Đối với người nghệ sĩ, danh hiệu được xem như một sự tôn vinh, ghi nhận chính thức cho những đóng góp của họ đối với nghệ thuật. Tuy nhiên, có những nghệ sĩ cả một đời gắn bó với nghệ thuật, say mê và thầm lặng cống hiến nhưng đến lúc về già vẫn không hề có bất kỳ một danh hiệu nào. Nghệ sỹ Kim Xuyến – một cái tên mà mỗi khi nhắc đến, ai cũng biết bà là ai, là một trong những nghệ sĩ như thế.
Nghệ sỹ Kim Xuyến bước vào nghề diễn năm 1962, khi mới 17 tuổi với vai trò là diễn viên kịch nói. Những năm tháng thanh xuân sung sức nhất, bà cống hiến trọn cho sân khấu Kịch Hà Nội. Cho đến nay, dù đã 77 tuổi nhưng bà vẫn trọn vẹn tình yêu với nghề diễn, vẫn tham gia đều đặn các dự án phim.
Chia sẻ với Dân Việt, nữ nghệ sĩ bùi ngùi: "Chúng tôi thuộc thế hệ diễn viên đầu gắn bó với Đoàn kịch Hà Nội, nay là Nhà hát Kịch Hà Nội. Thời của chúng tôi là thời chiến tranh, chỉ đi biểu diễn phục vụ thôi, kể cả một đồng lương cũng không có, diễn cho nhân dân toàn được trả bằng lạc, bằng bún, khoai lang... Thời đó, chẳng ai nghĩ gì đến việc phấn đấu để có danh hiệu mà chỉ phấn đấu để được ra chiến trường phục vụ cán bộ, chiến sỹ. Mà hồi đó cũng làm gì có các hội diễn hoặc liên hoan sân khấu mà "gặt" huy chương, nếu có chắc chúng tôi cũng đã có mấy cái huy chương trong tay.
Bước vào thời bình, lứa chúng tôi đã lớn tuổi nên chỉ làm nghề với cái tâm thôi chứ cũng không có ham hố gì việc huy chương nữa. Chúng tôi mê nghề và cứ nghĩ "hữu xạ tự nhiên hương". Đó lí do vì sao chúng tôi không có huy chương nhưng vẫn không bỏ nghề, không than vãn… luôn lạc quan với nghề". Sự ghi nhận lớn nhất thời đó là xếp loại nghệ sĩ xuất sắc, 5 năm 1 lần.
Vậy mà, đến bây giờ, thế hệ nghệ sĩ chúng tôi, có những người vẫn mới chỉ dừng ở danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú như chị Lê Mai, Thanh Tú… Có những người không có danh hiệu gì như tôi. Bản thân tôi có cả Huy chương kháng chiến chống Mỹ, Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá.. và làm nghề bền bỉ trong hơn 60 năm qua. Tôi không hiểu sao người ta không xét tặng danh hiệu cho tôi dù tôi đã nhiều lần làm hồ sơ".
Nghệ sĩ Kim Xuyến kể thêm rằng, bà cảm thấy rất chạnh lòng mỗi khi ai đó hỏi chuyện danh hiệu. Vì thế hệ con cháu, đóng góp cho nghệ thuật nhiều khi không bằng mình nhưng đều đã được phong tặng, còn bản thân mình thì vẫn "long đong". Nhiều năm làm hồ sơ xong lòng tràn đầy hy vọng nhưng khi kết quả cuối cùng không được như ý muốn, bà lại ngậm ngùi nuốt chua xót vào trong.
"Nhiều khi tôi tự động viên mình rằng, bây giờ đã ở vào tuổi "gần đất xa trời", chẳng biết sống được bao lâu nữa… thôi thì có danh hiệu cũng vui mà không có danh hiệu cũng phải sống hết mình với nghệ thuật. Tuy nhiên, mỗi khi đi ra ngoài, gặp lại đồng nghiệp cũ, nhắc đến câu chuyện danh hiệu là tối về lòng không yên, ngủ không được. Đợt vừa rồi, bên Nhà hát Kịch Hà Nội có bảo tôi làm lại hồ sơ để xin xét tặng danh hiệu cho tôi vì quá thiệt thòi. Tôi làm rồi nhưng không biết có được không", nghệ sĩ Kim Xuyến bày tỏ.
Ngoài nghệ sĩ Kim Xuyến, trường hợp của ca sĩ Cẩm Vân và Ánh Tuyết cũng là một điều đáng tiếc. Nghệ sĩ Cẩm Vân được xem là "cánh chim đầu đàn" của thế hệ ca sĩ trẻ sau năm 1975. Nhắc đến Cẩm Vân, người nghe nhạc sẽ nhớ ngay đến những ca khúc gắn liền với chị như: "Bài ca không quên", "Huyền thoại mẹ", "Ngôi sao cô đơn"... Chị cũng là nữ ca sĩ sở hữu nhiều huy chương vàng, huy chương bạc và giải thưởng nhất trong các kỳ liên hoan, hội diễn, cuộc thi âm nhạc trong và ngoài nước. Tính đến nay, Cẩm Vân đã gắn bó với nghệ thuật hơn 40 năm và có sức ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ ca sĩ trẻ.
Nhiều người trong giới cho rằng, Cẩm Vân xứng đáng được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân từ lâu lắm rồi. Chia sẻ về điều này, Cẩm Vân nói, chị đến với nghề bằng mối nhân duyên "thiên định". Bởi lẽ đó, chị chưa bao giờ mong cầu mình phải đạt được danh hiệu này, danh hiệu kia. Với chị, chỉ cần được sống trong lòng khán giả, sống trong lòng nhân dân là đủ.
Tương tự, ca sĩ Ánh Tuyết bắt đầu ca hát chuyên nghiệp trong đoàn âm nhạc từ năm 1978. Tên tuổi của chị gắn liền với hàng loạt ca khúc tiền chiến và ca khúc của Văn Cao. Chị cũng sở hữu hàng loạt huy chương vàng, huy chương bạc và giải thưởng tại nhiều cuộc thi âm nhạc.
Nói về việc có nhiều cống hiến cho nghệ thuật nhưng bao nhiêu năm vẫn không được phong tặng danh hiệu, ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ với Dân Việt: "Đã dùng từ "trao tặng" thì cứ thấy ai xứng thì trao, sao lại bắt nghệ sĩ phải làm đơn xin xét tặng danh hiệu. Tôi đã đoạt huy chương vàng năm 1983, huy chương vàng hội diễn năm 1985, huy chương bạc năm 1986… tất cả những giải thưởng đó đều do Bộ VHTT&DL trao cho tôi.
Vậy bây giờ muốn xét thành tích của cá nhân tôi thì chỉ cần trích lục cái đó ra là có ngay. Thêm nữa, tôi là ca sĩ có hơn 40 năm gắn bó với âm nhạc, giới trong nghề lẫn khán giả, ai cũng biết tôi là người như thế nào, có những cống hiến gì, tài năng ra sao, lối sống thế nào. Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi phải viết đơn xin xét tặng danh hiệu".
Ca sĩ Ánh Tuyết cũng cho biết, cách đây nhiều năm, từng có một vị lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM động viên lẫn thuyết phục chị làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nhưng chị không làm. Vị này thậm chí còn chủ động làm đơn rồi mời chị đến ký nhưng chị cũng không đến. Nhất là khi chị xứng đáng được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân nhưng vẫn bảo chị xin xét tặng Nghệ sĩ Ưu tú.
"Nghệ sĩ mà, người ta vừa nghệ, vừa sĩ (sĩ diện) vì thế lòng tự trọng của họ rất cao. Những ai đã thành danh, đã khắc sâu trong lòng công chúng là họ đã chứng tỏ được tài năng của họ. Và một quá trình cống hiến bền bỉ và đi trọn cùng đam mê cũng không phải ngày một, ngày hai mà không nhìn thấy.
Bây giờ bảo chúng tôi phải làm đơn xin, rồi về gặp các vị cựu lãnh đạo để xin xác nhận nhưng bản thân tôi từng công tác ở nhiều đoàn (đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng, đoàn Hải Đăng), bây giờ biết các vị ấy ở đâu mà tìm đến nhờ xác nhận", ca sĩ Ánh Tuyết trải lòng thêm.
Nghệ sĩ Hồng Ánh cho rằng, nên xét tặng danh hiệu khi người nghệ sĩ đã có những thành công nhất định, được đông đảo mọi người thừa nhận và còn đang hoạt động nghệ thuật sung sức. Mặt khác, nếu Nhà nước thấy người nghệ sĩ đó xứng đáng được phong tặng danh hiệu thì nên chủ động phong tặng, bởi có nhiều nghệ sĩ không quen, cũng không muốn việc tự kê khai thành tích của mình, tự viết đơn xin phong tặng... Làm được như vậy, với nghệ sĩ, sự phong tặng còn giá trị hơn rất nhiều.
Bài 3: Vì sao "Ngọc Hoàng" Quốc Khánh không chịu làm đơn xin xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân?