Dân Việt

Chứng khoán như "cục than hồng" từ tay người này sang tay người khác

Quốc Hải 22/07/2021 09:10 GMT+7
Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Tọa đàm trực tuyến công bố "Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2021" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức, diễn ra vào chiều 21/7.
Chuyên giả cảnh báo thị trường chứng khoán đang bộc lộ rõ nguy hại đầu cơ và thao túng giá - Ảnh 1.

Chứng khoán tăng trưởng nóng - PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo khẳng định. (Ảnh: Internet)

Chứng khoán như "cục than hồng" từ tay người này chuyển sang tay người khác

Minh chứng về nhận định này, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo dẫn chứng, sau khi VN-Index lập đỉnh mới (1.420,27 điểm vào ngày 2/7), thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc, đến nay đã giảm hơn 149 điểm.

"Chứng khoán tăng, giảm không có lý do rõ rệt. Bởi nếu vịn cớ chứng khoán giảm mạnh những ngày qua là do dịch Covid-19 tác động, vậy tại sao từ giữa năm 2020 khi nền kinh tế đối diện với dịch bệnh gia tăng mạnh, thì chứng khoán vẫn tăng, thậm chí còn tăng mạnh", ông Bảo nói.

Chuyên gia kinh tế - tài chính này chia sẻ, lượng vốn khổng lồ kích thích kinh tế được bơm ra trong suốt năm 2020. Vậy dòng tiền đổ vào đâu khi nền kinh tế đang ốm yếu, không thể nào hấp thụ được lượng vốn khổng lồ, chắc chắn sẽ chảy vào chứng khoán và bất động sản.

Bởi, hằng năm GPD tăng trưởng bình quân 6%, tăng trưởng tín dụng đạt 12%. Có thể nói 1% tăng trưởng GDP được tài trợ bằng 2% tăng trưởng tín dụng. Nhưng trong năm 2020, tăng trưởng GDP gần 3%, tín dụng cũng chỉ tăng 12%. Có nghĩa tiền vẫn được bơm ra, nhưng mức tăng trưởng kinh tế được tạo ra thấp hơn hẳn.

"Sự tăng trưởng mạnh của chứng khoán liệu có bổ sung vốn cho doanh nghiệp, hay chỉ mua đi bán lại, khiến chứng khoán như một cục than hồng truyền từ người trước sang người sau", ông Bảo đặt vấn đề.

Thị trường chứng khoán đang bộc lộ rõ nguy hại đầu cơ và thao túng giá - Ảnh 2.

Các DN xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều áp lực về chi phí vận chuyển trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời gian qua là… "có vấn đề".

"Trong nửa đầu năm nay, chỉ số chứng khoán của Việt Nam đã tăng 28%. Trong khi nhiều quốc gia khác có mức tăng 10-14%, mặc dù mức độ hồi phục kinh tế của các nước này tốt hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, việc ngân sách vẫn thu tốt trong bối cảnh dịch bệnh là có vấn đề, không bền vững, vì chủ yếu từ các giao dịch chứng khoán và bất động sản", ông Lực nói.

Dẫn chứng việc này,  ông Lực cho biết, trong nửa đầu năm 2021, thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kì. Thu từ kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kì, tương ứng tăng 2.600 tỷ đồng.

Dự báo tăng trưởng kinh tế tiếp tục bị hạ xuống, chỉ 4,5% - 5,1%

Ngoài sự bất thường về tăng trưởng thị trường chứng khoán, các chuyên gia kinh tế cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 dự kiến chỉ đạt khoảng 4,5% – 5,1%, thấp hơn 1,2 – 1,5 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó.

Trước dự báo này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính đề xuất thành lập Tổ hợp tín dụng 300.000 tỷ đồng cứu các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đây cũng là đề xuất mà chuyên gia này đã đưa ra từ năm 2020, khi lần đầu tiên dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng đến kinh tế  Việt Nam.

Cụ thể, theo ông Hiếu, đây là tổ hợp cho vay của các ngân hàng mà trước đây đã được Mỹ, Đức và một số nước áp dụng rất hiệu quả. Theo đó, các ngân hàng cùng nhau hùn vốn tài trợ cho một dự án lớn hay nhiều dự án có tính rủi ro.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong quý 2/2021 ở mức 6,61% so với cùng kì năm trước. Lạm phát bình quân quý II/2021 tăng 2,67% so với cùng kỳ, trong nửa đầu năm tăng 1,47% - thấp nhất kể từ 2016, do có nhiều sức ép do chi phí sản xuất tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng do các biện pháp phòng dịch…

"Tôi đề nghị Việt Nam cần có một tổ hợp này, tất cả các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam phải tham gia. Tỷ lệ tham gia là khoảng 3% dư nợ của mỗi ngân hàng nên tính ra đâu đó 300 nghìn tỷ đồng. Thời gian cho vay trong vòng 5 năm, trong đó 2 năm đầu vay tuần hoàn, 3 năm sau vay cố định và trả dần", ông Hiếu nói.

Về đối tượng vay, ông Hiếu đề xuất là các hộ kinh doanh trên toàn quốc, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn tuỳ theo tiêu chí xét duyệt cụ thể. Ngân hàng Nhà nước có thể là cơ quan chủ trì xây dựng tổ hợp tín dụng này trên cơ sở làm việc với các ngân hàng thương mạ.

"Điều kiện vay phải là tín chấp bởi không thể đòi các doanh nghiệp hiện nay phải thế chấp nhà đất, ô tô, trang thiết máy móc bị được vì thời điểm này họ không còn tài sản. Lãi suất cho vay chỉ 3%-5%", ông Hiếu giải thích.

Thị trường chứng khoán đang bộc lộ rõ nguy hại đầu cơ và thao túng giá - Ảnh 5.

Nhiều DN phía Nam phải ngừng sản xuất khi chính quyền buộc phải áp dụng Chỉ thị 16 để khống chế dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: Q.H)

Nguồn tiền để thành lập tổ tín dụng này các ngân hàng có thể lấy tiền từ nguồn huy động lõi, tức là từ các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn, các tài khoản vãng lai, tiền tiết kiệm không kỳ hạn… mà các ngân hàng không trả lãi hoặc phải trả lãi rất thấp.

Để đảm bảo cho các khoản vay, ông Hiếu cho rằng, do việc cho vay tín chấp có rủi ro cao cho ngân hàng nên để an toàn thì tổ hợp tín dụng này phải liên kết với quỹ bảo lãnh tín dụng tầm quốc gia. Quỹ bảo lãnh ở đây phải là quỹ bảo lãnh có vốn phải lên tới 30 nghìn tỷ đồng và phải lấy từ ngân sách nhà nước; Đồng thời cho phép quỹ bảo lãnh 10 lần trên số vốn tự có (là 300 nghìn tỷ đồng).

"Kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn, chỉ có giải pháp này họa may mới giúp được các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay", ông Hiếu đúc kết.

3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021

Kịch bản cơ sở (GDP 4,5-5,1%): Dịch bệnh trong nước được kiểm soát vào cuối quý 3/2021, tiêm chủng đẩy nhanh, hoạt động kinh tế gần như bình thường và trở lại vào đầu quý 4.

Kịch bản xấu (GDP 3,5-4%): Các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt kéo dài đến quý 4, hoạt động kinh tế ngưng trệ.

Kịch bản tốt (GDP 5,4-6,1%): Các biện pháp giãn cách được gỡ bỏ và hoạt động kinh tế trở lại bình thường ngay tháng 8.

PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân)