Năm Kiến An thứ 3, Tào Tháo đánh bại Lã Bố tại Hạ Bì, bắt sống được những nhân vật trung tâm của tập đoàn Lã Bố, bao gồm: Lã Bố, Trần Cung, Cao Thuận, Trương Liêu. Trong số ấy, Lã Bố, Trần Cung và Cao Thuận đều bị Tào Tháo giết, chỉ giữ lại một mình Trương Liêu.
Trương Liêu cũng có lòng biết ơn, trở thành người đứng đầu Ngũ tử lương tướng của tập đoàn Tào Nguỵ sau này.
Lã Bố và Trần Cung, một kẻ thay đổi thất thường không đáng tin tưởng, một kẻ trong thâm tâm coi Tào Tháo là kẻ địch, bị Tào Tháo giết chết cũng chẳng phải chuyện lạ. Thế nhưng Cao Thuận và Trương Liêu đều là trợ thủ đắc lực của Lã Bố, tại sao chỉ giữ lại Trương Liêu, không giữ lại Cao Thuận?
Người xưa có câu "Thuận ta thì sống, chống ra thì chết". Tuy rằng Cao Thuận vô cùng có tài năng, trí dũng song toàn, nhưng ông lại không chịu phục tùng Tào Tháo, dù Tào Tháo có quý mến người tài cũng không thể không giết chết ông.
Sau khi Lã Bố bị Tào Tháo đánh bại, Tào Tháo đã cho giết Lã Bố trước, sau đó áp giải Cao Thuận lên, thế nhưng Cao Thuận vẫn ngẩng đầu ưỡn ngực, không chịu khuất phục chút nào, điều này khiến Tào Tháo vô cùng bất mãn và tức giận.
Cuối cùng, Tào Tháo cho giết chết Cao Thuận. Tuy nhiên người đứng đầu tập đoàn Tào Ngụy cũng rất kính phục lòng trung thành của Cao Thuận, bèn hạ lệnh an táng trọng thể cho ông, đồng thời mượn việc này khích lệ thuộc hạ cần phải trung thành.
Là một bộ tướng mạnh nhất trong lực lượng quân của Lã Bố, Cao Thuận đã tham gia rất nhiều trận chiến cùng với chủ tướng của mình và hầu như lần nào cũng đều khiến đối phương hao tổn binh tướng.
Lã Bố cấu kết với Viên Thuật, cử Cao Thuận và Trương Liêu tấn công huyện Bái, đánh bại Lưu Bị. Tào Tháo cử Hạ Hầu Đôn cứu viện cho Lưu Bị, bị Cao Thuận chỉ huy lực lượng gồm 700 người với lối đánh tấn công điên cuồng vào doanh trại của quân địch (được gọi là đội hình "hãm trận doanh) đánh bại. Hạ Hầu Đôn mất đi một mắt.
Cũng trong tháng chín năm đó, đám người Cao Thuận đánh hạ Bái Thành, bắt vợ con Lưu Bị làm tù binh, Lưu Bị bại trận phải tìm đến Tào Tháo.
Trong những năm chinh chiến liên tục, Cao Thuận đều từng đánh với các đại tướng của Lưu Bị và Tào Tháo, hơn nữa còn chưa từng bại trận.
Là một tướng tài lại có lòng trung thành tuyệt đối với chủ, việc Cao Thuận phải chết cũng không có gì khó hiểu bởi khi đó, Tào Tháo phải loại bỏ một nguy cơ tiềm ẩn có thể khiến tập đoàn Tào Ngụy gặp khốn đốn sau này. Đây cũng chính là điểm mấu chốt khiến Cao Thuận không thể không chết.
Lã Bố tuy đã qua đời, nhưng các đại tướng trong tay ông cũng vô cùng sợ Tào Tháo có ý định giết họ. Vì thế, nếu lúc này còn để Cao Thuận sống và cầm quân nữa, e rằng với lòng trung thành của ông đối với Lã Bố, nói không chừng ngày nào đó sẽ tập hợp lại thuộc hạ cũ của Lã Bố cùng tạo phản, báo thù cho Lã Bố.
Nhưng Trương Liêu lại khác, quyền hành của ông khi ở dưới trướng của Lã Bố vốn không được cao cho lắm, hơn nữa lại không có vũ khí tốt như cánh quân đặc chủng. Cũng chính bởi nhìn ra điều này, Quan Vũ mới quyết định thuận nước đẩy thuyền, xin tha thay cho Trương Liêu, cũng coi như kết được một thiện duyên.
Trương Liêu được đánh giá là một trong những vị tướng giỏi nhất của phe Tào Ngụy, ông từng tham gia nhiều trận đánh lớn, đặc biệt là trận Hợp Phì, đánh với quân Đông Ngô.
Năm 215, Tào Tháo dẫn đại quân đi đánh Trương Lỗ ở Hán Trung, Tôn Quyền thừa cơ mang 10 vạn quân đến vây đánh Hợp Phì.
Trương Liêu đã tuyển chọn và cùng 800 quân cảm tử xông vào trận địch. Quân Ngô phản công mãnh liệt, ông vờ rút lui dụ địch, quân Đông Ngô mắc mưu đuổi theo và bị mai phục, tổn thất nặng nề.
Tôn Quyền vây đánh Hợp Phì liên tiếp hơn 10 ngày không hạ được đành lui về. Trương Liêu thấy quân Ngô rút lui bèn bất ngờ dẫn quân ra đánh úp. Các tướng Đông Ngô khiếp sợ, Cam Ninh và Lã Mông ra sức chống giữ, Lăng Thống mới hộ vệ được Tôn Quyền chạy thoát.
Quân trong tay không nhiều nhưng trận này, Trương Liêu đã đánh cho quân Đông Ngô khốn đốn.
Tào Tháo đánh chiếm Hán Trung xong, vô cùng khâm phục sự dũng cảm của ông, thăng cho làm Chinh đông tướng quân.