Tác giả gọi sách này của mình là tập tùy bút. Theo tôi gọi đúng tên thì đây là một cuốn sách du khảo văn chương về một vùng đất lịch sử. Vũ Bình Lục từ vài chục năm nay đã từ một nhà thơ chuyển sang địa hạt nghiên cứu cổ văn. Bằng vốn chữ Hán có được và nhất là bằng tình yêu sâu sắc với tiền nhân, ông đã đọc lại thơ cổ của cha ông, khảo cứu, dịch thuật, bình giải dựa trên các văn bản đã được những người đi trước sao lục, kết hợp với những tìm tòi, phát hiện của mình.
Công phu lao động miệt mài của ông trên từng con chữ bao năm qua đã được xuất bản thành những bộ sách đồ sộ: "Hồn thiền trong thơ Lý – Trần" (2013), "Thánh thơ Cao Bá Quát" (2014), "Hồng hạc cõi trời Nam" (về thi hào Nguyễn Trãi, 2 tập). Đặc biệt bộ "Giải mã kho báu văn chương" (5 tập, gần ba nghìn trang) tập hợp thơ chữ Hán của các tác gia Việt Nam trong vòng 500 năm từ thời nhà Trần đến thời nhà Hồ.
Đến nay tuổi đã ngoài bảy mươi ông vẫn miệt mài đi trong rừng thơ suối chữ của người xưa để lại tìm cách chuyển tải đến bạn đọc ngày nay. Ông đã hoàn thành mấy bản thảo dày dặn nữa chờ in, và thường là phải tự bỏ tiền túi của mình ra, những cuốn sách dày nặng hay đấy nhưng cũng tốn kém đấy. Nói thế để thấy cái tâm cái công của Vũ Bình Lục đối với vốn cổ cha ông thật đáng trân trọng và biết ơn.
TRẦM TÍCH ĐÔNG TRIỀU
Tác giả: Vũ Bình Lục
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020
Số trang: 600 (khổ 14,5x20,5cm)
Số lượng: 500
Giá tiền: 450.000
Chính hành trình tìm về nguồn cội văn học dân tộc đó đã đưa ông đi đến nhiều nơi vừa là tìm kiếm tư liệu vừa là kiểm nghiệm thơ với cuộc đời. Do vậy, khi đến với vùng đất Đông Triều, Vũ Bình Lục không chỉ đến với tư cách một khách du nhìn núi nhìn sông bề ngoài.
Ông đến khi đã thấm ngấm tinh thần, tư tưởng của người xưa lưu lại trong những áng thơ văn, để có thể tự cho mình "tự do thả hồn mộng mơ vào cõi thiêng Đông Triều".
Đó là một hành trình văn hóa có chủ đích, nên những bài viết của ông trong sách này cũng không phải theo nghĩa "tùy bút" viết chơi, mà là nhằm vào "một chủ đề chiêm ngưỡng, đối chiếu hiện cảnh với những điều được các tác giả miêu tả trong thơ đời Lý – Trần, đặc biệt là ở thời nhà Trần." Cuốn sách vì thế cũng có thể coi như một tuyển thơ thu gọn gồm những sáng tác của các nhà vua, triều thần, nhà sư thời Trần viết về và viết tại một trong ba vùng "bản thổ" của một triều đại hiển hách nhất trong lịch sử nước nhà.
Đông Triều nay là một huyện của tỉnh Quảng Ninh. Nhưng từ xưa Đông Triều là một vùng văn hóa lớn, có vị trí địa lý – chính trị - kinh tế - quân sự rất đặc biệt trong lịch sử nước Việt, nhất là vào thời Trần. Đây là vùng đất phong của An Sinh vương Trần Liễu, anh trai vua Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh) – vị vua mở đầu triều đại nhà Trần. Đây là nơi phát tích của Trúc Lâm Yên Tử, Thiền phái độc đáo của Việt Nam, do vua Trần Nhân Tông sáng lập.
Đây là nơi gần kề Côn Sơn, chốn lui về của Nguyễn Trãi. Bước chân người nay đặt lên bao dấu tích người xưa. Với người biết sử thuộc văn thì nhìn vào đâu cũng thấy hiển hiện bóng tiền nhân, đứng trước mỗi di tích mà như thấy người xưa hiện về cùng trò chuyện, đàm đạo. Vũ Bình Lục may mắn được là một người như vậy và ông muốn dắt bạn đọc theo cùng mình trong cuộc hành hương văn chương này về Đông Triều. Đến chỗ nào ông cũng nói được cho ta biết sự tích chỗ đó có thơ làm chứng, giãi bày.
Thơ xưa ông dẫn cả chữ Hán và phiên âm, cả bản dịch của người khác và của mình, rồi ông phân tích, bình giải cho ta thấy được tâm sự nỗi lòng suy tư của người xưa gửi gắm trong từng câu chữ, điển tích. Không chỉ thơ xưa, còn có thơ nay – thơ của chính nhà thơ Vũ Bình Lục cảm tác trước thế sự đời người trôi trên dòng lịch sử. Đọc cuốn sách này vì vậy gây cho ta cảm giác lâng lâng hoài cổ mà luận kim.
Lấy thí dụ một danh lam ở Đông Triều là chùa Quỳnh Lâm. Tôi đến chùa này lần đầu tiên năm 1978. Trước đó, đọc trong sách báo tôi chỉ biết láng máng về nó, biết là ở đó có cái chuông đồng nổi tiếng, hình như thuộc về "An Nam tứ khí" thì phải. Khi về Đông Triều trong chuyến sưu văn học dân gian năm đó tôi đã thăm chùa và đã ghi được câu ca xưa truyền lại sự nổi tiếng của di tích này: "Quỳnh Lâm khánh đá chuông đồng/ Muốn chơi thì trả của chồng mà chơi/ Của chồng nặng lắm em ơi/ Trả sao cho hết mà chơi chùa Quỳnh".
Và chỉ vậy. Sau này có dịp quay lại chùa thì so với hồi trước bốn chục năm thấy cũng đã khác. Nay đọc Vũ Bình Lục tôi mới được biết thêm nhiều điều về chùa Quỳnh Lâm. Biết rằng chùa xây từ đời Lý và được mở mang bề thế hơn từ đời Trần do công của Tổ thứ hai Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Pháp Loa. Biết rằng ở chùa từng có Quỳnh Lâm Viện như là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta.
Biết rằng ở chùa có am Bích Động làm nơi xướng họa thơ văn của các bậc danh nho và cao tăng và theo tác giả sách thì đó đã có thể coi là Bích Động Thi Xã, thi đàn đầu tiên của nước Việt, có trước Tao Đàn của ông vua sáng Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Biết rằng, và đây là điều đặc biệt, chủ soái của thi đàn ấy là Văn Huệ Vương Trần Quang Triều (1287 – 1325) với hiệu Cúc Đường chủ nhân.
Ông là con trai đầu của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (1252 – 1313), cháu nội của Hương Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228? – 1300), đã từ quan về làm cư sĩ chùa Quỳnh Lâm, và sớm qua đời ở tuổi 38. Tư liệu về Trần Quang Triều ít ỏi, Vũ Bình Lục đã phải lần tìm trong sách vở và qua thơ của hai thành viên tích cực trong thi xã Bích Động để cho người đọc hình dung ra một con người và một nhà thơ hơn bảy trăm năm về trước. Đây là một bài của Nguyễn Sưởng viết khi trở lại thăm am Bích Động ở chùa Quỳnh Lâm nói về nỗi đau của dân chúng trước sự ra đi của Cúc Đường chủ nhân mà Vũ Bình Lục dịch ra lục bát:
Gió xoa hoa biểu hạc bay
Mây ôm mái cỏ, rồng say ngủ vùi
Xót xa dân chúng ngậm ngùi
Trăng Quỳnh lạnh buốt cả hồi chuông đêm (tr. 66)
Nỗi ngậm ngùi trong vần thơ xưa lây cả sang người nay khi tác giả dạo thăm chùa Quỳnh, và cả khi dạo khắp miền Đông Triều theo chân các bậc tiền nhân trong thơ. Buồn thương trước cảnh thế gian biến cải. "Đọc thơ các cụ ta viết về ngôi chùa này, mới thấy tâm hồn người xưa vô cùng phong phú và đẹp đẽ. Nó vẫn còn nồng ấm làm sao. Con người thời ấy tư duy, cảm nhận thẩm mỹ, có lẽ chả thua kém gì con người ngày nay đâu nhé. Tuy nhiên, cái sự trong trẻo thánh thiện, tài hoa nghệ sĩ thì tôi có thể đoan chắc mà nói rằng, nó còn sâu sắc tinh tế hơn con người ngày nay nhiều lắm. Tất nhiên là thế. Con người ngày xưa tự sáng lập ra các học thuyết mới mẻ về tôn giáo, rồi thẩm thấu, rồi tự phát sáng trong tâm mình nhiều minh triết nhân văn của các tôn giáo ấy". (tr. 64-65).
Bạn sẽ khai phá được nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử của Đông Triều qua thơ đời Trần trong cuốn sách này của Vũ Bình Lục. Ông viết chuyện xưa, dịch và dẫn giải thơ xưa, nói cảm xúc thời nay, bằng một giọng điệu sâu lắng tình cảm và suy tư, vừa học thuật vừa văn chương, đọc không thấy khó hiểu, không bị khô khan. Bạn cũng có thể nhờ sách này mà có được một vốn kiến thức về một thời kỳ thơ cổ điển nước nhà được hệ thống hóa theo một chủ đề. Công phu đọc sách để làm ra sách của Vũ Bình Lục như vậy, "Trầm tích Đông Triều" đang chờ bạn lật giở.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!
Hà Nội, 29/7/2021