Dân Việt

Lái xe có xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2 vẫn không qua được chốt, một doanh nghiệp tạm dừng dây chuyền sản xuất phân DAP

Khánh Nguyên 25/07/2021 16:23 GMT+7
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón đang gặp khó khăn khi xe vận chuyển nguyên liệu đang không thể qua các chốt trạm, buộc phải quay đầu khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội dù lái xe của các doanh nghiệp này đều có giấy xét nghiệm PCR âm tính với SAR-CoV-2.

Chiều 25/7, trao đổi với Dân Việt, ông Đào Hữu Duy Anh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cho biết, doanh nghiệp của ông đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển phân bón đi các tỉnh và đưa nguyên liệu về phục vụ sản xuất ở các nhà máy khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội và lập các chốt trạm ở cửa ngõ Thủ đô.

"Hiện nay, xe vận chuyển phân bón từ Lào Cai về Hà Nội phân phối đi các tỉnh; xe chở lưu huỳnh từ Hải Phòng lên, xe chở axit sunfuric, amoniac từ Bắc Giang lên Lào Cai đang không thể lưu thông nổi qua các chốt, trạm của Hà Nội dù tất cả lái xe của chúng tôi đều có giấy xét nghiệm PCR và cả test nhanh âm tính với virus SARS-CoV-2. Nguyên nhân là do xe của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang chưa có giấy đi vào luồng xanh" - ông Duy Anh nêu một thực tế.

Lái xe có xét nghiệm âm tính với Covid-19 cũng không quá chốt trạm, một doanh nghiệp phân bón phải tạm dừng dây chuyền DAP - Ảnh 1.

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển vật tư sản xuất phân bón, hóa chất (axit sunfuric, amoniac) qua các chốt trạm khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: ducgiangchem.vn)

Cũng theo ông Duy Anh, ngày hôm qua, 24/7, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, sau khi phát sinh tình huống xe chở nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón không qua được các chốt trạm, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đã ngay lập tức đăng ký xin luồng xanh nhưng đến nay chưa có phản hồi.

"Chúng tôi có gọi điện lên Sở Giao thông vận tải Hà Nội thì họ có thông tin hiện có 45.000 hồ sơ xin đăng ký luồng xanh nên chưa giải quyết ngay được" - ông Duy Anh nói thêm.

Điều đáng lo ngại là, theo ông Duy Anh, với nguyên liệu amoniac, mặt hàng không thể thiếu trong sản xuất phân bón và hóa chất, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang dùng ngày nào là hết ngày đó nên ngày nào cũng phải có xe vận chuyển, chỉ cần dừng một ngày hàng không về được là phải dừng nhà máy.

"Hiện, chúng tôi buộc phải tạm dừng dây chuyền sản xuất phân bón DAP với công suất 400 - 450 tấn/ngày" - ông Duy Anh nói thêm.

Ông Duy Anh cho rằng, trong điều kiện nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phân bón tăng do chi phí logistics tăng cao, cộng với doanh nghiệp không có sản phẩm để cung cấp thì trong thời gian tới giá phân bón có thể tăng khá nhiều, tác động trực tiếp đến người nông dân.

"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, việc kiểm soát các phương tiện cũng đúng, nhưng nên chăng, Hà Nội nên lập chốt trạm vào các quận nội thành ở khu dân cư thay vì ngay trên các tuyến quốc lộ, đường ven như hiện nay vì thực tế xe vận chuyển của chúng tôi không qua nội thành mà chỉ theo các đường ven và quốc lộ" - ông Duy Anh kiến nghị.

Ông Duy Anh cho biết thêm, đợt bùng phát dịch Covid-19 ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, dù nhiều địa phương ở 2 tỉnh này bị giãn cách xã hội nhưng xe vận chuyển phân bón, vật tư sản xuất phân bón và hóa chất của công ty vẫn được lưu thông trên các tuyến quốc lộ qua Bắc Giang bình thường, miễn lái xe có giấy xét nghiệm PCR âm tính với virus SAR-CoV-2.

Lái xe có xét nghiệm âm tính với Covid-19 cũng không quá chốt trạm, một doanh nghiệp phân bón phải tạm dừng dây chuyền DAP - Ảnh 2.

Amoniac (NH3) là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong sản xuất phân bón DAP và MAP. (Ảnh: DHB)

Tương tự, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty Cổ phần DAP số 2 - Lào Cai cho biết công ty đang gặp nhiều khó khăn do các xe chở amoniac từ Bắc Giang không thể lên Lào Cai.

Nguyên nhân là do quá trình vận chuyển từ Bắc Giang lên Lào Cai phải đi qua địa phận Hà Nội, nhưng khi đến các chốt chặn trên đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai thì lại không thể qua được chốt.

Được biết, mỗi ngày, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Lào Cai phải vận chuyển 200 tấn amoniac, tương đương khoảng 10 xe bồn để sản xuất. Do đó, nếu không sớm gỡ khâu vận chuyển, nhà máy sẽ phải dừng sản xuất phân bón DAP.

"Nguồn vốn của công ty rất khó khăn nên kế hoạch nhập nguyên liệu và kế hoạch bán hàng phải thật sát nhau, không có dự phòng. Nếu tình hình này kéo dài, nhà máy sẽ phải tạm dừng sản xuất DAP" - ông Tiến cho biết.

Ông Tiến thông tin thêm, từ tối ngày 24/7, đơn vị vận chuyển đã phối hợp với cơ quan chức năng để đăng ký luồng xanh nhưng đến giờ vẫn chưa đi được.

"Xe của chúng tôi không đi vào nội thành Hà Nội, mà từ Bắc Giang theo đường 18 lên thẳng cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Chúng tôi kiến nghị Hà Nội thay đổi chỉ kiểm soát xe vào nội đô, còn lại tạo điều kiện cho xe ngoại tỉnh quá cảnh qua Hà Nội thuộc các tuyến đường vành đai để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất" - ông Tiến nhấn mạnh.