Dân Việt

Nữ VĐV bóng bàn 1 tay tại Olympic 2020: Vùi dập đối thủ 4-0

Natalia Partyka, 32 tuổi, là VĐV trong đội bóng bàn Ba Lan tại Olympic Tokyo 2020. Sau khi Thế Vận hội mùa hè kết thúc, cô còn ở lại Tokyo tiếp tục tham dự Paralympic, nơi cô đã có mặt suốt 17 năm nay.

Natalia sinh ra không có cẳng tay phải và là con gái thứ hai trong gia đình có mẹ là giáo viên, bố làm ngân hàng. Bố mẹ cô không để tâm lắm đến đặc điểm cơ thể của con mình và cũng không có ý giúp con chống chọi với những khó khăn ngoại cảnh. Ngược lại, cô gái được dạy phải tự lập và phải tự mình làm lấy những công việc thường ngày.

Nữ VĐV bóng bàn 1 tay tại Olympic 2020: Vùi dập đối thủ 4-0 - Ảnh 1.

Natalia Partyka là 1 trong 2 VĐV đặc biệt nhất tại Olympic Toky 2020. Ảnh: Reuters.

"Những người bạn gái của mẹ tôi kể lại rằng có lần, khi còn nhỏ, tôi không thể bóc được kẹo. Họ tìm cách giúp tôi, nhưng mẹ tôi cấm - bà muốn tôi phải tự mình đối phó. Nhờ sự dạy dỗ của bố mẹ, lớn lên tôi đã tự mình làm được mọi việc, kể cả trèo cây, đi xe đạp và buộc dây giày", Partyka kể.

Càng lớn Natalia càng thêm tự lập. Một lần cô đi tàu hỏa với một chiếc túi nặng, và một hành khách nữ muốn giúp cô đưa đồ lên giá hành lý. Cô từ chối nhưng người phụ nữ vẫn muốn giúp cô, thế là một cuộc giằng co chiếc túi diễn ra trong toa tàu, rốt cuộc Partyka đã chiến thắng. "Khi muốn ai đó giúp mình, tôi sẽ tự nói ra", Natalya nói sau cuộc giằng co.

Khi Partyka 7 tuổi, cô đã ghi tên học bóng bàn. Bố mẹ đã tìm kiếm cho cô con gái một môn thể thao ít bị chấn thương, và phòng tập ở gần nhà. Hơn nữa, thành phố Gdansk, nơi Natalia lớn lên, vốn nổi tiếng về bóng bàn, nơi sản sinh ra nhiều danh thủ về môn thể thao này.

Lúc đầu, đối thủ chính của Partyka là chị gái Sandra của cô. Hai chị em bắt đầu chơi bóng bàn cùng lúc, nhưng Natalya chăm chỉ tập luyện nên sau nửa năm cô đã tự tin đánh bại không chỉ chị gái mà tất cả bọn trẻ trong khu.

Nữ VĐV bóng bàn 1 tay tại Olympic 2020: Vùi dập đối thủ 4-0 - Ảnh 2.

Natalia Partyka tham dự cả Olympic lẫn Paralympic. Ảnh: Reuters.

Thực tế, việc thiếu tay phải chỉ khiến Partyka khó giao bóng, chứ không trở ngại gì việc chơi. Để khắc phục việc này cô tìm cách kẹp bóng bằng khớp khuỷu tay rồi tung lên và giao bóng. Lúc đầu làm chưa được, một số bạn đồng lứa thấy thế đã cười nhạo vận động viên tương lai của Thế Vận hội, nhưng điều đó chỉ càng khiến Partyka thêm quyết tâm – sau giờ tập luyện, cô ở lại thêm để tập cách giao bóng.

Sự khổ luyện đã đưa Natalia đến với Paralympic 2000 khi cô mới chỉ 11 tuổi. Partyka trở thành vận động viên trẻ nhất tham gia Thế Vận hội Sydney, và cô đã đến Australia mà không có cha mẹ và điện thoại. Vào thời điểm đó, cô đã giành được huy chương tại giải vô địch Ba Lan.

Vài năm sau, Partyka trở thành một trong những vận động viên bóng bàn mạnh nhất thế giới ở hạng mục của mình; tại Paralympic 2004 ở Athens, cô tự tin giành HCV. Tham vọng đã thúc đẩy Natalia tiến xa hơn: chẳng bao lâu cô bắt đầu tham gia các cuộc thi nói chung, ngoài các cuộc thi riêng dành cho người khuyết tật.

Ban đầu, các đối thủ tỏ ra nhường Partyka, nhưng ngay khi hết hiệp 1 họ hiểu ra: Natalya không hề kém cạnh họ. "Có lần tôi thắng một cô người Czech trẻ hơn tôi. Trong giờ nghỉ sau cùng, cô ấy sợ hãi chạy lại chỗ huấn luyện viên và thay vì lắng nghe những chỉ dẫn chiến thuật, cô ấy đã hỏi: "Sau trận đấu em nên giơ tay nào bắt tay cô ấy?", Partyka nhớ lại.

Năm 2008, Natalia đến Bắc Kinh cho Thế Vận hội lớn đầu tiên của cô. Mặc dù cô chỉ thắng được hai hiệp, nhưng các nhà báo địa phương đã biến cô gái Ba Lan thành một ngôi sao thực sự. Trung Quốc là cường quốc bóng bàn, vì vậy Partyka đã được mời phỏng vấn và thậm chí còn được đề nghị ở lại đó luôn. Và không lâu sau Thế Vận hội, Natalia đã ẵm HCV Paralympic thứ hai: cô trở thành một trong hai vận động viên tham dự cả Olympic và Paralympic (cùng với vận động viên bơi lội Nam Phi Natalie du Toit).

Nữ VĐV bóng bàn 1 tay tại Olympic 2020: Vùi dập đối thủ 4-0 - Ảnh 3.

Natalia Partyka là tấm gương vượt khó đối với những người trẻ Ba Lan. Ảnh: PTS.

Cùng năm, Partyka giành huy chương đồng nội dung đôi tại Giải vô địch châu Âu được tổ chức tại St.Petersburg, và năm 2009 cùng đội Ba Lan cô đã giành huy chương bạc đồng đội Euro. Sau thành công này, Natalia đã vọt lên vị trí kỷ lục 48 trong bảng xếp hạng những vận động viên bóng bàn xuất sắc nhất thế giới.

Tại Thế vận hội London, Partyka đã đạt được thành công chính trong sự nghiệp – vào đến vòng 1/16 nội dung đánh đơn và dừng bước trước Li Jie (đại diện cho Hà Lan). Tại Paralympic, Natalia lại là người xuất sắc nhất, và bốn năm sau ở Rio, cô thậm chí đã giành được hai huy chương vàng cả cá nhân và đồng đội.

Ở Ba Lan, Partyka từ lâu đã trở thành một người nổi tiếng - cô đã được tặng một số giải thưởng nhà nước, được quay một phim tài liệu về mình mang tên "Natalia", và được nhiều người hỏi xin ý kiến.

"Có lần cha của một đứa trẻ sinh ra không có cánh tay đã viết thư cho tôi. Anh ta phàn nàn với tôi rằng anh ấy cứ phải làm mọi thứ với con trai mình – nào mặc quần áo cho nó, nào chở nó đi học, nào ngồi cùng nó trong lớp ... Tôi lịch sự trả lời rằng sự chăm sóc như vậy sẽ gây hại rất nhiều cho đứa trẻ trong tương lai, thế là anh ta bực lên mắng mỏ tôi", Natalya kể lại.

Nhiều lần cô được đề nghị lắp tay giả nhưng cô từ chối ngay.

"Có lẽ khán giả sẽ thích nhìn thấy tôi với một cánh tay giả, nhưng một dị vật ở vị trí cẳng tay của tôi sẽ tạo ra rất nhiều bất tiện cho tôi. Tôi không hiểu tại sao bố mẹ cứ phải lắp tay giả cho một đứa trẻ sinh ra đã không có cánh tay. Bởi dù gì thì nó cũng không bao giờ có hai tay cả, vì vậy cứ để nó bình tĩnh thích nghi, làm mọi việc theo cách của mình, và rồi nó sẽ vẫn là một đứa trẻ bình thường", Natalya quan niệm.

Từ nhỏ Partyka đã học cách chấp nhận bản thân. Giờ đây, cô tin rằng nếu không có khuyết tật bẩm sinh chắc cô đã không thể thành công được vậy: "Tất nhiên, tôi khó khăn hơn các bạn cùng lứa, nhưng điều đó khiến tôi phải nỗ lực làm việc hơn và đã tạo nên tính cách của mình. Có lẽ, với đầy đủ tứ chi, tôi đã không lớn lên thành một người chăm chỉ và đầy khát vọng đến vậy".

Natalia Partyka gặp Michelle Bromley của Australia trong trận ra quân nội dung đơn nữ môn bóng bàn Olympic Tokyo 2020. Dù không có cẳng tay và bàn tay phải, Partyka vẫn thi đấu áp đảo. Cô gái Ba Lan chỉ tốn sáu phút mỗi set để thắng ba set đầu với tỷ số 11-3, 11-5, 11-5. Trong set bốn, Partyka cũng chỉ cho đối thủ lên đến điểm 7 trước khi thắng chung cuộc 4-0 sau 29 phút.