Với Quang, sau hơn một tháng thực hiện dự án đã để lại cho anh nhiều kỷ niệm thú vị. Quang tâm sự: “Đối với mình, việc viết nội dung cho những bức tranh khá khó vì mình không phải người Sài Gòn, lại cần tìm một mạch liên kết hết toàn bộ câu chuyện với nhau. Lúc viết, mình phải vừa viết vừa tra từ điển phương ngữ người Sài Gòn để có được sự gần gũi, chân thật. Các bạn ở miền Tây còn góp ý cho mình để câu văn nghe ra chất Nam Bộ. Và nhờ vẽ tranh mà tụi mình giảm bớt sự lo lắng, suy nghĩ trong mùa dịch”.
Ban đầu, dự án chỉ dừng lại ở việc chia sẻ những câu chuyện về người Sài Gòn giãn cách thông qua những hình ảnh. Nhưng sau khi Quang đăng một vài hình vẽ, nhiều anh chị, bạn bè đã đề nghị phát triển dự án để có thể mang đến nhiều giá trị hơn cho cộng đồng. Từ đó, một group các anh chị làm về truyền thông và marketing cùng tham gia để kết nối dự án với các tổ chức cộng đồng. Nhờ sự hỗ trợ thêm của nhiều bạn trẻ, bộ tranh đã kết nối và hỗ trợ cho Foodbank Việt Nam và Quỹ Hy Vọng. “Ban đầu, tụi mình cũng khá lo lắng vì không biết những bức tranh nghiệp dư có phù hợp để đi cùng những chương trình khác hay không. Sau đó, mọi người thấy rằng một bộ tranh vẽ về những cuộc đời lao động hè phố Sài Gòn nếu có thể giúp đỡ được từng bữa ăn cho các cô chú gặp khó khăn thì thật phù hợp và ý nghĩa”, Quang bày tỏ.
Sau khi Quang và nhóm giới thiệu bộ tranh, có nhiều anh chị và các tổ chức đã biết hơn về công việc của Foodbank Việt Nam và đã ủng hộ vật chất lẫn tinh thần cho “Bếp yêu thương” mà tổ chức này đang cung cấp những suất ăn miễn phí cho người dân lao động bị mất việc, các mái ấm, nhà mở bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Sài Gòn. “Tụi mình sẽ gửi lại toàn bộ tranh cho Foodbank để tặng cho các mạnh thường quân đã hỗ trợ cho quỹ trong đợt vừa rồi. Có một vài đơn vị cũng xin phép sử dụng tranh để in ấn và làm các tác phẩm, lợi nhuận sẽ được chuyển về cho Foodbank giúp mang đến nhiều bữa cơm hơn nữa cho người nghèo”, Quang phấn khởi cho biết.
Cùng xem bộ tranh ký họa của nhóm Quang thực hiện: