Chiều nay (25/7), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế -xã hội. Tham gia phát biểu, ĐBQH Cao Thị Xuân đã nói: Đại dịch Covid-19 đã làm tổn thương nhiều thành phần dân cư khác nhau, tác động lớn nhất là nhóm người yếu thế trong xã hội. Điều này đặt ra đòi hỏi với Quốc hội, Chính phủ phải hoạch định những chính sách phù hợp, đảm bảo tầm nhìn phát triển của hậu Covid-19.
"Khi chúng ta thực hiện tiêm chủng thành công vaccine, đảm bảo miễn dịch cộng đồng thì Covid-19 vẫn tồn tại. Chúng ta phải sống trong bối cảnh bình thường mới chứ không thể trở về cuộc sống bình thường cũ được nữa. Chúng tôi lo lắng rằng nếu không có giải pháp mạnh, cụ thể để triển khai quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu đặt ra trong các chương trình mục tiêu quốc gia thì hậu Covid-19 khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng gia tăng. Nếu nguồn lực không được bố trí đầy đủ để thực hiện các mục tiêu kế hoạch thì chúng ta rất khó thực hiện được mong muốn "Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau", ĐBQH Cao Thị Xuân nói.
Nữ ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nói thêm: Đồng bào ở miền núi có nhắn nhủ chúng tôi rằng, khi ở thành phố, đô thị, miền xuôi đang đẩy mạnh các giải pháp không sử dụng tiền mặt, thanh toán không dùng tiền mặt thì không ít gia đình ở miền núi khó khăn, vùng dân tộc không nhìn thấy mặt của đồng tiền. Nhiều nơi vẫn là cuộc sống tự cấp, tự túc, không có thu nhập và không có giao dịch.
ĐBQH Cao Thị Xuân cũng bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu của đất nước cho giai đoạn 2021-2025, cũng như tán thành với những nội dung trong dự thảo Nghị quyết là tập trung thực hiện linh hoạt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân và an sinh xã hội.
Cũng đề cập đến vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình, ông là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) đề nghị: Cần bổ sung nội dung tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, các địa phương trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau và công khai thông tin về các biện pháp phòng dịch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
"Tại sao tôi nhấn mạnh vấn đề này, chúng ta biết trong bối cảnh hiện nay dịch bệnh ở các địa phương rất khác nhau, các biện pháp phòng, chống dịch cũng rất khác nhau. Trong một bối cảnh nào đó thì biện pháp mạnh là cần thiết nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp phòng, chống dịch dẫn tới ùn tắc lưu thông hàng hóa.
Theo thông tin tôi biết được, ngay tại lúc này trên các tuyến quốc lộ đang diễn ra ùn tắc về hàng hóa. Việc phối hợp giữa các địa phương trong trường hợp này là giảm tối đa các biện pháp không cần thiết sẽ giúp tăng cường lưu thông hàng hóa", ĐBQH Phan Đức Hiếu nói.
Vị ĐBQH này dẫn thêm ví dụ về ứng dụng đăng ký tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19. "Nếu chúng ta ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công khai các thông tin về biện pháp phòng, chống dịch, các chính sách hỗ trợ, thậm chí cho người dân có những ý kiến góp ý, có những phản biện trực tiếp trên các ứng dụng thì sẽ làm tăng niềm tin của người dân, tăng thông tin chính thống, giảm bớt những thông tin xuyên tạc, sai sự thật", ĐBQH Phan Đức Hiếu nói.