Dân Việt

Để con nhỏ, mẹ già ở nhà, những nữ đoàn viên ra tuyến đầu chống dịch

Đức An 23/07/2021 06:09 GMT+7
Trực chốt suốt ngày đêm ở khu vực có ca dương tính, những nữ đoàn viên vừa sợ lây bệnh, vừa lo cho con nhỏ, mẹ già ở nhà không người chăm sóc.

Mẹ già yếu tự lo cơm, động viên con chống dịch

Đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh mẽ, tỉnh Ninh Thuận buộc phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước từ 0h ngày 17/7. Đây cũng là 2 địa phương có nhiều ổ dịch phải phong tỏa.

Để đảm bảo công tác kiểm soát y tế các tuyến cửa ngõ vào tỉnh Ninh Thuận và các tuyến đường chính liên xã, liên huyện, Ninh Thuận đã huy động mọi lực lượng quân sự, công an, chính quyền và đoàn thể tham gia trực chốt.

Rất nhiều thành viên các đoàn thể đã tình nguyện tham gia vào lực lượng trực chốt với mong muốn chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, mang lại cuộc sống bình thường cho quê hương mình.

Gần một tuần nay, chị Nguyễn Thị Thúy, Bí thư chi đoàn khu phố 8 (phường Phước Mỹ, TP Phan Rang - Tháp Chàm) đã túc trực ở điểm chốt khu vực phong tỏa do có ca dương tính ở phường.

Chốt này chia làm 4 ca trực, từ 6h-12h; 12h-18h; 18h-24h và 0h-6h. Mấy ngày này, Thúy luôn tham gia 2 ca từ 12h cho đến 24h vì lực lượng địa phương khá mỏng.

Để con nhỏ, mẹ già ở nhà, những nữ đoàn viên ra tuyến đầu chống dịch - Ảnh 1.

Nhà nghèo, một mình Thúy vất vả làm lụng nuôi mẹ già yếu nhưng vẫn rất nhiệt tình với công tác cộng đồng.

Để con nhỏ, mẹ già ở nhà, những nữ đoàn viên ra tuyến đầu chống dịch - Ảnh 2.

Sau giờ trực chốt, Thúy lại đi phát phiếu đi chợ cho từng nhà.

Chị Thúy chia sẻ: "Mình ở cùng với mẹ, năm nay đã 64 tuổi. Bình thường mình lo cơm nước nhưng nay trực suốt nên khó chăm cho mẹ. Biết vậy nên mẹ bảo mẹ tự lo được, còn động viên mình yên tâm trực ở chốt".

"Trực suốt 12 tiếng mệt lắm. Vì ngồi lâu nên rất mỏi lưng. Mình về nhà lúc hơn 24 đêm, có hôm đặt lưng xuống là ngủ mê, đến 9h sáng mới dậy nổi mà người vẫn còn ê ẩm", nữ Bí thư chi đoàn cho biết.

Sau khi hoàn tất 2 ca trực, được ngủ vài tiếng thì Thúy phải dậy để đi phát phiếu đi chợ cho các hộ dân trong khu phố. Nhiều lúc quá mệt, muốn ngủ ráng thêm một chút cũng không được, vì Thúy lo lỡ phát phiếu trễ sẽ ảnh hưởng đến bữa cơm của bà con.

Để con nhỏ, mẹ già ở nhà, những nữ đoàn viên ra tuyến đầu chống dịch - Ảnh 3.

Mỗi ngày, Thúy trực 12 tiếng đồng hồ ở chốt phong tỏa khu có ca dương tính.

Để con nhỏ, mẹ già ở nhà, những nữ đoàn viên ra tuyến đầu chống dịch - Ảnh 4.

Hết giờ trực lại ra phường hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm mà các nơi chuyển về giúp đỡ bà con khu phong tỏa.

Cô gái trẻ tâm sự: "Mệt nhưng mình thấy vui vì góp được chút công sức cho quê hương, nên mình cố gắng trực chốt và hoàn thành các công việc khác. Chỉ mong bà con mình ấm no, hết dịch bệnh là được".

"Trực ngay điểm chốt phong tỏa nơi có ca dương tính nên mình cũng sợ lây nhiễm Covid-19 chớ. Nhưng ai cũng sợ thì còn ai đâu mà làm. Mùa Covid mà, phải chung tay vì cộng đồng thôi!".

Bé 8 tuổi trông em để mẹ ra tham gia phòng chống dịch

Ở phường Thanh Sơn, Bí thư Đoàn phường Nguyễn Trần Tường Vân cũng tình nguyện đăng ký đi trực chốt kiểm tra y tế phòng chống dịch.

Ngoài công việc chuyên môn hàng ngày ở UBND phường, Tường Vân ra trực chốt ở chợ Thanh Sơn, thực hiện tuyên truyền phòng chống Covid-19 cho bà con tiểu thương ở đây, sau đó làm phiếu đi chợ để phát cho bà con trong phường.

Để con nhỏ, mẹ già ở nhà, những nữ đoàn viên ra tuyến đầu chống dịch - Ảnh 5.

Ở phường, Vân lo vận động, tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ, phân loại rồi gửi giúp đỡ cho bà con khó khăn.

Để con nhỏ, mẹ già ở nhà, những nữ đoàn viên ra tuyến đầu chống dịch - Ảnh 6.

Đến ca lại ra chợ chốt trực, kiểm tra y tế.

Chồng của chị Vân là bộ đội đang công tác tại một đơn vị quân sự tại địa phương. 2 tháng nay, anh phải ở luôn trong doanh trại, không được về nhà. Gia đình chị Vân có hai con nhỏ mới 4 tuổi và 8 tuổi mà lại ít bà con thân thuộc nên rất khó khăn.

Chị Vân tâm sự: "Trước khi tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 thì em còn gởi con ở nhà dì hay hàng xóm để đi làm. Bây giờ dịch bệnh lây lan phức tạp đành để hai con ở nhà tự chơi với nhau. Đứa lớn trông đứa nhỏ".

"Buổi sáng em nấu cơm để sẵn rồi khóa cửa đi làm. Khi hai bé dậy thì bé chị lấy đồ ăn sáng cho bé em ăn. Hai chị em tự chơi với nhau. Buổi trưa em tranh thủ về nấu ăn rồi lại đi đến tối", Tường Vân cho biết thêm.

"Lúc đi làm thì lòng luôn lo lắng. Cứ khoảng một tiếng đồng hồ là em gọi về hỏi thăm bé lớn một lần. Thỉnh thoảng lại mở camera trên điện thoại để xem tình hình các con ở nhà như thế nào. Mà mỗi lần về đến nhà thấy 2 đứa nhỏ loay hoay chơi với nhau lại xót xa…", Bí thư Đoàn phường Thanh Sơn nghẹn ngào chia sẻ.

Để con nhỏ, mẹ già ở nhà, những nữ đoàn viên ra tuyến đầu chống dịch - Ảnh 7.

Nắng bể đầu, những nữ đoàn viên vẫn ra các chốt trên đường để kiểm soát y tế.

Để con nhỏ, mẹ già ở nhà, những nữ đoàn viên ra tuyến đầu chống dịch - Ảnh 8.

Những lúc tranh thủ về sớm, Vân mới có được bữa cơm tối muộn cùng hai con.

Trực ở chốt tạm bợ, lúc nắng như đổ lửa, khi mưa gió quật ngã chốt thì lạnh lẽo thấu xương, làm việc ở xa mà lúc nào cũng lo lắng cho con ở nhà... Nhưng những cái khổ ấy không đáng sợ bằng nỗi lo lây lan dịch bệnh.

Trong sâu thẳm lòng mình, Vân cũng đau đáu nỗi lo mình mắc Covid-19 khi phải liên tục đến các điểm nóng mà còn lo lắng có thể lây bệnh cho mọi người xung quanh, nhất là cho 2 đứa con nhỏ ở nhà… Thế nhưng, với mong muốn được góp chút công sức của mình để cùng mọi người dẹp tan dịch bệnh đã lớn hơn, "đè bẹp" những nỗi lo của Vân.

Bà mẹ trẻ Tường Vân chia sẻ: "Có lúc cũng nghĩ dù mình đã thực hiện 5K cẩn thận, nhưng không biết liệu mình có không may bị lây lan rồi về lây cho con hay không. Nghĩ đến cũng lo, cũng sợ. Nhưng em tâm niệm, muốn quê hương vượt qua đại dịch thì bản thân mỗi người phải làm thật tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp hết sức cho công tác chống dịch!", nữ Bí thư Đoàn phương tâm sự.