Câu nói trên là sologan của nhiều đơn vị làm dịch vụ Ads (chạy quảng cáo) trên các kênh Facebook, TikTok, Zalo, Google,… Cam kết là vậy nhưng khi vào sâu chuyên môn thì mọi việc rất… hên xui. Khi khách hàng ngỡ ra sự mơ hồ về hiệu quả của việc chạy quảng cáo thì tiền đã mất.
Kinh doanh online trong lĩnh vực mỹ phẩm từ đợt dịch Covid-19 diễn ra đến nay, chị N.T.X (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam). Thời gian đầu, trên facebook cá nhân của mình, chị X. bán cho bạn bè, người quen, dần dần chị đi tìm khách hàng mới bằng việc lập Fanpage và thuê một đơn vị dịch vụ chạy quảng cáo cho những bài viết về sản phẩm của mình.
Chị bắt đầu chụp ảnh sản phẩm bằng điện thoại, copy bài của hãng mỹ phẩm để gửi cho đơn vị dịch vụ chạy quảng cáo triển khai. Những ngày đầu, chị X. chạy với ngân sách thấp, 100 nghìn đồng/1 ngày, thấy không hiệu quả, chị được tư vấn nâng lên 200, thậm chí là 300 nghìn đồng/1 ngày nhưng lợi nhuận từ số đơn hàng xuất ra vẫn không đủ bù chi cho phí chạy quảng cáo.
"Sau 1 tháng chạy quảng cáo Facebook với chi phí tốn gần 7 triệu đồng thì tôi bắt đầu tính toán lại và cho ngưng chạy. Làm việc với đơn vị mà tôi thuê thì người ta nói lý do này lý do nọ, do chúng tôi không tương tác với khách hàng, do chúng tôi không nhiệt tình trả lời tin nhắn,… Tất nhiên, họ có cái lý của họ, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là lợi nhuận và họ đã không làm được điều đó", chị X. nói.
Trên thực tế, việc chạy quảng cáo và bán hàng hiệu quả vẫn có, nhất là đối với những mặt hàng có tính thương mại cao, giá rẻ và chất lượng tương đối đảm bảo. Việc khách hàng có thể bỏ ra 10 nghìn đồng để mua một cái ốp lưng điện thoại hay một chiếc túi xách có mẫu mã được quảng cáo đẹp mắt thì họ không hề tiếc. Tuy nhiên, việc chạy quảng cáo mang tính nhất thời vì khó có thể cân bằng lâu dài được các tiêu chuẩn "ngon - bổ - rẻ".
Ông Phan Phước Vinh - Founder Công ty TNHH Truyền thông - Thương mại và Dịch vụ Nhiên Media (Quảng Nam) cho rằng, chạy quảng cáo hay còn gọi là tối ưu hoá việc tiếp cận khách hàng trên các mạng xã hội và trình duyệt tìm kiếm là phương pháp phổ biến mà lâu nay, bất kỳ đơn vị nào kinh doanh online cũng quan tâm.
Nhiều thương vụ thành công nhờ việc chạy quảng cáo này. Trong đó, nhiều nhất là hình thức đặt hàng áo quần, phụ kiện điện thoại, mỹ phẩm,… ở nước ngoài với giá thành "tính kg", về phân loại ra, chạy quảng cáo bán qua mạng với giá rẻ.
Tất nhiên, để có được nguồn hàng "tốt" như vậy, thì việc lách thuế nhập khẩu, vi phạm pháp luật là điều khó tránh khỏi. Cụ thể, ngày 22/6 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã phát hiện, xử lý 8 kho hàng, cơ sở kinh doanh chuyên livestream bán hàng không rõ nguồn gốc tại Hà Nội và Hưng Yên, thu giữ hàng trăm ngàn sản phẩm, chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang và gia dụng.
Vậy bài toán cho người kinh doanh online một cách chân chính, đúng với pháp luật thì việc quảng cáo, truyền thông cũng nên làm một cách chỉnh chu, không vội vàng như chỉ chạy quảng cáo. Theo một nghiên cứu số liệu Research Method không được facebook cung cấp cho thấy: 57% người dùng tìm kiếm chương trình khuyến mãi, giảm giá trên Facebook; 41% người dùng tìm kiếm chương trình khuyến mãi, giảm giá trên sàn thương mại điện tử; 83% người tiêu dùng tham khảo các bình luận, nhận xét về sản phẩm/ dịch vụ trên các kênh trực tuyến và mạng xã hội trước khi quyết định mua một sản phẩm/ dịch vụ nào đó.
"Chính vì vậy, việc chạy quảng cáo rất cần thiết trong kinh doanh online, nhưng cần hơn nữa là phải kết hợp xây dựng nội dung content thu hút, tin cậy, thiết kế hình ảnh, quay - dựng những video bắt mắt, liên tục triển khai những chương trình khuyến mãi, quà tặng, tổ chức mini game khi kinh doanh online.
Chỉ khi kết hợp đầy đủ các hạng mục trên và tiến hành chạy quảng cáo thì tỷ lệ ra đơn hàng, mang lại doanh thu, lợi nhuận mới đạt hiệu quả. Hãy xem việc chạy quảng cáo như một phương pháp hỗ trợ, đừng phụ thuộc và vung quá nhiều tiền cho mỗi một hoạt động này", ông Vinh nói thêm.