Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, nguồn lương thực, thực phẩm ở TP.Cần Thơ không lo thiếu hụt trong thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 vào những ngày tới đây. Hiện nay, các siêu thị, cửa hàng tiện ích đã bổ sung hàng hóa rất nhiều.
Theo Sở Công Thương TP.Cần Thơ, hàng hóa phục vụ cho người dân tại các siêu thị rất nhiều. Hiện nay, phía Sở đang tiếp tục bám sát tình hình và tiếp nhận những thông tin để phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp trong sản xuất và lưu thông hàng hóa thiết yếu.
Do các chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ tự phát tạm đóng cửa để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 nên người dân đổ xô đi mua thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Biết được nhu cầu trên, các siêu thị, cửa hàng tiện ích đã tăng cường bổ sung hàng hoá.
Lãnh đạo một siêu thị trong trung tâm quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ cho biết, hiện nay, lượng rau củ, thịt heo, gia cầm, thủy hải sản rất nhiều. Do lượng khách mua nhiều nên siêu thị phải tăng cường nhân lực tối đa để phục vụ nhanh nhất có thể.
Sở Công Thương TP.Cần Thơ cũng phối hợp với các cơ quan liên quan đang triển khai các điểm bán hàng hóa bình ổn và đảm bảo phòng, chống dịch trên địa bàn. Hiện nay đã triển khai được 1 điểm tại Trung tâm Hội chợ triển lãm TP.Cần Thơ.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua nhu yếu phẩm, đồng thời dễ kiểm soát và hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết khi thực hiện Chỉ thị 16, một số địa phương trên địa bàn TP.Cần Thơ đã phát phiếu mua hàng cho người dân.
Phiếu mua hàng được ghi đầy đủ họ tên chủ hộ, địa chỉ, số điện thoại. Theo đó, mỗi hộ dân chỉ cử 1 người đại diện dùng phiếu này để mua hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn mà địa phương đó quản lý. Chủ hộ và người đại diện chịu trách nhiệm quản lý phiếu mua này trong suốt thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Phát phiếu mua hàng cho hộ dân
Hôm nay 18/7, ông Huỳnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang đã có kế hoạch triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Theo kế hoạch trên, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang yêu cầu các đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp tăng lượng dự trữ hàng hóa đảm bảo số lượng, chất lượng và giá cả ổn định, tổ chức cung ứng kịp thời cho các chợ (72 chợ lớn, nhỏ), trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng bán lẻ để phục vụ người dân.
Để hạn chế tập trung động người, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang đề nghị các địa phương, tùy theo phân cấp quản lý chỉ đạo hoạt động bán hàng tại các chợ theo hướng phát phiếu mua hàng theo ngày chẵn, lẻ và mỗi hộ được 5 phiếu mua hàng trong thời gian giãn cách. Bên cạnh đó chỉ đạo ban quản lý chợ hướng dẫn tiểu thương giãn cách điểm bán hàng (từ 1m đến 2 m), bán hàng gói sẵn trong bọc theo định lượng và đồng giá.
Đối với hàng hóa không thiết yếu, ông Phong đề xuất với UBND tỉnh cho tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại, siệu thị và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
Đối với các chợ đã bị phong toả, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức bán hàng bằng nhiều hình thức phù hợp như bán online, qua điện thoại…Mặt khác, chỉ đạo các địa phương bố trí những điểm bán hàng bình ổn tại trung tâm các xã, phường, thị trấn có chợ bị giãn cách hoặc phong toả.
Hôm nay 18/7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid 19 tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo nội dung triển khai, các cửa hàng tiện lợi, hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu, khan hàng, tăng giá.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid 19 tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương, lãnh đạo các sở ngành kêu gọi người dân không nên mua hàng với số lượng lớn, gây khan hiếm cục bộ, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Lưu Trung - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, để đảm bảo nhu cầu của người dân trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, Sở Công thương đã có bước chuẩn bị về nguồn cung đảm bảo yêu cầu của người dân.
"Tỉnh vẫn quyết tâm duy trì hoạt động các hệ thống siêu thị, các chợ truyền thống. Tuy nhiên việc tổ chức mua bán sẽ được sắp xếp lại cho phù hợp về quy định giãn cách xã hội. Đối với các siêu thị, chợ truyền thống nào không đảm bảo về an toàn phòng chống dịch thì bắt buộc phải dừng" - ông Trung nói.
Ông Trung nói thêm: "Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, nếu có những chợ truyền thống, chợ tự phát ở cấp xã đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì vẫn duy trì hoạt động để kênh phân phối phong phú, không để bà con phải lo lắng về nhu cầu nhu yếu phẩm".