Ông Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội học (Viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng, việc bất chấp lệnh cấm đi lại phòng dịch Covid-19 người dân vẫn ra ngoài, không chỉ là chủ quan mà còn là sự vô trách nhiệm không thể chấp nhận được. Đây là hành vi có thể làm lây lan dịch bệnh, vi phạm pháp luật, cần được xử lý nghiêm, xã hội lên án.
Thực hiện Chỉ thị 16 giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường công tác phòng chống dịch tại Chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội, tất cả các đơn vị (trừ đơn vị được quy định) phải làm việc tại nhà.
Nhưng bất chấp lệnh giãn cách thực hiện phòng dịch Covid-19, nhiều người vẫn lấy lý do đi làm để đi ra đường mà không có bất cứ giấy tờ nào hợp lệ.
Mới đây trên mạng xã hội, một số người dân bày tỏ thắc mắc đi làm có được phép không?; một số khác thì bày tỏ thắc mắc phẫn nộ vì: "Ơ mình đi làm cơ mà sao lại bị phạt?".
Thậm chí trên một số trang kín, một số người còn bày cách để có thể ra ngoài, vượt qua các chốt kiểm dịch và không bị cơ quan chức năng xử phạt.
Chị N.T.A làm cho VNPT cho biết, sáng nay trên đường đến cơ quan đi làm, chị bị lực lượng công an xử phạt tới 3 triệu đồng. Chị A nói: "Viễn thông vẫn là ngành được phép hoạt động vậy mà mình còn bị xử phạt".
Mặc dù Chỉ thị 17 đồng ý để nhóm viễn thông, ngân hàng, xuất nhập khẩu... được phép hoạt động, nhưng theo cơ quan chức năng, các lao động đi làm việc phải được sự đồng ý của lãnh đạo các đơn vị và có giấy tờ chứng minh. Trong trường hợp không có giấy tờ chứng minh, lao động vẫn có thể bị phạt. Lãnh đạo các cơ quan, công ty đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra trường hợp làm lây lan dịch bệnh.
Cụ thể Chỉ thị 17 quy định: Đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp sau: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội. Hoạt động tang lễ: chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng.
Theo tinh thần Chỉ thị 17 được UBND TP. Hà Nội ban hành thì tất cả các cơ quan, công sở, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn trừ các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp bách, quan trọng được cho phép, các lực lượng phục vụ phòng, chống dịch thì phải bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc online tại nhà.
Các trường hợp được phép đến làm việc tại công sở gồm:
- Trực chiến đấu, trực cơ quan;
- Cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu;
- Xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu.
Ông Trịnh Hòa Bình- Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội học cho rằng, việc một số người ra ngoài với lý do tập thể dục, hay đi làm mà không có giấy tờ chứng minh là rất khó chấp nhận.
Tuy nhiên, có thể lý giải vấn đề là do tâm lý con người có sự xáo trộn, chưa thích ứng kịp trong môi trường khép kín. Một số người khi phải giãn cách thì cảm thấy bức bối, mệt mỏi. Nhưng ông Bình cho rằng đó không thể là lí do bao biện cho việc không chấp hành pháp luật trong công tác phòng dịch Covid-19. Bản chất của vấn đề là do người dân chủ quan, chấp hành luật không nghiêm.
"Mấu chốt của vấn đề là người dân chủ quan, không phải là không nắm được thông tin, quy định", ông Bình nhận định.
Ông Bình cho rằng, dịch Covid-19 với biến chủng mới có độ lây lan cao hơn, vì thế ngoài việc thực hiện Chỉ thị 16, Hà Nội còn phải ban hành Chỉ thị 17 với những nội dung siết chặt hơn cả Chỉ thị 16, nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan. "Một số người vẫn chủ quan vì nghĩ: Đã là Thủ đô thì chắc chắn sẽ được bảo vệ tốt, họ không nghĩ rằng, tất cả mọi cố gắng nỗ lực của các đơn vị tuyến đầu ấy có thể bị phá hủy nếu những cá nhân sống trong cộng đồng không tuân thủ, chấp hành pháp luật phòng dịch Covid-19", ông Bình nói.
Đã có khá nhiều câu chuyện đau lòng từ việc không chấp hành giãn cách, hậu quả là dịch bùng khắp mọi nơi, khó kiểm soát.
"Những trò cố tình không chấp hành luật và xem đó là thành tích của một số ít người là hành vi kệch cỡm, cần phải bị cơ quan chức năng xử phạt, cộng đồng lên án. Chỉ có vậy mới nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật của người dân trong công tác phòng dịch", ông Bình nói.