Ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông của Bộ Y tế - lý giải cụ thể về thông tin "cách ly F0 tại nhà".
"Đây là cách nói nôm na thôi, còn chuyên môn chúng tôi không gọi như vậy. Chúng tôi gọi là rút ngắn thời gian điều trị F0, không phải cách ly F0 tại nhà" - ông Cường nói và lưu ý báo chí nên sử dụng cụm từ "rút ngắn thời gian điều trị F0".
Ông Vũ Mạnh Cường cho biết, khoảng 70-80% F0 hiện nay không có triệu chứng. 5% trong số F0 có thể diễn biến nặng, 30% trong số này có thể tiếp tục diễn biến rất nặng.
5% số F0 trở nặng có thể diễn biến trong thời gian từ 7-10 ngày. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo và yêu cầu tất cả F0 phải được theo dõi và điều trị tại bệnh viện trong 10 ngày đầu tiên. Từ ngày thứ 10 trở đi, nếu bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2 hoặc có tải lượng virus thấp (CT >=30%) thì có thể cách ly tại nhà giống như F1.
Lý giải việc rút ngắn thời gian điều trị, ông Cường cho biết bệnh nhân Covid-19 có thể nằm viện tới 20 ngày. Nếu chờ đủ 3 lần âm tính thì thời gian đó sẽ chiếm dụng giường bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký văn bản 5599 hướng dẫn việc thực hiện cách ly F1 tại nhà và rút ngắn thời gian điều trị F0 cách ly tại nhà. Theo đó, chỉ cần một căn hộ chung cư hoặc nhà riêng là có thể cách ly F1 và điều trị F0 sau ngày thứ 10.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc rút ngắn thời gian điều trị cho F0 sẽ giảm tải áp lực cho các cơ sở y tế. "Vấn đề cách ly F0 tại nhà cũng như sau thời gian điều trị 14 ngày dựa trên cơ sở khoa học và thực tế nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu quan trọng, đó là sự an toàn. Khi các F0 sau 10 ngày được thu dung điều trị, được xét nghiệm 2 lần âm tính thì có thể chuyển về cách ly tại nhà. Một số trường hợp tải lượng virus thấp cũng có thể đưa về cách ly tại nhà vì những trường hợp này nguy cơ lây nhiễm cho người khác rất thấp, có thể đảm bảo an toàn" - Thứ trưởng Sơn nói.
Sau khi F0 không triệu chứng về nhà, được theo dõi y tế hàng ngày và khuyến cáo tự theo dõi sức khỏe, bổ sung 1 số loại thuốc như hạ sốt, nâng cao sức đề kháng, uống nhiều nước. Việc F0 được rút ngắn thời gian điều trị, về cách ly tại nhà sẽ có tâm lý thoải mái, nhanh khỏi bệnh.
Thứ trưởng Sơn cho biết, tất cả những F0 ra viện về điều trị tại nhà được cung cấp số điện thoại đường dây nóng liên lạc thường xuyên, có nhân viên y tế kiểm tra hàng ngày, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Bác sĩ chuyên khoa nhiễm Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - khuyến cáo: Khi F0 được xuất viện sớm, cách ly tại nhà thì phải tuyệt đối không được ra khỏi nhà cho tới khi ngành y tế cho phép. Mặc dù xét nghiệm nồng độ virus thấp, khả năng lây cho những người trong gia đình không cao, nhưng vẫn phải tuyệt đối giữ khoảng cách trên 2m khi tiếp xúc với người nhà, mang khẩu trang và tấm che giọt bắn trong lúc được tiếp tế.
F0 cần tự theo dõi nhiệt độ mỗi ngày. Nếu có lo lắng và bất thường thì liên lạc với nhân viên y tế, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, vận động tập thể dục điều độ, nhà vệ sinh phải luôn sạch sẽ, luôn mang khẩu trang khi đi vệ sinh, rửa tay sạch sau đi vệ sinh, phòng ở phải thông thoáng, thường xuyên làm vệ sinh bề mặt xung quanh nơi làm việc.
Trước đó, ngày 13/7, Sở Y tế TP.HCM có văn bản thí điểm cách ly, điều trị F0 với 2 nhóm đối tượng.
Thứ nhất là trường hợp không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Trường hợp xét nghiệm PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. Tiếp tục xét nghiệm PCR tại nhà vào ngày 14 và 21.
Thứ hai là F0 không triệu chứng, trường hợp này được thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.