Lương Xuân Trường (SN 1995), biệt danh Trường Híp, là cầu thủ đang thi đấu cho HAGL và ĐT Việt Nam ở vị trí tiền vệ và là đội phó ĐTQG Việt Nam. Lương Xuân Trường từ lâu đã là một cầu thủ quen mặt với khán giả Việt Nam, cùng ĐT Việt Nam chinh chiến và giành được nhiều vinh quang cho bóng đá nước nhà.
TỪ CHẤN THƯƠNG NẶNG PHẢI SANG HÀN QUỐC ĐIỀU TRỊ ĐẾN "NƯỚC CỜ" TÁO BẠO CÓ 1-0-2
Cầu thủ quê Tuyên Quang đang đảm nhiệm hài hòa cả hai vai trò là cầu thủ và "ông chủ" của Trung tâm hồi phục chấn thương thể thao quốc tế (IRC) do anh sáng lập và vận hành, khai trương ngày 7/3 vừa qua. Đây được đánh giá là một "nước cờ" táo bạo mà chưa một cầu thủ Việt Nam nào có thể thực hiện trước đó.
Tiền vệ Lương Xuân Trường quyết định lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh khi mở Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế (IRC).
Trung tâm IRC ra đời từ tháng 8/2020, có trụ sở tại Lô C15/D21 Khu đô thị mới Cầu Giấy, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội; dựa trên mô hình các trung tâm phục hồi chấn thương thể thao hàng đầu trên thế giới và Hàn Quốc.
Bác sĩ Choi Ju-young, người đã sát cánh với các đội tuyển Việt Nam và HLV Park Hang-seo những năm qua, cùng các chuyên gia hàng đầu trong giới y học thể thao đóng vai trò cố vấn cho IRC.
Sau 4 tháng chính thức đi vào hoạt động, mới đây, thông qua kênh YouTube Cán Cris, Chủ tịch Xuân Trường - Tiền vệ đang khoác áo CLB HAGL đã có những chia sẻ thẳng thắn về startup IRC.
Theo đó, chia sẻ về lý do thành lập IRC đến từ việc tiền vệ sinh năm 1995 đã nhiều lần chứng kiến đồng đội gặp chấn thương cũng như chính bản thân gặp phải chấn thương nặng, phải sang Hàn Quốc điều trị.
Trong thời gian điều trị tại xứ sở kim chi chính là lúc chàng tiền vệ trẻ suy nghĩ nghiêm túc về dự án này. Bản thân Xuân Trường cũng chia sẻ rằng mất khoảng 3 năm để biến dự án từ ý tưởng sơ khai cho đến khi hiển hiện thành cơ ngơi bằng xương bằng thịt.
Lương Xuân Trường bên cạnh Giám đốc điều hành IRC Nguyễn Việt Hùng (áo xanh góc trái).
Trung tâm của tiền vệ 26 tuổi có đủ các thiết bị y tế phục vụ cho việc phục hồi chấn thương nhanh, hiệu quả và tập vật lý trị liệu, như máy hồng ngoại, máy trị liệu sóng xung kích, máy lazer, máy siêu âm,…
Giá sử dụng dịch vụ tại IRC rơi vào khoảng 600.000 đồng – 1,2 triệu đồng/buổi. Bên cạnh đó, IRC còn cung cấp các gói dịch vụ theo tháng khác tùy thuộc vào mức độ chấn thương của mỗi người, anh Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc điều hành IRC cho biết.
Bảng giá một số dịch vụ điều trị chấn thương tại IRC.
Cũng theo anh Hùng, mức giá tại IRC là mức giá tối ưu và thấp hơn khá nhiều so với việc phải ra nước ngoài điều trị, bởi quãng thời gian dài điều trị chấn thương tại Hàn Quốc của Lương Xuân Trường đã giúp chàng cầu thủ người Tuyên Quang nhận thức rõ về chi phí điều trị đắt đỏ để điều chỉnh giá phù hợp với Việt Nam.
Xuân Trường chia sẻ, IRC có khả năng phục vụ tối đa khoảng 12 người trong một thời điểm. "Quy mô của IRC chưa đủ lớn để phục vụ cho nhiều người hơn. Sau ngày khai trương, IRC nhận được sự quan tâm của rất nhiều người chơi thể thao, kể cả những người chơi thể thao phong trào và kể cả dân công sở họ bị đau lưng đau tay khi chơi tennis,...
Thời gian đầu bọn em khá hoang mang khi khách đến đông và bọn em không thể xử lý hết được. Hy vọng trong tương lai gần bọn em có thể mở rộng", Xuân Trường chia sẻ về những hạn chế của IRC.
Ngược lại, bên cạnh hạn chế, Chủ tịch Xuân Trường cho rằng IRC cũng có những ưu điểm mang lại sự khác biệt so với những trung tâm khác.
Một vận động viên đang điều trị tại IRC. Ảnh: Đỗ Kim Phúc.
Tiền vệ của đội tuyển quốc gia Việt Nam cho biết sứ mệnh của IRC là phụng sự cho thể thao Việt Nam và không chỉ dành riêng cho các vận động viên thể thao chuyên nghiệp mà còn phục vụ cho tất cả người dân tại Việt Nam, những người có nhu cầu tập hồi phục chấn thương. "IRC dành cho tất cả mọi người", Xuân Trường khẳng định.
"IRC KHÔNG PHẢI MÔ HÌNH MỞ RA ĐỂ THU LỢI NHUẬN Ồ ẠT"
Tuy nhiên, đối với một startup còn non trẻ, ít những kinh nghiệm trên thương trường, bước đi đầu tiên sẽ có những khó khăn. Lương Xuân Trường cho hay, chính những người cộng sự lo việc điều hành, kinh doanh, marketing, truyền thông đã giúp bản thân Trường có thể yên tâm để tập trung tối đa cho bóng đá, không bị công việc kinh doanh chi phối quá nhiều.
Trên thực tế, có rất nhiều cầu thủ từng đã startup những mô hình quần áo, cà phê, giày dép,…Dù vậy, không phải ai cũng có thể duy trì được bởi còn thiếu kinh nghiệm về thị trường, sự hiểu biết của bản thân, kinh nghiệm trên thương trường.
"Bật mí" về tình hình kinh doanh sau 4 tháng kể từ ngày khai trương, Xuân Trường cho biết, doanh thu của IRC đang khá ổn, nhưng IRC không phải một mô hình mở ra để thu lợi nhuận một cách ồ ạt.
Xuân Trường vẫn luôn cố gắng cân bằng công việc kinh doanh để tập trung tối đa cho bóng đá.
"Đây là một mô hình cần thời gian để lớn mạnh hơn. Vì việc đào tạo đội ngũ của mình không phải ngày một ngày hai là họ trưởng thành và phục vụ tốt cho tất cả mọi người, mà còn cần những chuyên gia người Hàn, người nước ngoài,...
Việc đầu tư này chắc chắn sẽ tốn kém, nhưng đó là chiến lược đầu tư về mặt lâu dài. Thời gian đầu IRC không thể lớn mạnh ngay lập tức, nhưng 5 - 10 năm sau IRC có thể được lan tỏa tới tất cả mọi người.
Em hy vọng 10 năm sau, IRC có thể xuất hiện tại những thành phố lớn như TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng,…", Xuân Trường kỳ vọng.