Sáng 19/7, người dân thủ đô Hà Nội thực hiện theo Công điện số 15/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 do Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh ban hành một ngày trước đó.
Công điện nhấn mạnh yêu cầu tạm dừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu, người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; khuyến khích sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà…
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, sáng nay, chỉ còn lác đác người dân đi tập thể dục. Số lượng giảm hơn rất nhiều so với những ngày trước đó mặc dù Hà Nội đã có lệnh cấm tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời.
Khoảng 8h cùng ngày, tại nhiều tuyến đường như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Giải Phóng, Linh Đàm, Đại Cồ Việt…. lượng người đổ ra đường vẫn rất đông. Đơn cử như tuyến đường Giải Phóng nơi hằng ngày có lưu lượng tham gia giao thông đông đúc thì hôm nay vẫn đông không kém. Tương tự, trên đường Nguyễn Xiển dòng người nhích từng đoạn vì tắc đường.
Đáng chú ý, tại tuyến đường Nguyễn Trãi có lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông. Có lúc xảy ra tình trạng ùn tắc nhẹ. Chứng kiến hình ảnh này không ít người nghĩ Hà Nội như đang chưa hề có dịch bệnh.
"Trong công điện đã nêu rõ yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…Thế nhưng tôi thấy vẫn rất nhiều người đi ngoài đường, thậm chí đông không kém những ngày thường là bao", ông Lê Quốc Tuấn (53 tuổi, một người dân sống trên đường Nguyễn Trãi) cho hay.
Vì sao ngày đầu tiên thực hiện Công điện 15, đường Hà Nội đông nghẹt người?
Cũng như ông Tuấn, anh Hoàng Văn Hải (nhân viên công sở tại địa bàn quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Ban đầu tôi nghĩ hôm nay ra đường chắc đường phố sẽ rất vắng bóng người qua lại. Thế nhưng, sáng nay ra đường tôi thấy vẫn rất đông người. Có đoạn còn xảy ra tình trạng ùn tắc. Theo tôi, trong lúc cấp thiết phòng chống dịch bệnh này, mọi người cần hạn chế đi lại".
Bên cạnh đó, một số người trần tình về việc do Công điện được ban hành vào chiều tối ngày 18/7, chưa kịp sắp xếp công việc nên sáng nay lên công ty, cửa hàng... để giải quyết, dọn dẹp... Bên cạnh đó, các cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ... vẫn được hoạt động bình thường nên có thể lý giải được một phần vì sao lượng người vẫn đông đúc.
"Tối qua tôi mới đọc được thông tin nên sáng nay đã đến cửa hàng. Nếu không lên dọn vài bữa nữa khi được mở cửa trở lại, cửa hàng sẽ ẩm mốc, đồ đạc lộn xộn... Chắc cũng có nhiều trường hợp tương tự như tôi. Sau khi dọn dẹp xong, tôi sẽ chấp hành theo Công điện của thành phố", chị Nguyễn Mai Lan (một người buôn bán quần áo trên phố cổ Hà Nội) chia sẻ.
Như đã đưa tin, Công điện 15 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…
Thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone khi ra ngoài. Khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà.
Dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...)
Các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QRCode.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu/cụm công nghiệp phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, có các phương án đáp ứng khi có ca mắc tại cơ sở, thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hàng ngày, cập nhật đánh giá an toàn Covid-19; chịu trách nhiệm trước chính quyền cơ sở và Thành phố.
Đối với các cơ quan, công sở của Thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca; các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố bố trí không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức…