Theo PGS Khuê, tính đến sáng 16/7, Việt Nam có gần 32.400 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Địa phương có số bệnh nhân đông nhất là TP.HCM rồi đến Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Phú Yên...
PGS Khuê chia sẻ, số lượng ca Covid mắc mới hàng ngày đang tăng lên rất nhanh. Dù chỉ 20% bệnh nhân Covid-19 có chuyển biến nặng nhưng số bệnh nhân đông thì số ca nặng cần hồi sức, chăm sóc tích cực cũng tăng lên, gây áp lực cho cơ sở y tế. Do đó, các cơ sở y tế cần phải chủ động nâng cao năng lực điều trị.
PGS Khuê cho biết, hiện Bộ Y tế đang xây dựng lập kế hoạch để có thể thu dung, tiếp nhận 100.000 bệnh nhân Covid-19 và đẩy mạnh năng lực của các bệnh viện vùng.
Hiện nay, nguyên tắc điều trị của Việt Nam là phân 4 tầng, bao gồm: người bệnh không triệu chứng, mức độ nhẹ, điều trị tại các cơ sở điều trị ban đầu, bệnh viện dã chiến; mức độ vừa đưa vào quận, huyện hoặc hoặc các khoa truyền nhiễm của bệnh viện tỉnh; mức nặng, nguy kịch chuyển bệnh viện tỉnh, bệnh viện truyền nhiễm, trung tâm ICU; ca bệnh quá khả năng, chuyển tuyến lên các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện chuyên khoa của Trung ương.
Ông Khuê đề nghị các bệnh viện phải chú ý các điều kiện chăm sóc y tế, đặc biệt quan tâm đến tình hình oxy, máy thở... hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong.
Trước đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn hỏa tốc, yêu cầu các cơ sở y tế trên toàn quốc chuẩn bị điều kiện để đáp ứng tốt nhất công tác cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh Covid-19 nặng theo nguyên tắc "4 tại chỗ".
Cụ thể, Sở Y tế cần chỉ đạo bệnh viện đa khoa tỉnh rà soát, bổ sung năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực (ICU) hoặc thiết lập ngay đơn vị hồi sức tích cực (nếu chưa có) để không bị động trước diễn biến dịch.
Đơn vị hồi sức tích cực điều trị Covid-19 phải bảo đảm cách ly riêng biệt với các đơn vị khác trong bệnh viện. Có thể lựa chọn khoa truyền nhiễm của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc một bệnh viện khác phù hợp trên địa bàn.
Đối với tỉnh chưa có dịch hoặc số ca mắc ít cần chủ động chuẩn bị ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Đối với các địa phương có nguy cơ cao (nhiều khu công nghiệp, thị xã đông dân cư…) cần tăng số giường bệnh hồi sức tích cực, chủ động ứng phó trong trường hợp dịch dịch bùng phát....
Còn đối với các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cần chuẩn bị, bố trí khu vực hồi sức tích cực tách biệt với khu hồi sức tích cực chung và các khoa, phòng khác; báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cơ số giường ICU để sẵn sàng tiếp nhận điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch theo phân công của Bộ Y tế và hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.
Cũng tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh về công tác chống dịch ngày 16/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các tỉnh chủ động chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất có thể xảy ra".
Về công tác điều trị, Bộ trưởng yêu cầu tất cả các địa phương, các bệnh viện hạng 2, hạng 3 phải có hệ thống ô xy. Các địa phương cũng phải đảm bảo số giường theo các chỉ đạo của Bộ Y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng 1 trở lên phải có trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực đối với bệnh nhân nặng và nguy kịch, trong đó có hệ thống máy ECMO, máy lọc máu và một số trang thiết bị khác.
Đối với các cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng, không nhất thiết phải trang bị những thiết bị quá chuyên sâu, quá nhiều. “Chúng ta phải làm sao sử dụng trang thiết bị vừa hiệu qủa, vừa tiết kiệm", Bộ trưởng nói.