Dân Việt

Những ca trực "8 tiếng không ăn uống, không làm việc riêng" của bác sĩ điều trị Covid-19

Diệu Linh- Văn Đạo 17/07/2021 19:14 GMT+7
Những bàn tay nhăn nheo, những ca trực kéo dài 8 tiếng không ăn, không uống, không làm việc riêng là những trải nghiệm hết sức bình thường của các bác sĩ đang tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM.

Bên trong Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đặt tại Bệnh viện đa khoa Gò Vấp (TP.HCM). Nguồn BYT

"Nhìn cái vẫy tay yếu ớt của bệnh nhân Covid-19 lại sốc tinh thần"

Đây là nỗi niềm của bác sĩ Phạm Minh Trí (BV đa khoa Gò Vấp) đang tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 trong bệnh viện. 

Trí chia sẻ, mỗi ca trực kéo dài 8 tiếng là một nỗi khổ khó nói, gần như "ngâm" trong mồ hôi của chính mình. Có hôm xong ca làm việc, cởi bảo hộ ra là toàn thân anh ê ẩm, đôi tay nhăn nheo, cứ xoa vào nhau mãi mới có thể bấm phím điện thoại. 

Những ca trực "8 tiếng không ăn uống, không làm việc riêng" của bác sĩ điều trị Covid-19 - Ảnh 2.

Bác sĩ Bàn Văn Cường tại phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở BV dã chiến Gò Vấp. Ảnh BYT

Vất vả là vậy, nhưng nỗi lo, trăn trở hiện giờ của bác sĩ Trí là số bệnh nhân nặng ngày càng tăng lên:  

"Có những đêm hết ca trực, cứ ao ước người nào sức khỏe cũng tốt lên, vượt qua nguy kịch, không có ai phải thở máy hay các biện pháp can thiệp khác. Với các thầy thuốc, thêm mỗi bệnh nhân vượt qua “lưỡi hái bệnh tật” là thêm niềm hạnh phúc bừng lên trong tâm trí”.

Bác sĩ Trí và đồng nghiệp cũng thường xuyên phải đối mặt với những vấn đề của bệnh nhân, khiến anh phải day dứt. 

“Có bệnh nhân nhớ nhà đến quay quắt. Có người không vệ sinh được. Có người già thì không tự cầm nước uống, không đi tiểu được. Tất cả điều này chúng tôi phải làm hết. Bởi vậy, phải tiết kiệm từng phút. Có hôm trong người nóng nực, sắp hết ca trực rất mệt nhưng thấy cái vẫy tay yếu ớt từ người bệnh lại “sốc” tinh thần lên, vui vẻ đến giúp họ…không ai nề hà việc gì hết. 

Có đêm khuya, hết ca trực, về nằm vừa nhớ nhà vừa nhớ bệnh nhân. Biết là ở viện thì luôn có đủ nhân viên y tế túc trực nhưng trong lòng cứ dâng lên câu hỏi không biết bây giờ bệnh nhân hồi chiều ra sao, liệu đã khỏe hơn lên chưa? Xem họ như người nhà của mình vậy”, bác sĩ Trí tâm sự. 

Theo bác sĩ Trí, trước đây điều trị bệnh nhân bình thường thì  trong các ca trực cũng có thể có lúc rảnh để dùng điện thoại nhưng từ khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì tuyệt đối không dùng điện thoại trong giờ làm việc. Nên nhiều khi anh rất nóng ruột về người thân. 

Do đó khi cầm điện thoại lên, bàn tay "hồi lại" anh lại bấm ngay số điện thoại của người nhà. Trí chia sẻ, mỗi lần gọi video cho người nhà là anh lại nhận được vô số lời động viên: "Hãy bình tĩnh, an tâm điều trị bệnh nhân, mọi việc ở nhà không phải lo". Và lời tạm biệt mỗi lần kết thúc cuộc gọi luôn là "Trí ơi, mạnh mẽ lên để cứu bệnh nhân!". 

Những ca trực "8 tiếng không ăn uống, không làm việc riêng" của bác sĩ điều trị Covid-19 - Ảnh 3.

Bên trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện dã chiến Gò Vấp. Ảnh BYT

"Hết dịch Covid-19 mới về"

Bác sĩ Bàn Văn Cường (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) đã xung phong vào chi viện cho TP.HCM. 

Hiện anh cùng đồng nghiệp đang tham gia điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Gò Vấp. Tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, cứ mỗi ngày ít nhất 3 lần bác sĩ Cường phải đi kiểm tra các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân. Mấy bữa đầu chưa quen với quần áo bảo hộ kín mít, nên sau vài tiếng đồng hồ là thấm mệt. Khi ấy bác sĩ Cường lại nghĩ đến những lời nhắn nhủ, lời cảm ơn cất lên từ giọng nói thều thào của các bệnh nhân để xua tan đi mọi mệt mỏi.

Bác sĩ Cường dứt khoát: "“Khi nào hết dịch mới về. Việc nhà đã có người thân”.

Còn Trần Thị Tú Linh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) không quản vất vả, thoăn thoắt như con thoi chạy giữa các bệnh nhân để theo dõi sát sức khỏe cho họ. 

“Khó khăn thì nhiều. Nhưng cái khó khăn thấy ngay trước mắt đó là triền miên mang đồ bảo hộ trong suốt ca làm việc 8 tiếng. Trong những trường hợp thật sự cần thiết thì vẫn có thể thay ra nhưng bất tiện và mất thời gian. 

Nhân lực đang hạn chế mình mà thay quần áo sẽ vất vả hơn cho các bạn khác. Vì lúc mình thay đồ đồng nghiệp phải làm phần việc của mình. Vậy là suốt 8 tiếng cố gắng “3 không” là không ăn, không uống, không vệ sinh… không phải là chuyện dễ. Nhưng may mà mình được rèn luyện trong môi trường y khoa nên các khó khăn này dần sẽ thành quen”, bác sĩ Linh chia sẻ. 

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính tới ngày 17/7, đã có 24 đoàn với hơn 4.400 nhân viên y tế cả nước hỗ trợ TP.HCM trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên .