Bệnh viện quy mô 1.000 giường hồi sức tích cực (ICU), trong đó 100 giường hồi sức nguy kịch, vừa được TP.HCM gấp rút thành lập từ Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 nhằm thực hiện chiến lược dồn lực hạn chế bệnh nhân tử vong. Hiện có hơn 530 y, bác sĩ đã đến làm việc, trong giai đoạn "thiết lập giường bệnh tới đâu, nhận người bệnh gần kín đến đó".
"Có những lúc bệnh nhân này ngưng thở, bệnh nhân kia cần đặt gấp nội khí quản, là tất cả chúng tôi lao vào cuộc", BS Trần Thanh Linh, Phó trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho biết.
BS Trần Thanh Linh liên tục di chuyển giữa các phòng bệnh, ra y lệnh. Có ca ông yêu cầu "dự trù sẵn máy thở bên cạnh, nếu tiến triển xấu đặt nội khí quản ngay", ca khác "cho ngưng thuốc an thần, giảm bớt giãn cơ, dùng nhiều dễ suy hô hấp"...
Ở ICU, mọi người không còn phân biệt nhiệm vụ nào là của ai, chỉ chung tay vào cố gắng tối đa để cứu người. Bác sĩ khi rảnh tay có thể làm việc của điều dưỡng, còn điều dưỡng choàng công việc của hộ lý.
BS Trần Thanh Linh cho biết: "Đến thời điểm này đã có 70 ca thở máy, một số ca chuẩn bị thở máy tiếp. Bệnh viện hiện có 80 máy thở, trong ngày hôm nay là sẽ sử dụng hết số máy này. 280 bệnh nhân thở oxy dòng cao, oxy mask… 3 máy ECMO mang từ Chợ Rẫy đến đều đã được sử dụng hết. Lãnh đạo bệnh viện đã họp và có chỉ đạo chuyển một số máy ECMO tại một số bệnh viện chưa sử dụng đến về đây".
Dự kiến trong tuần này sẽ mở rộng thêm các tầng để chuẩn bị 100 giường hồi sức tích cực và 450 giường hồi sức nặng.
BS Huỳnh Quang Đại, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: "Tôi xuống đây đã được 1 tuần, ăn nghỉ ngay tại bệnh viện vì khối lượng công việc rất lớn, áp lực không chỉ về chuyên môn mà cả về số lượng bệnh nhân rất đông. Ví dụ như vừa set up (bố trí-PV) xong một khoa nào đó thì ngay lập tức sau đó kín bệnh nhân liền, lại tiếp tục set up khoa mới. Nhân sự liên tục phải bổ sung, điều động, từ điều dưỡng đến hậu cần, phải chạy đua theo số lượng bệnh nhân vì tăng quá nhanh".
Đường dây nóng do BS Linh phụ trách mỗi ngày nhận hàng trăm cuộc gọi, điện thoại reo liên tục, chủ yếu từ các bệnh viện dã chiến để chuyển bệnh nhân nặng. "So với cường độ mà chúng tôi từng làm ở Quảng Nam – Đà Nẵng hay Bắc Giang trước đây, lần này dữ dội và dồn dập hơn rất nhiều. Đợt này bệnh nặng rất nhiều, chủng Delta khiến bệnh nhân diễn tiến suy hô hấp rất nhanh, ngay cả những người trẻ cũng diễn tiến rất nặng, có bệnh nhân mới 28 tuổi đã phải đặt ECMO", BS Đại chia sẻ.
Do thiếu bác sĩ hồi sức nên tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, nhóm điều trị sẽ bao gồm nhiều chuyên khoa, trong đó bác sĩ hồi sức làm trưởng tua, sau đó là các bác sĩ liên quan đến hồi sức như cấp cứu, gây mê hoặc từng được đào tạo qua hồi sức; sau cùng là các anh em chuyên khoa nội, ngoại dù chưa từng làm hồi sức nhưng cũng phải tham gia luôn để hỗ trợ lẫn nhau.
Các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại đây đều dốc sức bất kể ngày đêm, một ngày làm việc thường từ sáng sớm đến 22-23h, có nhóm đi đặt ECMO tại bệnh viện ngoài đến 4-5h sáng mới về. BS Đại cho biết, hiện tại các điều dưỡng làm việc 3 ca 4 kíp, bác sĩ cũng làm 3 ca 4 kíp hoặc 2 ca 5 kíp tùy cường độ công việc mỗi khoa.
"Tinh thần của mọi người ai cũng rất quyết tâm, nỗ lực hết sức mình dù nhiều khi ra khỏi ca, anh em gần như kiệt sức, vô cùng mệt, nhưng nghỉ ngơi xong hôm sau lại lao vào công việc tiếp", BS Đại cho biết.
Trao đổi về tình hình bệnh viện, BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19 cho biết, dự kiến trong tuần này sẽ mở rộng các tầng để tăng lên 460 giường, tuần tiếp theo sẽ mở rộng lên 700 giường và cuối tháng này lên 1.000 giường.
Khi bệnh viện hoạt động hết công suất cần tổng cộng 340 bác sĩ và 1.200 điều dưỡng, được huy động từ các bệnh viện chính là Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Ung bướu TP HCM và nhân sự từ các địa phương theo sự điều động của Bộ Y tế.
Ngoài việc cấp cứu và điều trị tại chỗ, Bệnh viện Chợ Rẫy còn điều động 4 bác sĩ hồi sức trực thường xuyên tại các Bệnh viện Covid-19 cấp 3 (gồm các bệnh viện Trưng Vương, Phạm Ngọc Thạch, đa khoa khu vực Thủ Đức, An Bình). "Chúng ta cứ ngồi đợi bệnh nhân nặng chuyển đến là hoàn toàn bị động. Vì thế, 4 bác sĩ trực hồi sức tại các bệnh viện này có nhiệm vụ theo dõi sát tình trạng bệnh nhân, chỉ cần có dấu hiệu chuyển nặng là chuyển bệnh ngay, như vậy vừa an toàn cho bệnh nhân khi vận chuyển, vừa không tốn quá nhiều nhân lực và thiết bị máy móc cho người bệnh", BS Thức cho biết.
Bên trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19