Dân Việt

Xôn xao chuyện nhiều tỉnh dự kiến trong diện sáp nhập: Bộ Nội vụ thông tin thế nào?

Quỳnh Nguyễn 19/07/2021 11:00 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, sáp nhập tỉnh là một vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, cần phải lấy ý kiến rộng rãi qua nhiều vòng.

Sáng nay (19/7), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì cung cấp thông tin cho báo chí về các nội dung phục vụ kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV; tổng kết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 – 2021.

Trước đó, Bộ Nội vụ vừa xây dựng dự thảo Báo cáo, Tờ trình và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để lấy ý kiến nhân dân. Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã và làm điểm một số ĐVHC cấp tỉnh trong giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, dư luận xôn xao bàn luận về việc một số tỉnh có thể sẽ thuộc diện sáp nhập nếu xét theo các tiêu chí được nêu trong dự thảo của Bộ Nội vụ.

Không chỉ dựa vào 2 tiêu chí

Tại cuộc họp báo sáng nay, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, Bộ Nội vụ đang tập trung nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 1211/2016 và tổng kết thực tiễn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cần phải lấy ý kiến rộng rãi qua nhiều vòng.

Đây là nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện nhằm tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi một số điều quy định về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.

Bộ Nội vụ chưa đề xuất lên Chính phủ sáp nhập bất cứ tỉnh nào - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Thăng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại buổi họp báo sáng 19/7. Ảnh: BNV

"Dự thảo sửa đổi, bổ sung này mới chỉ là bước đầu, ngoài 2 tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số còn một số vấn đề như vị trí địa chính trị, lịch sử, văn hóa, truyền thống và lối sống của cộng đồng dân cư, yếu tố về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quy hoạch vùng và quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế, lối sống cộng đồng dân cư...", Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Do vậy, ông Thăng cho biết, vấn đề này rất cần phải lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cũng như ý kiến của người dân để tổng hợp đầy đủ thông tin làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1211/2016 để sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trên cơ sở tiêu chuẩn của đơn vị hành chính được Ủy ban Thường vụ Quốc khóa XV thông qua, Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất đẩy mạnh việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022-2026 kết hợp với tiếp tục sắp xếp thôn, tổ dân phố theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, đây là một vấn đề quan trọng, động chạm rất nhiều, trong đó có vấn đề con người nên cần được nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở lý luận và thực tiễn.

"Bộ Nội vụ chưa đề xuất lên Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào", ông Nguyễn Duy Thăng khẳng định.

Cần thời gian xây dựng đề án

Tại cuộc họp báo, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, không phải nói sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh là làm ngay trong năm 2022 mà cần thời gian để xây dựng đề án.

Lộ trình cụ thể được chia thành nhiều giai đoạn. Đầu tiên, trong năm 2021, Bộ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc sửa đổi Nghị quyết trong tháng 8.

Sang tháng 9, căn cứ các tiêu chuẩn đơn vị hành chính mới, Bộ xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và xây dựng kế hoạch lập đề án sáp nhập một số tỉnh không đạt tiêu chuẩn diện tích, dân số. Dự kiến quý I/2022 ban hành kế hoạch; từ 2022 đến 2025, Bộ xây dựng đề án.

Ông Minh cho biết sau khi có đề án, Bộ sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền trước khi hoàn thiện, trình Quốc hội khoá XV thông qua.

Theo dự thảo được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến trước đó, 5 năm (2016-2021) thực hiện Nghị quyết số 1211, đặc biệt là sau hơn 2 năm (2019-2021) thực hiện Nghị quyết số 653/2019, theo đề nghị của các địa phương, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 85 Nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Kết quả đã khắc phục cơ bản tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính trong các nhiệm kỳ trước, bước đầu giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 đơn vị xuống còn 705 đơn vị), giảm 563 đơn vị hành chính cấp xã so với năm 2016 (từ 11.162 đơn vị xuống còn 10.599 đơn vị) phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa ở các địa phương.

Các đơn vị hành chính nông thôn có xu hướng giảm (giảm: 18 huyện, 707 xã, do nhập hoặc chuyển thành đơn vị hành chính đô thị), các đơn vị hành chính đô thị có xu hướng tăng nhanh (tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 6 thị trấn); đồng thời, đã triển khai được mô hình "thành phố trong thành phố" (thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM).

Đáng chú ý nhất là thông tin Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập các tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, khó khăn về quỹ đất, thu hút sự chú ý, quan tâm rất lớn của dư luận.

Cụ thể, các tỉnh miền núi, vùng cao điều kiện để không phải sáp nhập gồm: Có quy mô dân số từ 900 nghìn người và diện tích tự nhiên từ 8.000 km2 trở lên. Đối với những tỉnh không phải miền núi: Có quy mô dân số từ 1,4 triệu người và diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên.

Bộ Nội vụ khẳng định, các tỉnh làm điểm sẽ trình Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét từng trường hợp cụ thể.