Dân Việt

Chân tướng ít người biết đằng sau vụ án "Dùng ly miêu đánh tráo thái tử"

Khánh An 25/07/2021 06:30 GMT+7
Nhờ Bao Thanh Thiên, vua Tống tìm được mẹ đẻ của mình. Nhưng đó là chuyện trên phim. Còn thực tế, vua Tống biết ai là mẹ của mình theo cách hoàn toàn khác.
Chân tướng ít người biết đằng sau vụ án "Dùng ly miêu đánh tráo thái tử" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc, Lý Thần phi được biết đến là một nhân vật quan trọng trong điển tích "Ly miêu hoán thái tử". Đây là một đoạn chương hồi trong Thất hiệp ngũ nghĩa của tác giả đời Thanh tên Thạch Ngọc Côn, sáng tác về Bao Chửng – Bao Thanh Thiên.

Theo câu chuyện này thì vào thời nhà Tống, cụ thể là thời vua Tống Chân Tông, Lý Thần phi và Lưu Hoàng hậu cùng lúc có thai.

Khi cả hai hạ sinh, Lưu Hoàng hậu sinh ra một Công chúa mà chết yểu, còn Lý Thần phi sinh ra được một Hoàng tử. Lưu Hoàng hậu sợ hãi, bèn cùng hoạn quan tráo con của Lý Thần phi bằng một con ly miêu, vu khống Lý Thần phi sinh hạ quái thai yêu nghiệt.

Sau đó Lý Thần phi bị đuổi ra khỏi cung, lưu lạc dân gian, con trai bà trong cung đã được phong làm Thái tử kế vị, tức Tống Nhân Tông. Lưu lạc nhiều năm, thân thể tàn úa, đến gần cuối đời Lý Thần phi gặp được Bao Công, bèn xin vị quan trứ danh này trợ giúp tìm được công lý.

Dưới sự tài tình và thẳng thắn của mình, Bao Công minh oan cho Lý thị, được đón vào cung tôn làm Hoàng thái hậu, còn Lưu thái hậu vì sợ bị trừng phạt nên đã tự sát.

So với thực tế, tiểu thuyết đã hư cấu rất nhiều nhằm tăng thêm giai thoại và hành vi anh minh của Bao Công. Vậy chân tướng thực sự của vụ việc này là thế nào?

Thân phận của Tống Nhân Tông

Tống Nhân Tông - Triệu Trinh (1022-1063), là người con trai thứ 6 của Hoàng đế Tống Chân Tông, nhưng mẹ đẻ của Tống Nhân Tông lại không phải Lưu Hoàng hậu của Tống Chân Tông mà là một thị nữ họ Lý bên cạnh Lưu Hoàng hậu.

Chân tướng ít người biết đằng sau vụ án "Dùng ly miêu đánh tráo thái tử" - Ảnh 2.

Thị nữ họ Lý này sau khi được Tống Chân Tông thị tẩm đã mang thai, sinh ra Triệu Trinh. Ngay khi Triệu Trinh vừa chào đời, Lưu Hoàng hậu đã nhận Triệu Trinh làm con trai mình, đồng thời, lệnh cho Dương Thục phi – một phi tần thân thiết với mình chăm sóc, nuôi dưỡng Triệu Trinh.

Chính vì thế, mà thân phận của Triệu Trinh đã thay đổi, trở thành con trai trưởng của Lưu Hoàng hậu. Còn mẹ ruột của Triệu Trinh – tức thị nữ họ Lý kia tuy sau này được phong làm Chiêu Nghi nhưng không hề được tham dự vào chuyện nuôi dưỡng Triệu Trinh.

Lý Chiêu Nghi thân là thị nữ, thấy con trai mình được Hoàng hậu nuôi dưỡng, bản thân bà biết rằng việc này là sắp xếp tốt nhất cho tương lai con trai mình, hơn nữa bản thân nàng cũng chẳng có khả năng chống đối lại với Hoàng hậu, cho nên rất an phận thủ thường, cũng chưa từng nhắc đến chuyện bản thân là mẹ ruột của Triệu Trinh.

Mặc dù người trong cung cùng các quan đại thần trên triều đều biết sự thật này nhưng chẳng ai dám nói sự thật cho Triệu Trinh biết, cho nên Triệu Trinh chỉ nghĩ bản thân chính là con trai ruột của Lưu Hoàng hậu.

Sau khi Tống Chân Tông băng hà, nhờ thân phận con trai trưởng của Lưu Hoàng hậu, Triệu Trinh được thừa kế ngôi báu, lên ngôi hiệu là Tống Nhân Tông. Lưu Hoàng hậu trở thành Hoàng Thái hậu.

Bởi vì khi lên ngôi, Triệu Trinh vẫn còn nhỏ tuổi nên Hoàng Thái hậu được buông rèm chấp chính.

Hoàng Thái hậu luôn coi bản thân là mẹ ruột của Triệu Trinh cho nên bà không cho phép bất cứ ai xung quanh nhắc về chuyện mẹ ruột thật sự của Triệu Trinh, cũng chính bởi thế nên Triệu Trinh hoàn toàn không biết mẹ đẻ thật sự của mình lại là một người phụ nữ khác.

Chân tướng ít người biết đằng sau vụ án "Dùng ly miêu đánh tráo thái tử" - Ảnh 3.

Tranh vẽ minh họa cho điển tích "Dùng ly miêu đánh tráo thái tử".

Mẹ ruột của Hoàng đế qua đời, được tổ chức long trọng như nghi lễ dành cho Hoàng hậu

Tống Nhân Tông năm Minh Đạo thứ 2, Lý Chiêu Nghi bệnh nặng, Hoàng Thái hậu sắc phong bà thành Lý Thần phi. Chẳng bao lâu sau, Lý Thần phi qua đời, hưởng thọ 46 tuổi.

Đến tận khi chết, Lý Thần phi vẫn không thể công khai thân phận mẹ ruột của Tống Nhân Tông của mình. Khi ấy Tống Nhân Tông đã 23 tuổi nhưng vẫn chưa hề hay biết về sự thật này.

Sau khi Lý Thần phi qua đời, Hoàng Thái hậu muốn an táng bà theo nghi lễ của cung nữ bình thường trong cung.

Trước khi tổ chức tang lễ, trong một lần Tể tướng Lã Di Giản bẩm tấu với Hoàng Thái hậu và Hoàng thượng, ông đã hỏi Hoàng Thái hậu rằng: "Thần nghe nói, trong cung có một vị phi tử vừa mới qua đời."

Hoàng Thái hậu nghe thế thì bực bội đáp: "Lẽ nào Tể tướng còn muốn quản cả chuyện hậu cung của ta sao?"

Sau đó, bà yêu cầu bãi triều. Một lát sau, Hoàng Thái hậu một mình bước ra, cho triệu kiến Lã Di Giản, nói: "Tể tướng Đại nhân định ly gián tình cảm mẹ con ta sao?" Lã Di Giản ung dung đáp: "Thái hậu nếu không lo đến an nguy của Lưu gia (tức dòng họ của Hoàng Thái hậu) thì thần sẽ không nói nữa; còn nếu Thái hậu lo cho an nguy của Lưu gia, thì tang lễ của Lý Thần phi thần thấy nên tổ chức trang trọng hơn."

Hoàng Thái hậu nghe xong liền hiểu ra, sau này hẳn sẽ có ngày Tống Nhân Tông biết được sự thật mẹ ruột mình là ai, nếu bây giờ không an táng trang trọng cho Lý Thần phi, sau này có lẽ Hoàng đế sẽ trút giận lên người nàng cùng Lưu gia.

Lưu Thái hậu liền nói: "Thân phận của cô ta chỉ là Thần phi, nay nên làm gì?"

Lã Di Giản đề xuất rằng, tang lễ của Lý Thục phi nên tổ chức theo lễ nghi hàng nhất phẩm, tổ chức trong điện Hoàng Nghi, an táng tại Hồng Phúc viện. Lã Di Giản còn đặc biệt dặn dò Tổng quản Nội vụ Hoàng cung La Sùng Huân rằng: "Phục sức của Thần phi phải dùng phục sức như Hoàng hậu, bên trong quan tài phải lấp đầy bằng thủy ngân."

Bởi vì Hoàng Thái hậu đã tính toán trước chuyện này, cho nên La Sùng Huân đều nghe theo dặn dò của Lã Di Giản mà làm. Sau đó, Hoàng Thái hậu còn hạ chiếu chỉ, phá vỡ bức tường Hoàng cung để làm lễ an táng cho Lý Thần phi.

Chân tướng ít người biết đằng sau vụ án "Dùng ly miêu đánh tráo thái tử" - Ảnh 4.

Chân dung vua Tống Nhân Tông đời Tống.

Lã Di Giản muốn yết kiến Thái hậu, Thái hậu sai La Sùng Huân ra hỏi Lã Di Giản còn muốn nói điều gì, Lã Di Giản đáp: "Phá tường là không hợp lễ nghi, quan tài của Thần phi nên được đưa ra ngoài qua cửa Tây Hoa."

Hoàng Thái hậu cảm thấy nếu tổ chức như thế lại quá long trọng, bảo La Sùng Huân đi nói với Lã Di Giản rằng mình không đồng ý. Lã Di Giản đáp: "Thần thân là Tể tướng, theo lý phải lo chuyện triều đình, nếu nay Thái hậu không đồng ý, thần sẽ không quay về."

La Sùng Huân cứ truyền lời như vậy đến lần thứ ba, Hoàng Thái hậu vẫn không đồng ý an táng Lý Thần phi theo nghi lễ an táng Hoàng hậu. Sau cùng, Lã Di Giản nghiêm túc nói với La Sùng Huân rằng: "Lý Thần phi là người sinh ra đường kim Hoàng thượng, nếu nay không an táng đúng lễ nghi sau những người liên quan tất sẽ phải chịu tội, đến lúc ấy đừng trách Lã Di Giản ta không nhắc nhở trước."

La Sùng Huân là người tổ chức lễ an táng của Lý Thần phi, vừa nghe vậy đã vô cùng sợ hãi, chạy về khẩn cầu Hoàng Thái hậu. Bấy giờ Hoàng Thái hậu mới chịu đồng ý cho quan tài đi ra từ cửa Tây Hoa, tổ chức lễ tang long trọng, đồng thời miễn thượng triều trong ba ngày.

Sau khi Hoàng Thái hậu qua đời, quả nhiên đã có kẻ đem chuyện Lý Thần phi là mẹ ruột của Hoàng đế nói với Tống Nhân Tông, còn thêm thắt rằng: "Thần nghe nói Lý Thần phi chết không rõ ràng".

Tống Nhân Tông nghe xong thì khóc thương không thôi, trong lòng khó tránh nghi ngờ liệu có phải Thái hậu đã sát hại Thần phi.

Sau đó, Tống Nhân Tông sắc phong Lý Thần phi thành Lý Thái hậu, hạ lệnh cải táng đến Vĩnh Định lăng. Lúc đổi quan tài, Tống Nhân Tông còn tự mình đến khóc thương, khi thấy bên trong quan tài Lý Thần phi phủ đầy thủy ngân, gương mặt được bảo dưỡng như lúc còn sống, phục sức y quan trên người giống như Hoàng Thái hậu, thì than rằng: "Lời người khác nói cũng chỉ đáng tin có thế thôi!"

Về sau, Tống Nhân Tông còn chăm sóc, nâng đỡ rất nhiệt tình cho người thuộc dòng họ Lưu gia của Hoàng Thái hậu.