Nhắc đến NSƯT Thế Hiển, khán giả sẽ nhớ đến hình ảnh người nhạc sĩ gắn liền với chiếc mũ cối, ba lô bộ đội, cây đàn guitar, thể hiện những bài hát nói về người lính. Những ca khúc gắn liền với tên tuổi của nam nhạc sĩ như: "Khi bong bóng bay", "Hát về anh, "nhánh lan rừng"...
Trước khi bén duyên với sự nghiệp sáng tác, NSƯT Thế Hiển từng là diễn viên đơn ca của Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Bông Sen. Nam nhạc sĩ cho biết: "Tôi bắt đầu vào nghệ thuật từ năm 1976, khi tuyển chọn trung cấp hệ thanh nhạc của Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Bông Sen.
Tôi học 4 năm trung cấp, từ 1976 đến 1980 thì tôi tốt nghiệp thủ khoa. Lúc đó, 2080 thí sinh thi của thành phố mình chọn lấy được 40 người theo học. Học năm thứ nhất thì còn được phân nửa. Năm thứ hai chỉ lại được phân nửa thôi, tức là 20 người còn lại 10 người.
Học trung cấp thanh nhạc hồi xưa khó như thế! Và hết năm thứ hai còn lại 10 người, gọi là nam thanh nữ tú được tuyển chọn. Thời đó học tiếp 2 năm sau để thi và thi trung cấp lúc đó để trở thành diễn viên của Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Bông Sen thì cực kỳ khó.
Cuối năm thứ 4 thì chỉ còn lại có 2 người là được chọn ở lại đoàn, còn những ca sĩ khác được chuyển theo các đoàn lân cận. Tôi với ca sĩ Minh Phượng được chọn ở lại đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Bông Sen và trở thành diễn viên đơn ca từ 1980".
Từ ngày tham gia vào Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Bông Sen, chàng diễn viên, ca sĩ Thế Hiển có cơ hội đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau. Những chuyến đi đó đã mở ra cho Thế Hiển nhiều góc nhìn mới về âm nhạc thế giới cũng như âm nhạc nước nhà.
Đến năm 1983, trong chuyến đi phục vụ bộ đội chiến đấu biên giới phía Bắc, NSƯT Thế Hiển cho ra bài hát "Hát về anh". Bài hát này ra đời sau khi ông cùng đoàn Bông Sen đi biểu diễn ở Liên Xô cũ trở về Hà Nội.
Ít ai biết, để hoàn thành lời ca của "Hát về anh", NSƯT Thế Hiển đã không ngần ngại hoà mình với cuộc sống của anh em bộ đội bởi "Trong âm nhạc, thơ ca hay văn học thì quan trọng là cái tứ".
Từ Hà Nội, NSƯT Thế Hiển đã đi Quảng Ninh thực tế đời sống gian lao của những người lính đang bảo vệ biên cương. NSƯT Thế Hiển đã đi biểu diễn rất nhiều nơi, nhất là thời kỳ bao cấp.
NSƯT Thế Hiển có mặt ở tất cả các chiến trường, các đơn vị bộ đội cũng như các lực lượng thanh niên xung phong. "Mỗi chuyến đi đều cho tôi những cảm xúc về quê hương đất nước, sự gian khổ của bộ đội cụ Hồ, những giọt mồ hôi của thanh niên xung phong và những nỗ lực, nhiệt huyết của tuổi trẻ hiến dâng cho đất nước.
Chính nhờ điều đó mà những ca khúc của NSƯT Thế Hiển đều mang cảm xúc của những chuyến đi. "Tôi yêu tất cả những đứa con tinh thần, vì đó là những kỷ niệm trong cuộc sống của tôi, và tôi ghi chép lại bằng âm nhạc để dâng lên cho đời, đúng như nhiều nhà báo đã viết về tôi như một người viết nhật ký bằng âm nhạc" - NSƯT Thế Hiển nhớ lại.
NSƯT Thế Hiển dành trọn đam mê cho chủ đề người lính
Không chỉ sáng tác từ những chuyến đi tìm chất liệu và cảm hứng, NSƯT Thế Hiển sáng tác như một dạng viết nhật ký bằng âm nhạc để lưu dấu vùng đất đã đặt chân đến. Ba lần được ra Trường Sa, theo nghệ sĩ Thế Hiển là điều rất nhiều đối với một nhạc sĩ.
Gia tài sáng tác của Thế Hiển có khoảng 100 ca khúc, hiện tại phổ biến rộng rãi khoảng 40 ca khúc trong đó có 6 bài viết về Trường Sa, gồm: "Nỗi nhớ đảo xa" (phổ thơ Lê Xuân Bắc), "Vỏ ốc biển", "Khúc hát tự hào", "Tiếng hát trên đảo Sơn Ca" (phổ thơ Phan Hoàng), "Biên cương biển đảo biên phòng" và "Lính đảo Trường Sa".
NSƯT Thế Hiển nhớ lại: "Năm 2012, lần đầu tôi được ra Trường Sa, lúc này tình hình biển Đông đang dậy sóng nên rất căng thẳng. Bộ đội trên các hòn đảo ở Trường Sa đều trong tình trạng sẵng sàng chiến đấu với tinh thần như trong ca khúc "Vỏ ốc biển" tôi đưa thơ Lý Thường Kiệt vào "Nam quốc sơn hà nam đế cư".
Đến năm 2015 thì khác, tôi ra đảo Trường Sa Lớn nghe được tiếng chuông chùa ngân vang, tiếng gà tiếng vịt kêu rất thanh bình. Cảm xúc của lần thứ 3 ra Trường Sa đã giúp tôi sáng tác ca khúc với giai điệu vui tươi "Lính đảo Trường Sa". Người nghệ sĩ như tôi, viết ra giai điệu và ca từ như thế nào đều phụ thuộc vào cảm xúc trước ngoại cảnh".
Bên cạnh chủ đề về người lính, những sáng tác của NSƯT Thế Hiển cũng mang nhiều chủ đề đa dạng như: tình ca, tình bạn, tình mẫu tử, tình trẻ thơ,... Điểm chung của các sáng tác là đều mang màu sắc tươi sáng, ca từ gần gũi và giai điệu bình dị. Tính đến năm 2021, NSƯT Thế Hiển đã sở hữu gia tài gần 200 ca khúc với nhiều thể loại.
Ở độ tuổi 66, NSƯT Thế Hiển vẫn dành trọn trái tim nhiệt huyết cho âm nhạc. Đến với sân khấu "Dấu ấn huyền thoại", NSƯT Thế Hiển đã tái hiện lại ca khúc thanh xuân bất hủ như: "Nhánh lan rừng", "Hát trên nông trường xanh", "Nhong nhong nhong"... Đồng thời, NSƯT Thế Hiển còn có dịp song ca ca khúc "Hát về anh" cùng "Hoàng tử Mưa Bụi" Đình Văn. Không gian âm nhạc lắng đọng như đem tất cả ký ức về những người chiến sĩ, thanh niên xung phong giữ vững lý tưởng, đấu tranh vì tự do Tổ quốc.
Trong chương trình, nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển cũng bộc bạch nhiều về "người bạn thân nhất" – cây đàn đã theo anh trên khắp mọi nẻo đường, cũng như hành trình tự học guitar, piano để trở thành nhạc sĩ; tâm sự cả về khoảng lặng mất mát nhất trong cuộc đời và cách sống để có nẻo về hạnh phúc.
“Dấu ấn huyền thoại” phát sóng 20h35 thứ Tư hàng tuần trên HTV7. "Dấu ấn huyền thoại" là chương trình âm nhạc kết hợp talkshow độc đáo, được xây dựng với mong muốn tôn vinh các nghệ sĩ gạo cội trong làng âm nhạc Việt, đặc biệt là dòng nhạc cổ, nhạc truyền thống dân tộc. Đây là sân khấu lưu giữ những câu chuyện phía sau ánh hào quang, gợi nhớ một thời hoàng kim của các nghệ sĩ "huyền thoại" như: NSND Bạch Tuyết, NSND Thanh Tuấn, NSƯT Hải Phượng, danh ca Bảo Yến, nghệ sĩ Thanh Hằng, nghệ sĩ Đình Văn, nghệ sĩ Ngọc Sơn...
Trong chương trình này, các khách mời sẽ tham gia vào hai phần chính gồm talkshow và mini liveshow. Theo đó, các bậc tiền bối sẽ "một lần kể hết" về sự nghiệp âm nhạc, những chặng đường khó khăn, những thành tựu và cả những câu chuyện về cuộc sống đời tư, cuộc sống nghệ thuật hiện tại khi âm nhạc đang dần trở nên đa dạng, "hợp thời" hơn.