Sáng sớm ngày 29/7, ông Nguyễn Trung Đạt (76 tuổi) ở khu tập thể số 66B phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cùng vợ là bà Phạm Thị Mão (71 tuổi) bê chiếc thùng nhỏ đựng toàn mì tôm, bánh mì ra đặt ngay bên vỉa hè nhà mình.
Bên cạnh là một thùng nước lọc đóng chai. Cùng với đó tấm biển nhỏ với dòng chữ gần gũi "Mì tôm, bánh mỳ miễn phí mỗi người 1 đến 2 gói để dành cho người sau, cảm ơn!" được đặt ngay bên trên.
Lúc này đã có một bà cụ gần 90 tuổi đi đến chờ lấy 2 gói mì tôm kèm chai nước lọc. Bà nghe tin nơi đây phát mì tôm, bánh mì miễn phí nên đã lui tới xin về ăn qua ngày. Thấy cụ già đáng thương, ông Đạt đã biếu thêm vài gói để bà mang về nhà ăn dần trong vài ngày tới đỡ phải đi lại trong thời điểm dịch bệnh này.
"Tôi thấy đợt dịch Covid-19 đang phức tạp. Dịch bệnh cũng khiến nhiều trường hợp rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Cả thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch TP Hà Nội là điều rất cần thiết.
Gia đình tôi đã đứng ra kêu gọi thêm bạn bè giúp đỡ mua mì tôm, bánh mì, nước lọc phát cho các hoàn cảnh khó khăn. Việc làm này tôi thấy ai ai cũng ủng hộ. Trước khi vào nhận đồ, tôi yêu cầu mọi người rửa tay sát khuẩn. Chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn, họ đi qua, gặp vào lấy nên không tập trung đông đúc ảnh hưởng đến phòng chống dịch của thành phố", ông Đạt chia sẻ.
Tủ mì tôm, bánh mì miễn phí của gia đình ông Đạt được thực hiện từ ngày 28/7. Trong ngày này, vợ chồng ông đã phát được hơn 300 gói cho các hoàn cảnh khó khăn.
"Một hai gói mì tôm trong lúc này không nhiều nhưng gia đình tôi muốn gửi gắm mọi người đó là tình cảm. Ai đi ngang qua khó khăn thì lấy. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nếu nhiều người chung tay đứng ra giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong lúc này sẽ rất tốt. Gia đình tôi sẽ phát từ sáng tới 18h chiều mỗi ngày cho tới khi hết đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 lần này", ông Đạt nói.
Cầm vài gói bánh, mì tôm trên tay, bà Dương Thị Dậu (65 tuổi, ở phố Nguyễn Thượng Hiền) liên tục gửi lời cảm ơn. Bà Dậu chia sẻ, ở một mình, dịch bệnh không có công ăn việc làm. Khi nghe tin tại đây phát mì tôm, bánh mì đã đến đây.
"Cảm ơn anh chị rất nhiều, rất cảm động. Một gói mì chỉ vài nghìn đồng thôi nhưng nó chứa đựng nhiều tình cảm của gia đình mình trong đó. Trong lúc này, như vậy là điều rất đáng quý đối với những người như em", bà Dậu gửi gắm tới gia đình ông Đạt.
Lúc này bà Mão (vợ ông Đạt) vui vẻ bày tỏ: "Làm công việc này xuất phát từ tâm vợ chồng tôi cùng mọi người. Nghe câu cảm ơn của mọi người khiến tôi thấy ấm lòng".
Đi nhặt đồng nát tiện ngang qua đây, bà Trần Thị Hoà (68 tuổi, quê huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã ghé vào xin hai gói để phòng khi đói. Bà Hoà cho biết, đi nhặt đồng nát kiếm sống qua ngày từ nhiều năm nay. Chồng bà đã mất từ lâu do bệnh tật, nhà không có con cái.
"Hồi chồng ốm tôi dốc hết gia sản, bán cả nhà cửa để chạy chữa cho chồng. Tuy nhiên, anh ấy mất lâu. Từ đó tôi đi nhặt đồng nát, thuê nhà ở qua ngày. Thuê nhà 500.000 đồng mỗi tháng nhưng năm ngoái khó khăn không có tiền đóng tôi không thuê nữa. Ngày đi nhặt phế liệu cũng được khoảng 50.000 đồng đủ trang trải cho cuộc sống. Còn dư chút thì để trong người phòng khi ốm đau. Tối đến thì trải tấm nilon nằm ngủ bên lề đường", bà Hoà trải lòng.
Theo bà Hoà, có nhiều người khi thấy hoàn cảnh của bà khốn khó đã mở lời mời bà ăn cơm, bát phở qua bữa. Có người thương còn mua tặng bà chiếc xe đạp để giúp đỡ trong lúc đi nhặt phế liệu.
"Trong lúc khó khăn mà có gói mì giúp đỡ người nghèo thế này tôi thấy hay lắm, rất tốt. Sống ở đây nhiều năm tôi thấy tấm lòng người Hà Nội rất hảo tâm. Có cháu thấy tôi liền hỏi 'cô ăn gì không cháu mua'. Người Hà Nội rất lịch sự, quý người", bà Hoà xúc động.
Thấy tủ mì tôm của gia đình ông Đạt ý nghĩa, bạn Đào Quang Anh (19 tuổi, nhà ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) làm đưa hàng ở bưu điện tiện đường đã tiện đường góp một ít mì của mình cho mọi người.
"Tôi đọc thông tin trên mạng xã hội nên muốn góp một ít giúp đỡ mọi người. Tôi hy vọng dịch bệnh sẽ kết thúc để mọi người được trở lại cuộc sống bình thường", Quang Anh nói.