Dân Việt

"Giải cứu" phụ nữ bị bạo hành, cần giải pháp tổng thể

Đỗ Nga 29/07/2021 13:08 GMT+7
"Hai năm trở lại đây, tôi liên tục bị chồng bạo hành. Nếu ở lại căn nhà đó, hoặc tôi bị chồng đánh chết, hoặc tôi sẽ tự chết đi cho đỡ khổ" - chị N.T.N, người đang tạm lánh tại Ngôi nhà Bình Yên (TT Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) chia sẻ.

Chồng mất việc, vợ bị bạo hành

"2 năm trở lại đây tôi liên tục bị chồng bạo hành, anh ta tát vào mặt, đấm, đá vào cơ thể tôi. Anh ta nguyền rủa, xúc phạm danh dự của tôi và bố mẹ tôi. Đỉnh điểm anh ta còn cầm búa đập vào người vợ đã cùng chung sống 20 năm.

Nếu tôi tiếp tục ở lại căn nhà đó, tôi sẽ chết, hoặc là bị chồng đánh chết, hoặc là tôi sẽ tự chết đi cho đỡ khổ" - đó là trải lòng của chị N.T.N (Hà Nội - nhân vật đề nghị không nêu tên) chịu bạo lực từ chồng suốt thời gian qua.

Chị N đang phải tạm lánh tại Ngôi nhà Bình Yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Mọi việc bắt đầu khi chồng của chị bị mất việc do Covid-19, một mình chị đi làm công nhân, gồng gánh nuôi cả gia đình. Ban ngày chị đi làm, tối về nhà cơm nước sau đó chịu đòn. 

Lý do người chồng đưa ra mỗi khi "thượng cẳng tay, cẳng chân" với chị đơn giản vì anh ta nghĩ "tao không có việc, không kiếm được tiền mày coi thường tao" và "mày đi làm là mày đi với trai".

anh 1.jpg

Chị N bị chồng bạo hành suốt 2 năm qua đang tạm lánh tại Ngôi nhà Bình Yên. Ảnh Đỗ Nga

Chị N không phải là người phụ nữ duy nhất chịu cảnh bạo hành trong gia đình mình. 

Trong thời gian Bắc Giang giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, nhân viên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã phải kết nối với Hội phụ nữ địa phương để hỗ trợ gấp, đưa mẹ con một phụ nữ rời khỏi Bắc Giang do bị chồng bạo hành.

Theo các chuyên gia xã hội học, dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội, mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng trong thời gian dịch bệnh, cụ thể là phụ nữ bị bạo hành, bạo lực nhiều hơn.

Những con số đau lòng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra một thực tế, đại dịch Covid-19 đang khiến nạn bạo lực đối với phụ nữ trên toàn thế giới trở nên nghiêm trọng hơn do các biện pháp phong thỏa và các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu bị ngắt quãng.

Báo cáo của Tổ chức Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho biết, 243 triệu phụ nữ và trẻ em gái ở độ tuổi 14-49 trên toàn thế giới đã bị bạo lực tình dục hoặc bạo lực thể xác do chồng/bạn tình gây ra trong năm 2020.

Tỷ lệ bạo lực với phụ nữ trong giai đoạn Covid -19 cao gần gấp đôi (53,2%) so với tỷ lệ bạo lực gia đình với phụ nữ nói chung trong trong 12 tháng qua theo điều tra quốc gia 2019 (31,6%), theo số liệu của Viện phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng khảo sát tại một số khu công nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. 

Còn theo số liệu thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong tháng 4/2020 (thời gian giãn cách xã hội), tổng đài ứng phó bạo lực trên cơ sở giới 1900969680 của Ngôi nhà bình yên đã tiếp nhận gần 350 cuộc gọi của những người cần hỗ trợ, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2019; công tác phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương để tham vấn, tư vấn và giải quyết khẩn cấp cho các trường hợp phụ nữ cần hỗ trợ về bạo lực cũng tăng lên 40%.

"Giải cứu" phụ nữ bị bạo hành, cần giải pháp tổng thể - Ảnh 2.

Bà Dương Thị Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát Triển, Hội LHPN Việt Nam. Ảnh: Đỗ Nga.

Số liệu đau lòng này tiếp tục tăng trong năm nay. 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài 1900969680 đã tiếp nhận hơn 1300 cuộc gọi tăng khoảng 140% so với năm 2020. 83% trong số các cuộc gọi liên quan đến bạo lực gia đình. 

Nếu tính riêng số trường hợp được tham vấn về bạo lực gia đình đã tăng gần 60% so với năm 2020 và tăng hơn 230% so với năm 2019. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 30% các cuộc gọi vào tổng đài là cuộc gọi yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị bạo lực gia đình của các phụ nữ tỉnh khu vực miền Nam.

Tại Hà Nội, Ngôi nhà Bình Yên đã tiếp nhận, hỗ trợ 74 trường hợp, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020 (54 người). Ngôi nhà Bình Yên tại Cần Thơ hỗ trợ 12 người tạm trú tăng 266% so với năm 2020 (6 tháng đầu năm 2020, chỉ tiếp nhận mới 3 người tạm trú).

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát Triển, Hội LHPN Việt Nam cho biết: "Bạo lực gia đình dù ở mức độ nhẹ hay nặng đều gây ra những tổn thương không mong muốn tới nạn nhân. 

Tuy nhiên, trong đại dịch Covid, những hình thức như bạo lực về thể chất, tinh thần và bạo lực tình dục tăng lên về cả tần suất và mức độ khiến nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề hơn".

Nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình khi đến với Ngôi nhà bình yên bị thương tích, thường xuyên sợ hãi, lo lắng, cho rằng giá trị bản thân thấp, mặc cảm có lỗi, xấu hổ. 

Nhiều trường hợp bị tổn thương tâm lý trầm trọng họ có những rối loạn tâm lý như trầm uất, hoang tưởng, trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào người có hành vi bạo lực gia đình và từ đó khiến họ ngày một thụ động, mất quyền kiểm soát bản thân, mất vai trò, vị trí trong gia đình. Cũng có người sau khi bị bạo lực gia đình họ có xu hướng hành vi kích động với người xung quanh.

Nhìn nhận về hậu quả của bạo lực gia đình dưới góc độ bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, PGS TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Bạo lực gia đình tạo một vết thương không dễ hàn gắn trong cuộc sồng về sau, làm phụ nữ luôn lo sợ và cảnh giác trong mọi sinh hoạt, làm mất tính chủ động của phụ nữ trong mọi công việc, mối quan hệ xã hội ngày càng thu hẹp".

Cần có giải pháp tổng thể

Lý giải về gốc rễ của vấn đề bạo lực gia đình đối với phụ nữ trong bối cảnh Covid-19, bà Dương Ngọc Linh nói: "Đã có nhiều vấn đề xảy ra với các gia đình trong thời điểm này. Cha mẹ mất việc làm, căng thẳng do thu nhập không ổn định, thời gian trong nhà bên nhau nhiều,…tất cả những yếu tố đó khiến bạo lực về giới tăng so với trước đây".

Bạo lực gia đình với phụ nữ trong bối cảnh Covid-19 là vấn đề nhức nhối. Để giải quyết được những điều này cần nhiều giải pháp tổng thể.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, để ngăn chặn bạo lực gia đình đối với phụ nữ trong bối cảnh Covid-19, chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể cần quan tâm đến đời sống, hoàn cảnh của từng người dân ở địa phương.

Gia tăng tuyên truyền, cảnh báo về vấn đề bạo lực trong giai đoạn Covid-19, công khai các số hotline, địa chỉ hỗ trợ nạn nhân trên phương tiện thông tin đại chúng, nơi đông dân cư. Xử lý nghiêm khắc các cá nhân có hành vi bạo lực gia đình.

Bà Dương Thị Ngọc Linh chia sẻ, để hạn chế được bạo lực gia đình trong bối cảnh dịch Covid-19, mỗi thành viên trong gia đình phải thấu hiểu, tôn trọng, yêu thương nhau nhiều hơn, học cách quản lý cảm xúc, phân công trách nhiệm cho tất cả thành viên trong, tổ chức hợp lý các hoạt động trong gia đình, lắng nghe ý kiến của mỗi cá nhân kể cả trẻ em… để hạn chế xung đột mâu thuẫn dẫn đến bạo lực gia đình.