong đồng giữa chiều chạng vạng. Ngay khi Dứa hoảng hốt và sợ hãi khóc rưng rức thì một chiếc xuồng chẳng biết từ đâu trờ ra trước mặt. Là Điền. Không nỗi mừng nào mừng hơn! Điền cười hiền: "Biết sẽ lạc mà!".

Hai chiếc xuồng cặp nhau lướt đi trong đêm tối và cùng dừng lại trong đêm tối. Môi họ đã tìm nhau trên chiếc xuồng ba lá ấy. Dứa đã trao thân cho Điền trên chiếc xuồng đầy nhóc cá linh ấy. Họ quấn quyện trao hết sự trinh nguyên cho nhau khi hai cơ thể lấp lánh vảy cá linh, khi trên người, dưới lưng đầy những con cá trắng bạc mà Dứa vừa xúc được…

Dứa làm sao quên được cuộc tắm táp kì cọ cho nhau sau đó. Những vảy cá bám sát trên ngực Dứa làm cho Điền phải khó khăn để gỡ từng vảy một. Cũng do mân mê mãi chỗ cặp đồi vu sơn ấy mà hai cơ thể thanh tân nóng rực của họ lại cuộn vào nhau lần nữa. Lần này, vượt hết những e thẹn ban đầu, hai con sóng ngùn ngụt lửa tình cuốn xiết lấy nhau, nhoài người, chuồi người ngập ngụa trong cá, dập duềnh trong cá, có lúc Dứa như muốn ngưng thở vì cá linh phủ hết cả tay chân mắt mũi. Cơ thể Điền cuồng lên làm cá tràn ra khỏi xuồng khá nhiều, mặc kệ, họ đã mặc kệ tất cả vì lúc ấy cả hai tâm hồn lâng lâng hoan lạc kia đang phiêu bay lơ lửng trên cao. Dập duềnh và lơ lửng trên cao!

***

Tắm, từ đó đối với Dứa không chỉ là việc làm sạch cơ thể bình thường, nó là kỷ niệm, là tình yêu đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng, là dấu mốc vĩnh viễn mình đã trở thành người đàn bà. Bao giờ cũng vậy cứ mỗi lần tắm táp mân mê chà xát cơ thể là hình ảnh Điền lại hiện lên mồn một trước mặt.

"Đói cho sạch, rách cho thơm", má thường nhắc các con mình như thế. Lớn khôn tí chút Dứa hiểu lời dạy của má không chỉ tắm thơm da thịt, cơ thể mà còn phải tắm táp, ướp giữ thơm tho từng ý nghĩ, từng việc làm, từng nhịp hít thở trong giây phút, trong đoạn quãng sống quý giá ở cõi đời này.

Trong vườn, góc đất nào cũng đổi giống đổi má được nhưng tuyệt đối gốc vườn trồng hương nhu là nguyên sắc tím tía đậm đà, nguyên mùi thương thuộc nồng nàn, nguyên loài thủy chung nhắc nhớ. Hết mùa này những cái hạt bé xíu lại rơi xuống, vươn mầm thay thế, giữ mãi góc vườn thơm. Nghĩ mà thương, cái cây cái lá thân thuộc, gắn bó với người, hợp tạng hợp mùi với người, ươm chứa, giữ gìn ký ức cho người trong im lặng, trong lời thơm mà chẳng đòi hỏi gì nhiều nhặn lắm đâu.

Người quê Dứa cũng vậy, đi đâu về đâu, sa cơ lỡ vận đen đủi hay thành công, thành danh, hiển đạt, "giàu đổi bạn, sang đổi vợ", làm quan đổi mặt, bán buôn đổi lòng nhưng với cái mùi cây lá dân dã, mộc mạc ấy vẫn cứ trước sao sau vậy, vẫn nghiện, vẫn nhớ, vẫn tìm cho bằng được mỗi khi gió xuân se ngoài ngõ, mỗi khi qua chặng tơ vò rối ruột cuối năm, mỗi khi gấp sổ tạm gác ba trăm sáu mươi lăm ngày bận rộn lo nghĩ, lo toan, lo sợ.

Là má thường nói vậy, bây giờ cũng có nhưng không nhiều người còn giữ thói quen tắm Tết đều đặn như Dứa. Ít nhưng cũng có, nói đâu xa, chị hàng xóm cùng hành lang, người cứ như lên đồng, cuồng vì tiền, bất chấp vì tiền, vậy mà mỗi dịp cuối năm đều nhắn mẹ ở tận quê Hà Nội gửi bằng được bó mùi khô để tắm Tết. Chị nói: "Ngò rí hương nhu ở đây cũng thơm nhưng phải là nồi nước mùi quê mình tắm mới đúng chất, mới đã nhớ, mới gọi là ướp quê vào da thịt".

Đúng là ướp quê vào da thịt, vào tâm hồn. Riêng chuyện tắm Tết thì Dứa thấy thích chị này. Tắm Tết là tạm quên hết những chuyện phức tạp, những nợ nần ân oán ngoài kia.

Sau khi xông, Dứa nhấc nồi nước hương nhu thơm lừng ấy bê vào nhà tắm, đóng cửa mở nắp, nhắm mắt lim dim, chìm ngập trong một trời hương thơm, một vùng hơi thơm, Dứa co mình bé lại như giọt tinh dầu lóng lánh, xả hết, trả hết, xóa hết, tẩy hết...

Rồi lại mở lòng ra đến mênh mông ký ức ngọt ngào, đến trinh sạch những khát khao hướng thiên, hướng thiện, chợt nhớ nhung chất ngất, chợt thương yêu ngập dâng, bao nhiêu oán trách, bao nhiêu giận hờn, bao nhiêu ham muốn, bao nhiêu trần thân khổ ải bỗng chốc tiêu tan, bỗng chốc trở thành vô nghĩa, bỗng chốc hiểu ra mọi sự phù phiếm đến nực cười. Điền lại hiện ra trước mặt với nụ cười thật hiền trên đồng cỏ năng cỏ lác ngày xưa. Trong trái tim yêu của Dứa, Điền đã được xóa sạch tội tình, kể cả tội phụ tình, Điền vẫn mãi là người tình của Dứa. Tình yêu, một lần là mãi mãi!

Vậy hỏi sao gọi là sạch hơn, sao gọi là thơm hơn, sao gọi là người hơn?!

Dứa sống đã gần nửa thế kỷ, đã quá đỉnh đời người, đã trượt dài bên kia dốc, tưởng cũ mèm, mốc thếch, dày cui những bụi bặm trần gian, những tan nát, tuyệt vọng, những đọa đày đau rát, những giây tàn phút lụi đứng bên miệng vực rỗng không, tê tái, vậy mà sau khi tắm Tết, sau khi để cho mùi hương nhu truyền đời chiếm ngự, lòng cứ lại phơi phới như trẻ thơ đón Tết, mắt cứ long lanh trở lại như thời thiếu nữ, da cứ như căng mịn xuân tràn.

Sạch trơn. Ham sống. Thấy gì cũng đẹp. Nghĩ gì cũng thương. Hương nhu mộc mạc mà cao sang lắm thay! Hương nhu xưa cũ mà mới mẻ lắm thay! Hương nhu, hương nhu, Dứa nghiện mùi hương nhu mất rồi! Dứa nghiện tắm Tết mất rồi...