Theo thông tin dẫn từ trang HKEPC, Cục Hải quan Hồng Kông-Chu Hải-Macao báo cáo rằng, họ đã ngăn chặn được hai nỗ lực buôn lậu vào tháng trước liên quan đến bộ vi xử lý Comet Lake thế hệ thứ 10 của Intel. Tuy nhiên, đây không phải là những sự kiện riêng lẻ.
Gần đây nhất vào ngày 5/7, Hải quan Hồng Kông cũng đã thu giữ tới 2.200 CPU, hơn 1.000 thanh RAM, khoảng 630 điện thoại thông minh, và kỳ lạ là kèm theo đó là 70 sản phẩm mỹ phẩm. Tổng giá trị thị trường của vụ buôn lậu này là 4 triệu USD.
Tuy nhiên, trọng tâm của chuỗi vụ việc này bao gồm, vụ đầu tiên xảy ra vào ngày 16/6 khi một tài xế xe tải từ Quảng Đông bị nhân viên hải quan kiểm tra tại cầu Hong Kong-Chu Hải-Macao. Thoạt đầu, không có gì bất thường được tìm thấy trên phương tiện, nhưng các sĩ quan đã phát hiện ra điều gì đó bất thường khi bắt người lái xe.
Sau khi kiểm tra, các nhân viên đã tìm thấy người đàn ông dán 256 bộ xử lý Intel Core i7-10700 và Core i9-10900K trị giá 800.000 Nhân dân tệ (khoảng 123.000 USD) xung quanh cơ thể mình, bao gồm bắp chân và thân bằng cách sử dụng màng bám.
Không dừng lại ở đó, một báo cáo khác từ PCGamer cho biết một nỗ lực buôn lậu khác được cho là có liên quan đến vụ đầu tiên đã diễn ra vào 10 ngày sau đó tại cùng một địa điểm. Lần này, 52 bộ xử lý Intel bị phát hiện đã được giấu giữa ghế lái và ghế hành khách phía trước.
Hải quan cảnh báo rằng, những kẻ buôn lậu này có thể đối diện với khoản tiền phạt tối đa 2 triệu USD và bị phạt tù trong 7 năm.
Tình trạng thiếu hụt thành phần PC đã chứng minh rằng các bộ phận khác nhau như CPU, GPU và thậm chí cả ổ cứng HDD đôi khi rất khó lấy nguồn. Kết quả là chúng ta đã chứng kiến sự tăng giá lớn đối với GPU, CPU và thậm chí cả các thành phần lưu trữ. Và vô tình, cuộc khủng hoảng chip toàn cầu trên thị trường đang khiến lượng CPU thiếu hụt, và đó là lý do khiến những kẻ buôn lậu đang tìm cách để tuồn CPU qua các cửa khẩu nhằm tìm kiếm lợi nhuận, họ muốn nhắm đến thị trường béo bở này bằng các chiêu thức khác nhau, chẳng hạn dán CPU xung quanh cơ thể mình như câu chuyện ở trên là một ví dụ.
Một sự việc tương tự vào tháng 7/2019, một kỹ sư điện người Mỹ gốc Hoa tại Mỹ bị tòa án nước này kết tội buôn lậu chip quân sự sang Trung Quốc.
Cụ thể, ngày 2/7/2019, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Yi-Chi Shih, 64 tuổi, một kỹ sư điện sống tại Los Angeles (Mỹ) đã bị kết tội đánh cắp chip bán dẫn sử dụng trong các hệ thống quân sự của Mỹ để chuyển cho cộng sự ở Trung Quốc. Ông này bị đưa ra xét xử bởi tòa án liên bang Los Angeles trong 6 tuần.
Các công tố viên cáo buộc Shih cùng với đồng phạm Kiet Ahn Mai, sống tại Pasadena đã đóng vai "khách hàng tiềm năng" để đột nhập vào hệ thống "nhạy cảm" của một công ty giấu tên chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn và mạch tích hợp vi sóng nguyên khối (MMIC) cho quân đội Mỹ. Cả hai sau đó đánh cắp sản phẩm và chuyển chúng cho Công ty Công nghệ GaStone Thành Đô (CGTC) - một doanh nghiệp chuyên sản xuất MMIC.
Cũng theo các công tố viên, chip bán dẫn bị đánh cắp được sử dụng trong tên lửa, hệ thống dẫn đường tên lửa, máy bay chiến đấu, ứng dụng radar và "chiến tranh điện tử". Không quân Mỹ, Hải quân Mỹ và Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến trực thuộc Lầu Năm Góc (DARPA) là ba trong số những đơn vị quân sự của Mỹ đang dùng loại chip này.